Tân binh lớp 10 rần rần xin review thầy cô đầu năm học

Thứ sáu, 20/09/2024 14:08 (GMT+7)

Những ngày qua, trên hội nhóm Facebook của các trường THPT xuất hiện nhiều bài đăng với một chủ đề: xin review thầy cô nào đó.

Tân binh lớp 10 rần rần xin review thầy cô đầu năm học- Ảnh 1.

Nhiều teen chủ động tìm hiểu giáo viên của mình khi bắt đầu năm học mới - ẢNH DO AI TẠO


Muôn vàn lý do xin review thầy cô 

Trên nhóm Facebook Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) thường xuất hiện bài đăng review thầy cô như: “Cho mình xin review thầy Huy dạy Hóa”, “Anh chị nào review cô Thắm - Lý giúp em với”...

Không chỉ Trường THPT Võ Thị Sáu, nhóm Facebook của các trường THPT khác cũng xuất hiện nhiều bài viết xin chia sẻ cảm nhận về giáo viên. Các bài đăng về chủ đề này luôn được teen quan tâm, thu hút nhiều tương tác.

Là tân binh vừa vào cấp 3, bạn Tấn Kiệt (lớp 10, Trường THCS - THPT Hoa Lư, quận 12) cho biết trong các dòng review về căng tin, câu lạc bộ, quán ăn ngon quanh trường, bạn quan tâm review thầy cô hơn cả.

"Mình nghĩ các ý kiến chia sẻ của anh chị học trước là thông tin thực tế, giúp mình hiểu rõ hơn giáo viên, từ đó có thể chủ động trong học tập” - bạn cho biết.

Teen sôi nổi tương tác trên những bài đăng xin review thầy cô- Ảnh: NVCC

Teen sôi nổi tương tác trên những bài đăng xin review thầy cô- Ảnh: NVCC

Từng âm thầm đăng bài xin review thầy cô, bạn Khánh Vy (lớp 10, Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5) cho rằng việc muốn tìm hiểu phương pháp dạy học của một giáo viên nào đó cũng là cách giúp học sinh làm quen, bắt nhịp nhanh hơn trong năm học mới.

Đa số các bài review thầy cô đều được teen đăng ẩn danh trên các trang Confesstion hoặc nhóm Facebook học sinh của trường.

“Mình nghĩ tác giả của các bài đăng này thường là tân binh lớp 10 giống mình. Teen chủ động tìm hiểu về thầy cô thể hiện các bạn đang rất quan tâm và có trách nhiệm với chuyện học hành của mình. Những giáo viên được nhắc tên xin review cũng rất nổi tiếng ở trường”, Khánh Vy chia sẻ.

Review cũng phải...đáng yêu

Đáp lại các bài đăng, ở phần bình luận, nhiều học sinh, đặc biệt là các bạn khối 11 và 12, thậm chí cả anh chị cựu binh đã ra trường cũng tham gia bình luận sôi nổi như: “Thầy K. rất dễ thương nhưng mình khuyên đừng làm thầy giận”, “May mắn lắm mới được cô B. dạy”, “Thầy T. giảng bài “siêu chill” nha”, “Trấn Thành còn không hài bằng cô Q.”...

Thanh Vy (sinh năm 2005, cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) chia sẻ: trước đây bạn cũng thường đăng bài xin review thầy cô. Hiện tại khi có bạn xin review, nếu hiểu rõ về giáo viên đó bạn mới tham gia bình luận.

Các bình luận của Thanh Vy sẽ đề cập đến ưu điểm, tính cách hài hước của giáo viên, tránh tạo không khí căng thẳng thời điểm đầu năm học mới.

Bạn Hương Giang (sinh năm 2006, cựu học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu, quận 8) cho biết: “Mình sẽ bình luận nghiêng về những điểm đặc trưng của giáo viên như câu nói cửa miệng, phương pháp giảng bài...

Mình nghĩ khi chia sẻ quan điểm bản thân về một giáo viên nào đó cũng rất cần thiết, giúp các em chủ động hơn trong học tập và giao tiếp với thầy cô”.

Tuy nhiên cũng có không ít bình luận kém duyên khi chia sẻ cảm nhận về thầy cô. Bạn Mẫn Nhi (sinh năm 2005, cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) cho rằng, tuy là mạng xã hội nhưng các bài đăng xin review thầy cô thường trong group học đường, các bạn nên cân nhắc câu từ phù hợp, tránh vì chuyện cá nhân mà thiếu kiểm soát khi bình luận.

Theo Mẫn Nhi, các bình luận chia sẻ cũng chỉ mang tính tương đối, teen không nên quá phụ thuộc. Trong trường hợp các bạn nhận nhiều bình luận chưa hay về giáo viên mình quan tâm cũng nên tỉnh táo tìm hiểu và cảm nhận thêm.

Thanh Vy cho biết từng hoang mang khi “nghe đồn” thầy dạy Toán rất nghiêm khắc và khó nhận được điểm 10 từ thầy. Tuy nhiên khi trực tiếp học, Vy nhận thấy thầy dạy rất súc tích dễ hiểu và đúng trọng tâm. Dù không dễ đạt điểm tuyệt đối nhưng thầy vẫn thường cho học trò điểm khá, giỏi.

“Mình nghĩ các dòng review chia sẻ chỉ mang tính tham khảo, bạn đừng quá đặt nặng dẫn đến có ấn tượng ban đầu không đẹp về giáo viên. Thay vào đó, bạn nên nghiêm túc học tập, chủ động tiếp xúc với giáo viên để xóa đi khoảng cách không đáng có”, Thanh Vy chia sẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn về con người; dạy học và hoạt động giáo dục; môi trường.

    Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục có 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về môi trường có 4 tiêu chí.

    Xem thêm

    Đáp án: