Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe chuyện lịch sử, quyết tâm viết tiếp câu chuyện hòa bình

Thứ hai, 14/04/2025 11:06 (GMT+7)

Sáng 14-4, chương trình Chuyện người trẻ tháng 4 chủ đề Câu chuyện hòa bình được tổ chức tại Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8).

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 1.

Buổi sáng đầu tuần đặc biệt của teen Trường THPT Tạ Quang Bửu - Ảnh: VŨ

Chương trình do Ban thường vụ Thành Đoàn phối hợp Quận Đoàn 8, Đoàn Trường THPT Tạ Quang Bửu phối hợp tổ chức.

Những tiết mục văn nghệ mở màn đặc sắc do Đoàn trường và Chi đoàn giáo viên Trường THPT Tạ Quang Bửu biểu diễn - Ảnh: VŨ

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 5.

Cô Trần Thị Bích (hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu) vô cùng tự hào khi trường được chọn đăng cai Chuyện người trẻ tháng 4, chủ đề Câu chuyện hòa bình - Ảnh: VŨ

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe những người làm nên lịch sử kể chuyện lịch sử

Đã 50 năm trôi qua, trung úy Nguyễn Đức Thọ (thành viên câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận 8) vẫn nhớ như in trận đánh cầu Rạch Chiếc.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 6.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ (thành viên câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận 8) kể chuyện đánh cầu Rạch Chiếc năm 1975 - Ảnh: VŨ

Năm 1974, chú Thọ được bổ sung vào Z23, Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, Bộ Tham mưu miền B2. Nhiệm vụ chính của Z23 là đánh Bộ Tư lệnh Hải Quân nguỵ. Đến trưa ngày 25-4-1975, cấp trên thay đổi phương án. Z23 được chỉ đạo phối hợp đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, đón đại quân của ta vào giải phóng Sài Gòn.

"Chúng tôi nhận lệnh vào chiều 25-4 và chính thức nổ súng vào 3h sáng 27-4. Đây là trận đánh sớm nhất, lại ngay cửa ngõ thành phố. 

Trong số 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, có Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 phải đi qua cầu Rạch Chiếc" - chú Thọ kể.

Trong trận đánh đó, chú Thọ được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên để tiêu diệt tháp canh và cũng là pháo lệnh chung.

Lớp lớp thanh niên thế hệ trước chấp nhận gác lại mọi chuyện riêng tư, tập trung vào mục tiêu duy nhất, đó là chiến đấu giành độc lập dân tộc. Sau 50 năm thống nhất, đất nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Sự phát triển đó có dấu ấn mạnh mẽ của thế hệ trẻ.
Trung úy Nguyễn Đức Thọ

Tiếp nối câu chuyện đánh cầu Rạch Chiếc là chuyện chiến đấu trong lòng địch của chú Hoàng Đôn Nhật Tân, bí danh Sáu Triều.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 7.

Chú Hoàng Đôn Nhật Tân, bí danh Sáu Triều (phó chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn) - Ảnh: VŨ

"Được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là điều may mắn với thế hệ chúng tôi" - chú Sáu Triều mở đầu bằng lời khẳng định đanh thép.

Năm 1975, chú Sáu Triều khi đó 26 tuổi, cùng những người đồng chí của mình tổ chức các cuộc đấu tranh trong lòng nội thành.

Mục tiêu lớn nhất là gây rối loạn hàng ngũ địch, tạo "vùng lõm chính trị", đợi thời cơ phối hợp với lực lượng giải phóng đang tiến vào Sài Gòn. Chú gọi đây là hoạt động "nở hoa trong lòng địch".

Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông liền một dải, chú Sáu Triều và đồng đội bắt tay xây dựng một thế hệ thanh niên mới, đảm nhận một sứ mệnh mới.

"Trong buổi giao thời, chúng tôi có nhiệm vụ tổ chức, tập hợp thanh niên vào Đoàn, tạo nên sức trẻ, đưa thành phố vươn lên sau những tháng năm chiến tranh khắc nghiệt" - chú tâm tình.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 8.

Chú Sáu Triều gửi tặng cô Trần Thị Bích (hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu) cuốn sách "Thành Đoàn cùng quân và dân Sài Gòn - Gia Định tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh" - Ảnh: VŨ

Thế hệ trẻ quyết tâm viết tiếp câu chuyện hòa bình

Xúc động và biết ơn là cảm xúc của bạn Đặng Thu Trinh (lớp 10C6) sau khi lắng nghe câu chuyện của chú Thọ và chú Sáu Triều.

Còn với Nguyễn Đỗ Kiến Hưng (lớp 12A7), đây là lần đầu tiên cậu bạn nghe chuyện lịch sử từ nhân chứng lịch sử. "Niềm tự hào mãnh liệt dâng lên trong lòng mình" - Hưng bộc bạch.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 9.
Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 10.

Bạn Đặng Thu Trinh (lớp 10C6) và bạn Nguyễn Đỗ Kiến Hưng (lớp 12A7) chăm chú lắng nghe chú Thọ và chú Sáu Triều kể chuyện - Ảnh: VŨ

Trinh và Hưng đều đã lên lịch đi xem diễu binh, diễu hành cùng gia đình vào sáng 30-4. Với hai bạn, đó là thời khắc trái tim cả dân tộc hòa cùng nhịp đập.

Mai Như Nguyệt (nguyên bí thư Đoàn Trường THPT Tạ Quang Bửu, sinh viên Trường đại học Mở) nói rằng mình đã "lắng nghe và suy ngẫm" để tự đúc kết xem thế hệ trẻ phải làm gì để viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 11.

Bạn Mai Như Nguyệt (nguyên bí thư Đoàn Trường THPT Tạ Quang Bửu, sinh viên Trường đại học Mở) - Ảnh: VŨ

"Từ thời còn học phổ thông, mình đã nhắc nhở bản thân học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của người trẻ. Bên cạnh đó, việc tham gia hoạt động phong trào sẽ giúp chúng ta phát triển toàn diện. Một thế hệ phát triển toàn diện về tài và đức sẽ góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh" - Như Nguyệt chia sẻ.

Theo Vũ Trần Gia Nhi (bí thư Đoàn Trường THPT Tạ Quang Bửu), mỗi người trong chúng ta đều có một ngọn lửa nhiệt huyết. Nếu được nuôi dưỡng trong môi trường phù hợp, tích cực, ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy, soi sáng chính bản thân mình và lan tỏa đến mọi người.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 12.

Bạn Vũ Trần Gia Nhi (bí thư Đoàn Trường THPT Tạ Quang Bửu) - Ảnh: VŨ

"Hòa bình không phải tự nhiên mà có. Thế hệ cha ông đã đổi bằng xương máu mấy mươi năm. Mỗi hành động đẹp hôm nay của những người trẻ chúng mình là một nét bút viết tiếp câu chuyện hòa bình" - Gia Nhi nhắn nhủ.

Teen THPT Tạ Quang Bửu nghe kể chuyện lịch sử, hứa viết tiếp câu chuyện hòa bình - Ảnh 13.

Chú Nguyễn Đức Thọ và chú Sáu Triều gửi tặng Đoàn Trường THPT Tạ Quang Bửu 2 cuốn sách do chính hai chú chấp bút (cuốn Một thời để nhớ của chú Thọ và cuốn Đường chúng ta đi của chú Sáu Triều) - Ảnh: VŨ

Từ năm học 2024 - 2025, Ban thường vụ Thành Đoàn tổ chức chương trình "Chuyện người trẻ" định kỳ hằng tháng tại các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn TP.HCM.

Chủ đề mỗi tháng gắn với học sinh thành phố, nhằm đồng hành với đoàn viên, học sinh trong học tập, phát triển kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: