Sinh viên ngành y kể chuyện trực tổng đài cấp cứu 115

Thứ năm, 12/08/2021 15:29 (GMT+7)

Trong bối cảnh TP.HCM có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày, điện thoại của tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 luôn hoạt động. Bên kia đầu dây, người gọi luôn tỏ ra lo lắng, căng thẳng...

Những cuộc gọi từ F0

- Alo! Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe.

Hoàng Minh (sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vừa nhấc máy, ghi lại các thông tin bệnh nhân. Sau một hồi trấn an, Minh bắt đầu xử lí từng thông tin, phân luồng ca bệnh và điều phối xe. Tất cả các thao tác đều đòi hỏi yếu tố nhanh nhẹn, chính xác. Đó là công việc là cậu sinh viên ngành Y này đã theo được gần 1 tháng khi tham gia vào đội hình thanh niên tình nguyện trực tổng đài cấp cứu 115.

Hoàng Minh tại Trung tâm Cấp cứu 115

Minh kể: “Tụi mình sẽ được chia làm 4 nhóm để xoay ca. Mỗi nhóm làm 8 tiếng và sau đó được nghỉ 24 tiếng. Cứ thế phải lấp đầy 24 giờ đồng hồ, đảm bảo khi có người dân gọi đều có người nghe máy. Thông thường, tụi mình sẽ bắt đầu giao ca vào những khung giờ: 7h - 15h - 23h. Vì tính chất công việc cần tiếp nhận xuyên suốt, bất kể thời gian nào. Mọi người trong nhóm khi đến giờ cơm sẽ thay phiên, choàng cho phần việc nhau để người kia được đi ăn rồi lại vào thay nhau, tránh việc người dân gọi không ai nghe máy. Nếu vào ca khuya khi lượng cuộc gọi ít đi, mọi người có thể thay nhau ngả lưng một chút tầm 2 tiếng rồi lại vào thay cho nhau”.

Số lượng cuộc gọi đến trong thời điểm này tăng một cách đột biến, có ngày cao điểm tổng đài 115 có thể nhận đến 8000 cuộc gọi. “Tâm lý của bệnh nhân F0 rất âu lo và cần sự nhanh chóng, khẩn cấp. Lúc nào, mình cũng cố gắng xử lý theo thứ tự một cách nhanh nhất có thể. Khi xe cấp cứu bận rước các ca nặng khác, người thông cảm vẫn cảm ơn tổng đài vì đã gọi lại hỏi thăm tình hình người thân. Một số người chỉ biết la mắng qua điện thoại chỉ vì sự chậm trễ không ai mong muốn này".

Những phút giây “nghẹt thở”

Minh chia sẻ: “Có đôi lúc, “tân tổng tài viên” tụi mình như ngồi trên đống lửa khi nghe tình hình bệnh nhân SpO2 chỉ còn dưới 50, gần như đi vào hôn mê. Đến đoạn điều xe cấp cứu, các chị tổng đài thường trực chỉ đáp: “Hết xe rồi, cố gắng đợi thôi em, hi vọng họ qua được". Tụi mình rất buồn”. Những câu nói như “Bệnh nhân mất rồi em", “Bác ngưng thở rồi" luôn khiến Minh như chết lặng. Mỗi khi hay tin ca mất, cậu lại tiếp lời hướng dẫn người dân liên hệ công an địa phương để đảm nhận phần việc tiếp theo.

Điện thoại, tai nghe để "trực chiến"

Trở thành tổng đài viên, đôi lúc, Minh cũng rưng rưng xúc động trước những lời cảm ơn từ phía bệnh nhân F0. Bạn kể: “Hôm đó, mình đang trong ca trực đêm, từ 11 giờ khuya đến 7 giờ sáng. Bên kia đầu dây là một người phụ nữ trung niên, chưa chồng con và sống một mình trong căn chung cư. Cô có bệnh nền và đang mắc COVID-19. Đã 2 đêm rồi, cô không ngủ lo lắng mình sẽ ra đi mà không ai hay biết. 2 giờ sáng, cô xuống chung cư để cầu cứu ban quản lí.

Mình đã liên tục trấn an, cung cấp cho cho cô một vài biện pháp cần thiết cũng như cho thông tin đường dây nóng của bác sĩ tư vấn trong mùa dịch. Cuối cùng, mình vẫn nhắn nhủ cô nếu có gì bất thường hay tình trạng chuyển biến nặng thì cứ gọi lại tổng đài 115. Không như những cuộc gọi khác thì đến cuối cùng cô lại hỏi tên mình là gì, và rồi cô lại nói tiếp: “Cảm ơn Minh nhiều nhé, qua nói chuyện chị thấy Minh là một người rất tốt, mong em và gia đình sẽ bình an trong mùa dịch này nhé". Tự nhiên đến lúc này thật sự có gì đó nghẹn lại trong mình, mình chỉ kịp nói lời cảm ơn”.

Bài: THUẬN THẢO

Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: