Thứ sáu, 27/12/2024 12:11 (GMT+7)

Tối 26-12, hoạt động nặn tò he "Gom nét nghệ" của sinh viên Nhân văn thu hút hơn 200 bạn trẻ tham dự.

Hoạt động nặn tò he "Gom nét nghệ" của sinh viên Nhân văn có sự góp mặt của nghệ nhân Nguyễn Văn Khang - người gắn bó với nghệ thuật tò he truyền thống hơn 30 năm - Ảnh: THANH THẢO

Hoạt động nặn tò he "Gom nét nghệ" của sinh viên Nhân văn có sự góp mặt của nghệ nhân Nguyễn Văn Khang - người gắn bó với nghệ thuật tò he truyền thống hơn 30 năm - Ảnh: THANH THẢO

Hoạt động nặn tò he "Gom nét nghệ" diễn ra tại Nhà văn hóa Sinh viên (TP Thủ Đức). Đây là một phần trong chuỗi sự kiện "Sống chuẩn 14: Dreamy Hideout – Mình là ai giữa thế giới hậu tuổi thơ?".

Chuỗi sự kiện do câu lạc bộ Văn minh học đường (trực thuộc Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM) tổ chức với mục tiêu nâng cao kỹ năng thực hành xã hội và gây quỹ vì cộng đồng.

Giá trị văn hóa trong sự thay đổi của thời đại

Trong chương trình, nghệ nhân Nguyễn Văn Khang chia sẻ những câu chuyện về nghề nặn tò he, sự thay đổi của nghệ thuật tò he qua các thời kỳ.

Những hình tượng quen thuộc trong cuộc sống qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân tò he bỗng hiện lên sống động. Chúng gợi lên biết bao ký ức tuổi thơ đẹp đẽ trong lòng nhiều người.

Sinh viên Nhân văn nặn tò he 'gom nét nghệ'- Ảnh 2.

Từ đất nặn nhiều màu sắc, nghệ nhân khéo léo tạo hình tò he dựa trên những hình tượng quen thuộc trong cuộc sống - Ảnh: THANH THẢO

Sau khi được hướng dẫn những bước cơ bản, các bạn trẻ tự tay nặn các sản phẩm tò he theo ý tưởng của mình. Mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn cá nhân, trở thành món quà lưu niệm độc đáo.

Sinh viên Nhân văn nặn tò he 'gom nét nghệ'- Ảnh 3.

Các bạn trẻ chăm chú tạo hình tò he sau khi được nghệ nhân hướng dẫn - Ảnh: THANH THẢO

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khang không giấu được niềm vui khi thấy giới trẻ ngày càng quan tâm và có ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Ông bộc bạch: "Hôm nay là ngày vui nhất của tôi khi được đến đây, cùng các bạn trẻ làm tò he và cảm nhận sự yêu mến của mọi người đối với loại hình nghệ thuật này".

Nghệ nhân hy vọng các giá trị truyền thống như nghệ thuật nặn tò he sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.

"Trước kia, khi các loại hình giải trí còn ít, tò he từng là niềm yêu thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ con. Nhưng giờ đây xã hội phát triển, các thú vui hiện đại xuất hiện, khiến tò he dần mất đi sự chú ý" - ông nhận định.

Sức hút từ trải nghiệm và hoài niệm

Bạn Phan Nhật Ti (sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đến tham gia chương trình rất sớm. "Đây là lần đầu tiên mình tiếp xúc với tò he. Mình rất vui khi được trải nghiệm một trò chơi tuổi thơ cũng như biết được nhiều điều hơn về nét văn hóa dân gian này" - Nhật Ti chia sẻ.

Ti cho biết bạn bè xung quanh có nhiều người chưa từng nhìn thấy tò he ngoài đời, nên đây là một hoạt động vô cùng thiết thực. Ngoài giải trí, các bạn có thể học hỏi và hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống.

Sinh viên Nhân văn nặn tò he 'gom nét nghệ'- Ảnh 5.

Nhật Ti thử tài tạo hình tò he - Ảnh: THANH THẢO

Bạn Nguyễn Ngọc Duyên (trưởng Ban tổ chức) chia sẻ thêm: "Tò he gắn liền với tuổi thơ của khá nhiều bạn trẻ. Còn với những bạn chưa có dịp tiếp xúc, đây sẽ là cơ hội trải nghiệm, giúp các bạn hiểu hơn về văn hóa dân gian của các vùng quê Việt Nam. Từ đó, các bạn sẽ thêm yêu thương, trân trọng giá trị văn hóa cổ truyền".

Được biết, toàn bộ lợi nhuận từ việc bán vé của chương trình sẽ được quyên góp để hỗ trợ các em nhỏ tại cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần trong dịp Tết Dương lịch 2025.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: