Tái diễn tình trạng phụ huynh, học sinh không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông

Thứ bảy, 15/03/2025 08:07 (GMT+7)

Tình trạng phụ huynh chở ba, bốn, trẻ em không đội nón bảo hiểm; học sinh đầu trần chở nhau trên xe đạp điện vẫn còn phổ biến.

Gen alpha đã tham gia giao thông đúng cách chưa?- Ảnh 1.

Một phụ huynh chở 2 bạn học sinh ngồi trên xe đều không đội nón bảo hiểm - Ảnh: TÚ NGÂN

Sau hơn 2 tháng Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ đi vào cuộc sống, tình hình giao thông tại TP.HCM đã tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng phụ huynh chở ba, bốn, trẻ em không đội nón bảo hiểm, học sinh đầu trần đèo nhau trên xe đạp điện vẫn còn phổ biến.

Buổi chiều sau giờ tan học, T.T (học sinh một trường THCS tại quận Bình Thạnh) chạy ù ra cổng, leo lên xe của ba. Ba của bạn không đội nón bảo hiểm phóng xe ra khỏi cổng trường không một chút lo lắng. 

T.T chia sẻ: “Do nhà gần chỉ cách trường khoảng 2km ở con đường đối diện nên mình thường xuyên được chở như vậy, không sao cả”.

Tại đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), một số phụ huynh thản nhiên chở con em mình mà không hề quan tâm đến chuyện đội nón bảo hiểm để bảo vệ an toàn cho con.

“Nhà chú gần đây và chú đi quen tuyến đường này không thấy xử phạt gì, chú chạy chậm chậm nên không đội nón bảo hiểm chi cho mắc công”, chú N cho biết khi được hỏi thăm.

Gen alpha đã tham gia giao thông đúng cách chưa?- Ảnh 2.

Cả phụ huynh lẫn học sinh đều không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông - Ảnh: TÚ NGÂN

Ngoài ra, nhiều học sinh được trang bị xe đạp điện để đến trường nhưng lại hoàn toàn không đội nón bảo hiểm. Các bạn thản nhiên vặn ga và di chuyển rất nhanh như không hề lo lắng nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

3 quy định cần biết khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện

Trẻ em từ đủ 6 tuổi bắt buộc phải ngồi phía sau

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định tại khoản k7 điều 5 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, trẻ em từ đủ 6 tuổi bắt buộc phải ngồi phía sau.

Gen alpha đã tham gia giao thông đúng cách chưa?- Ảnh 3.

Luật sư Lê Trung Phát - Ảnh: TÚ NGÂN

Trường hợp nếu vi phạm việc chở người như đã nêu, sẽ bị phạt số tiền từ 8-10 triệu đồng theo quy định tại điểm h khoản 9 điều 7 Nghị định 168.

Nếu phụ huynh chở trẻ thì chỉ được phép chở 1 trẻ dưới 6 tuổi ngồi phía trước và 1 trẻ dưới 12 tuổi ngồi phía sau (trường hợp trẻ dưới 6 tuổi ngồi phía sau phải có ghế hoặc dây an toàn hoặc có người lớn ngồi cùng).

Học sinh chạy xe máy điện lưu thông trên đường không đội nón bảo hiểm.

Được chở tối đa 2 trẻ em dưới 12 tuổi ở phía sau

Theo khoản 1 điều 33 Luật trật tự thì phụ huynh được chở tối đa 2 trẻ em dưới 12 tuổi ở phía sau.

Cụ thể, một phụ huynh khi lái xe máy được phép chở 1 người ngồi phía sau theo quy định.

Trong trường hợp phụ huynh muốn chở thêm 1 người nữa, lúc này trên xe xuất hiện người thứ 3 thì người đó phải là trẻ dưới 12 tuổi.

Trường hợp phụ huynh chở cả 2 trẻ đủ 12 tuổi sẽ được tính là vi phạm.

Trường hợp người tham gia giao thông vi phạm số lượng người được chở sẽ bị phạt vi phạm theo quy định tại trường hợp chở quá số người quy định thì bị phạt số tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, theo quy định tại điểm g, khoản 2 điều 7 Nghị định 168.

Tất cả người ngồi trên xe máy đều phải đội nón bảo hiểm

Theo quy định tại khoản 2 điều 33 Luật trật tự an toàn giao thông, thì tất cả người ngồi trên xe máy đều phải đội nón bảo hiểm.

Trường hợp người tham gia giao thông vi phạm việc đội nón bảo hiểm sẽ bị xử phạt với số tiền từ 400-600 ngàn đồng, theo quy định tại điểm h khoản 2 điều 7 Nghị định 168.

Đi xe đạp điện có cần đội nón bảo hiểm

Luật sư Lê Trung Phát cho biết, theo khoản 2 điều 34 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 thì xe đạp điện là một loại xe thô sơ có nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi xe đạt tới tốc độ 25km/h.

Gen alpha đã tham gia giao thông đúng cách chưa?- Ảnh 6.

Học sinh chạy xe máy điện lưu thông trên đường không đội nón bảo hiểm - Ảnh: TÚ NGÂN

Bên cạnh đó, căn cứ theo điều 59 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về độ tuổi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì không có quy định đối với xe đạp điện. Vì vậy, học sinh được phép sử dụng xe đạp điện để phục vụ nhu cầu đi lại mà không bị ràng buộc về tuổi.

Tuy nhiên, khi sử dụng xe đạp điện, chúng ta cần tuân thủ các quy định theo Luật như: không được lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ... Phụ huynh cũng cần chọn lựa loại xe phù hợp với thể trạng của con mình để đảm bảo trong việc điều khiển. Người lái xe đạp điện và người ngồi sau phải đội nón bảo hiểm.

Trường hợp xảy ra vi phạm, các bạn học sinh là người chưa thành niên có thể bị xử phạt Vi phạm hành chính theo quy định tại điều 9 Nghị định 168. Tuy nhiên, mức phạt tiền chỉ áp dụng đối với các bạn từ đủ 16 tuổi - 18 tuổi và mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên và mức nặng nhất lên đến 600 ngàn đồng.

Bạn đã băng qua đường đúng cách chưa?

Theo khoản 2 điều 30 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 thì trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt. Do đó, trẻ em từ 7 tuổi trở lên được phép chủ động xin qua đường không cần người lớn.

Theo quy định tại khoản 1 điều 30 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 thì trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay.

Nếu người đi bộ đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 điều 10 Nghị định 168 với mức tiền phạt từ 150.000 -250.000 đồng.

Tín hiệu bằng tay được thực hiện như sau: Hướng bàn tay về hướng làn xe mình đang băng qua đường, giơ tay lên cao khỏi vai, tay vẫy.

TÚ NGÂN (Bài viết có sự tư vấn của luật sư Lê Trung Phát - giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: