Tân sinh viên làm gì với bài toán quản lý chi tiêu?

Thứ ba, 24/09/2024 22:04 (GMT+7)

Lên đại học, sinh viên phải chi trả rất nhiều khoản tiền. Vậy làm sao để tân sinh viên có cách quản lý chi tiêu hợp lý?

Tân sinh viên làm gì với bài toán quản lý chi tiêu?- Ảnh 1.

Tân sinh viên dễ rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền - Ảnh: HÀ LINH

Nhiều tân sinh viên lên đại học thường sống xa nhà và phải tự quản lý chi tiêu. Bên cạnh những chi phí cố định như nhà ở, đi lại, sinh hoạt thì tân sinh viên cũng gặp không ít khó khăn trong việc cân đối chi tiêu ở một môi trường mới.

Môi trường mới "tự do" với nhiều điều mới mẻ

Bạn Lê Hoàng Hùng, sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) nhớ lại những ngày đầu nhập học, mới đầu tuần, tiền đã hết veo vì mức sống ở thành phố quá cao so với ở quê.

"Mới lên đại học cần mua nhiều tài liệu lắm. Mỗi tuần mình được gia đình hỗ trợ 500 ngàn mà mua tài liệu học tập đã hết hơn 300 ngàn rồi. Vậy nên tuần đó mình phải chi tiêu dè dặt như ăn sáng đơn giản hơn, hạn chế đi chơi với bạn bè.

"Chưa kể, lúc đó chưa có thẻ sinh viên nên đi xe buýt đi học cũng tốn kha khá vì phải đi nhiều chuyến" - Hùng bộc bạch.

Trần Trương Minh Phát, sinh viên năm thứ 2, Trường đại học Hutech, chia sẻ: "Mình nhận trợ cấp từ gia đình theo tháng. Vì ở ký túc xá, mình thích ra quán cà phê để học bài hơn nên thường xuyên gặp tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền".

Mẹo quản lý chi tiêu từ trải nghiệm thực tế

Từ những vấn đề gặp phải trong chi tiêu khi là tân sinh viên, bạn Hoàng Hùng đã tìm ra được cách để quản lý chi tiêu phù hợp hơn. Đó là chia nhỏ tiền theo từng khoản.

Cụ thể, Hùng xác định rõ những khoản chi cố định như ăn uống, xăng xe, gửi xe khi đi học. Phần còn lại sẽ linh hoạt sử dụng khi đi chơi với bạn bè. Và bí quyết tiết kiệm của Hùng chính là để riêng từ 15-20% phần trợ cấp để phòng trường hợp phát sinh ngay từ đầu tuần.

Riêng với Minh Phát, tuy dùng ứng dụng để quản lý chi tiêu nhưng ứng dụng hay lỗi và tính phí nên Phát cũng không sử dụng nữa. 

Thay vào đó, Phát sử dụng 2 tài khoản ngân hàng để chia tiền ra thành 2 khoản. Một là để cho những chi phí cố định, một là để cho những việc phát sinh.

Bạn Trần Hồng Vân, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cũng gặp những vấn đề trong chi tiêu khi là tân sinh viên.

Vân cho biết: "Hồi mới lên đại học, mình nhận trợ cấp từ gia đình nên tiêu xài vô tội vạ, thích gì mua đó nên hay hết tiền sớm. Hết lại nhắn xin bố mẹ. Còn bây giờ mình đi dạy thêm rồi nên không nhận trợ cấp từ ba mẹ nữa, chi tiêu cũng tính toán hơn".

Với những bạn nữ như Vân, nhu cầu mua sắm và làm đẹp là lớn vậy nên rất cần cân đối chi tiêu để tránh tình trạng "vung tay quá trán". 

"Mỗi lần muốn mua gì đó mình thường không chốt đơn luôn mà để vào giỏ hàng trước. Nếu sau khoảng 3 ngày mà vẫn muốn mua thì lúc đó mới suy nghĩ tiếp" - Vân nói.

Cô bạn sẽ đặt những câu hỏi trước khi mua đồ như: "Vật dụng đó có thật sự cần thiết không?"; "Nếu không có thì mình có gặp khó khăn gì không?". Nếu câu trả lời là "không", Vân sẽ không mua món đồ đó.

Đặt mục tiêu để tiết kiệm là cách của bạn Nguyễn Minh Hiếu, sinh viên năm cuối Trường đại học Kiến trúc TP.HCM. 

Hiếu chia sẻ: "Mình thường đặt mục tiêu trong việc chi tiêu. Mình chỉ dùng trong khả năng và khá nghiêm khắc khi chi tiền cho bản thân trong việc mua sắm, chơi game".

Đối với Hiếu, đặt mục tiêu để tiết kiệm và sử dụng tiền trong khả năng là điều rất quan trọng. Đặc biệt là hạn chế vay mượn để phục vụ những nhu cầu không cần thiết.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: