Teen chọn ước mơ giải quyết bài toán cho thực tế cuộc sống

Thứ ba, 16/01/2018 12:05 (GMT+7)

Mở đầu bài viết, “Thực hiện ước mơ 6” xin dẫn lời một nữ sinh lớn lên từ vùng đất Quảng Trị, với ước mơ mà mọi người thường nghĩ vốn không dành cho con gái và hiếm người mơ: “Nghề nghiệp làm gì có phân biệt giữa được và không. Tất cả mọi nghề đều quan trọng và phù hợp nếu con người có đầy đủ quyết tâm và tình yêu với nó”.

Lớn lên từ vùng biển nắng gió
Đấy là cô bạn Lê Thị Ngọc Rinh, học sinh lớp 10A1 trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị). Sở dĩ Rinh có quan niệm như vậy là bởi bạn có một ước mơ rất đặc biệt mà thuở đầu, gia đình, bạn bè và người thân đều không thể thoải mái chấp nhận: nghề thiết kế và đóng tàu.
Rinh cho biết: “Mình sinh ra và lớn lên với vùng biển Triệu Lăng đầy nắng gió. Mọi người ở quê hầu như sống phụ thuộc vào nghề đi biển. Chính vì vậy, bà con ai cũng chịu nắng, chịu gió vất vả. Ba mẹ đặt mình cái tên cũng rất đặc biệt để thấy được sự rắn rỏi của con người nơi đây. Nhìn cảnh ngư dân suốt ngày trên biển nhưng hải sản không nhiều nên mình không chịu được”.
Cô bạn giải thích, sở dĩ năng suất thấp là do phương tiện đánh bắt, đặc biệt là tàu thuyền còn quá nhỏ và thô sơ. Chính vì vậy, Rinh muốn học tập lên cao để nắm bắt công nghệ đóng tàu thuyền mới và hiện đại hơn về giúp bà con miền biển Triệu Lăng mình.
Ước mơ ấy của Rinh không ít lần vấp phải sự phản đối của gia đình bởi mọi người nghĩ Rinh là con gái sẽ không làm nổi. Phần khác, chẳng ai học hành đến nơi đến chốn lại muốn làm nghề… đóng tàu. Nhưng cuối cùng, bằng lòng đam mê thật sự, Rinh đã thuyết phục được mọi người.
Nữ sinh lớp 10 cho biết, để tiếp cận các thông tin cũng như mày mò, khám phá hoạt động đóng tàu này không phải dễ. “Một lần mãi khám phá các thiết bị, vật liệu của chiếc thuyền mà mình phá hỏng mất bộ máy, thế là bị một trận đòn… ê mông. Nhưng cũng nhờ vậy, mà hiện nay mình đã có một bản vẽ về một con tàu có neo, mạn tàu, boong lái, buồng tàu nữa đấy”, Rinh thích thú.
E ngại với thực phẩm bẩn
Xuất phát từ nỗi lo hàng ngày phải tiếp xúc, sử dụng thực phẩm bẩn, đặc biệt là các loại rau, củ, quả dùng quá liều dung lượng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu, Nguyễn Vũ Khánh Linh, lớp 10A9, trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tây Ninh) muốn có một trang trại rau sạch cung ứng thị trường trong nước.
Khánh Linh cho biết: “Thật mệt mỏi khi mỗi lần gắp đũa định ăn món nào đó là lại nghĩ đến vấn đề sức khỏe. Chỉ vì lợi ích cá nhân, con người có nhận ra chính chúng ta đang hủy hoại bản thân mình. Chính vì vậy, mình muốn có một trang trại rau sạch thật lớn. Ở đó, mọi yêu cầu về trồng trọt, bón phân được đảm bảo nghiêm ngặt để cung cấp thực phẩm sạch xanh cho người dân cả nước, hay ít ra là tỉnh Tây Ninh mình”.
Để định hình ước mơ, Linh đã tìm hiểu rất nhiều mô hình trồng rau sạch. Trong đó, cô bạn đặc biệt lưu ý đến vùng đất chuyên canh về rau sạch hàng đầu cả nước: Đà Lạt với mô hình thủy canh hoặc nhà kính. Nó giúp Linh hiểu hơn về quy mô, cách thức trồng rau sạch an toàn.
Không chỉ vậy, Linh còn có một lợi thế nữa khi có ba cũng là một nông dân chuyên trồng rau. Tuy chỉ với quy mô nhỏ gia đình, nhưng Linh học được cách chăm sóc, bón phân và đặc biệt là có thể thực hành hàng ngày trên mảnh ruộng trồng rau ấy.
“Từ bé, mình đã theo bố mỗi ngày và trồng thành công nhiều loại rau, củ. Suốt nhiều năm qua, mình cũng đã tích cóp kha khá kinh nghiệm trồng rau để hướng đến giấc mơ lớn đời mình”, Linh chia sẻ.
Khai phá tiềm ẩn du lịch
Khác với Ngọc Rinh hay Khánh Linh, những cô gái có ước mơ xuất phát từ thực tiễn cuộc sống xung quanh, nhiều bạn ở một số tỉnh thành lại gieo trong mình ước mơ vốn không xuất phát từ nhu cầu địa phương. Nhưng thông qua nó, để vực dậy những tiềm ẩn của vùng đất mình đang sống. Đó là ước mơ hướng dẫn viên du lịch của các cô, cậu bạn tuổi teen ở Lạng Sơn, Quảng Trị, Tây Ninh…
Thái Lê Thảo Nguyên, lớp 10A2, trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) là một trường hợp như vậy. Thảo Nguyên cho biết ước mơ này trong mình đã được nung nấu từ rất lâu. Nó xuất phát từ chính đam mê được đi khám phá, du lịch của bản thân. Tuy nhiên, động lực chính khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn cả chính là việc giới thiệu hình ảnh thiên nhiên và con người Quảng Trị đến tất cả mọi người.
“Nơi mình sống không cách xa thành cổ Quảng Trị, nơi gắn với sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt để bảo vệ. Lúc còn nhỏ, mẹ từng dẫn mình vào đây. Mình nhớ rõ từng lời cô hướng dẫn viên nói và đến bây giờ cũng vậy. Mình muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch để mọi người biết nhiều hơn về mảnh đất anh hùng này”, Nguyên chia sẻ.
Tương tự, Dương Thị Ngọc, lớp 10C, trường THPT Bắc Sơn (Lạng Sơn) cũng muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch để mong phần phát triển hơn nữa hình ảnh mảnh đất quê mình. Ngọc cho biết: “Nếu so với các địa phương khác, du lịch Lạng Sơn khó có thể bắt kịp. Tuy nhiên, thiên nhiên và con người nơi đây rất đáng để các tour du lịch khai phá và tìm hiểu. Thực hiện được ước mơ, mình không chỉ làm đẹp hình ảnh địa phương mà còn làm đẹp hình ảnh của cả đất nước”.
Những ước mơ của các bạn tuổi teen trên mọi miền đất nước đã được gửi về, rất nhiều ước mơ xuất phát từ thực trạng xã hội. Nó đã chứng tỏ một điều, các bạn đã rất trách nhiệm với bản thân mình và xã hội.
PHẠM PHÚC
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: