Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn

Thứ hai, 02/12/2024 10:00 (GMT+7)

Với sự sáng tạo và tâm huyết, thầy Nguyễn Trí Hạnh khiến cộng đồng mạng trầm trồ bởi những bức tranh vẽ bảng sống động như thật.

Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn- Ảnh 1.

Nhiều tác phẩm của thầy Nguyễn Trí Hạnh thu hút lượt tương tác khổng lồ, được hàng loạt trang cộng đồng lớn trên mạng xã hội đăng lại - Ảnh: NVCC

Hành trình bén duyên với nghệ thuật vẽ bảng

Giữa những lớp học thường nhật tại Trường PT Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An), thỉnh thoảng, luôn có một góc nhỏ trở thành không gian "triển lãm nghệ thuật" đặc biệt.

Đó là nơi thầy Nguyễn Trí Hạnh, giáo viên mỹ thuật của trường, dùng bảng phấn để kể những câu chuyện cuộc sống qua từng nét vẽ.

Thầy Hạnh chia sẻ cơ duyên vẽ tranh bảng bằng phấn màu đến từ những lần vẽ hội khóa, hội lớp cho học sinh.

Khi các tác phẩm được đồng nghiệp, học sinh ủng hộ và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, thầy nghĩ: "Tại sao mình không dùng bảng phấn để tái hiện các câu chuyện cuộc sống, các sự kiện văn hóa, xã hội?". Từ đó, thầy bắt đầu sáng tạo những bức tranh rực rỡ sắc màu, lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến học trò và cộng đồng.

Đối với thầy Hạnh, vẽ tranh bảng không chỉ là một thú vui mà còn là cách để truyền tải những thông điệp nhân văn, sâu sắc.

Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn- Ảnh 2.
Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn- Ảnh 3.
Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn- Ảnh 4.
Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn- Ảnh 5.

Những tác phẩm đẹp nên thơ, sống động như thật - Ảnh: NVCC

Một bức tranh bảng dù chỉ mất từ 1 - 2 giờ để hoàn thiện, nhưng lại đòi hỏi quá trình nghiên cứu và sáng tạo rất kỹ lưỡng. 

Trong quá trình vẽ, thầy luôn nhận được sự góp ý từ đồng nghiệp và bạn bè, từ việc chọn tên tác phẩm đến tinh chỉnh từng chi tiết, giúp mỗi bức tranh thêm phần hoàn thiện.

Lan tỏa nghệ thuật, lan tỏa yêu thương

Trong số hàng chục tác phẩm được thầy Hạnh vẽ, "Mẹ" là bức tranh khiến thầy tự hào và xúc động nhất. Thầy thổ lộ: "Mỗi lần xem lại, tôi lại xúc động với tình yêu bao la của người mẹ dành cho con. Trong lòng mẹ, con luôn là đứa trẻ".

Thầy Hạnh kể, tác phẩm này được hoàn thành vào thời điểm thầy đang gặp khó khăn lớn - giảm thị lực. Bác sĩ khuyên nên hạn chế tiếp xúc với phấn bảng, nhưng tình yêu nghệ thuật đã khiến thầy không thể dừng lại. Bởi vậy, khi hoàn thành bức tranh, mắt thầy nhòe lệ, vừa vì xúc động, vừa vì đau mắt thật sự.

Thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh: Người thổi hồn nghệ thuật lên bảng phấn- Ảnh 6.

Tác phẩm "Mẹ" là bức tranh khiến thầy Hạnh xúc động mỗi khi nhìn lại - Ảnh: NVCC

Mỗi bức tranh chỉ tồn tại ngắn ngủi trên bảng phấn và phải xóa đi để nhường chỗ cho bài học mới, sau đó thầy Hạnh thu thập, đăng trên mạng xã hội như một phòng triển lãm cá nhân.  

Thầy Hạnh cho biết, mỗi lần các bức tranh "gây sốt", nhận được hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ, thầy cảm thấy rất hạnh phúc vì tình yêu nghệ thuật của mình được lan tỏa rộng rãi.

Vẽ tranh bảng bằng phấn màu ngoài đòi hỏi kỹ thuật vẽ điêu luyện, còn thử thách người nghệ sĩ ở chất liệu. Phấn bảng dễ lem, lại khó lưu giữ, nhưng với thầy, đó cũng chính là nét đẹp "độc bản". 

Thầy Hạnh bày tỏ hy vọng qua những bức tranh, mọi người sẽ thêm yêu những giá trị văn hóa Việt, trân trọng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc.

Gửi gắm đến các bạn trẻ yêu nghệ thuật, thầy Hạnh khẳng định: "Chỉ cần có đam mê và dám thể hiện, các bạn sẽ làm được. Thế hệ trẻ luôn sáng tạo và đầy tư duy, nhất là khi có công nghệ hỗ trợ. Vì yêu mà đến, vì yêu mà tiến, hãy đam mê và thể hiện, bạn sẽ thành công".

Hành trình "Lan tỏa nghệ thuật vẽ bảng"

Không chỉ sáng tạo trên bảng phấn, thầy Nguyễn Trí Hạnh còn dành thời gian cho dự án cá nhân mang tên "Lan tỏa nghệ thuật vẽ bảng", với mục tiêu mang loại hình nghệ thuật độc đáo này đến khắp 64 tỉnh thành.

Đến nay, thầy đã đi qua 12 tỉnh, tổ chức các buổi chia sẻ miễn phí dành cho giáo viên. "Tôi không kinh doanh hay kiếm tiền từ nghệ thuật này. Tôi chỉ muốn trực tiếp lan tỏa giá trị của nó đến các giáo viên trên cả nước", thầy chia sẻ.

Hành trình này không chỉ giúp thầy Hạnh lan tỏa đam mê mà còn tạo cơ hội để thầy kết nối với những người yêu nghệ thuật trên khắp mọi miền.

Thầy hy vọng với sự nỗ lực không ngừng, nghệ thuật vẽ bảng bằng phấn màu sẽ được công nhận sánh ngang với các chất liệu nghệ thuật khác trong hội họa.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: