Thứ sáu, 01/12/2023 08:46 (GMT+7)

Bộ Giáo dục Đào tạo đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 còn bốn môn vốn nhận được sự ủng hộ của học sinh, giáo viên.

Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trong giờ học môn tiếng Anh. Đây là lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 10 và sẽ thi tốt nghiệp THPT với bốn môn - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trong giờ học môn tiếng Anh. Đây là lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 10 và sẽ thi tốt nghiệp THPT với bốn môn - Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Theo đó, kỳ thi có hai môn bắt buộc (ngữ văn, toán) với hai môn lựa chọn (trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Như vậy, sẽ có hai môn mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là tin học và công nghệ.

Ở lớp em, các bạn giỏi tiếng Anh sẽ có xu thế chọn tiếng Anh và một môn khác tùy theo sở trường và xu thế xét tuyển đại học. Ví dụ tiếng Anh và vật lý để có hai tổ hợp xét tuyển với toán, lý, Anh và toán, văn, Anh.
TRUNG HIẾU (học sinh lớp 11 Trường THPT Quang Trung - Đống Đa, Hà Nội)

Nhiều học sinh chọn môn tiếng Anh

Ngày 30-11, chúng tôi khảo sát 30 học sinh lớp 11 trên địa bàn quận 1, quận 3 ở TP.HCM. Đây là lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 10 và sẽ thi tốt nghiệp THPT với bốn môn.

Kết quả 100% học sinh được hỏi đã trả lời sẽ chọn tiếng Anh là môn lựa chọn thứ nhất để thi tốt nghiệp. Môn lựa chọn thứ hai phụ thuộc vào phương thức xét tuyển của trường đại học các em nhắm đến.

"Em đã học tiếng Anh từ lớp 1. Ngoài ra, em còn học thêm tiếng Anh ở trung tâm và cũng dành khá nhiều thời gian cho môn học này.

Em học tiếng Anh vì đó là môn học sẽ sử dụng nhiều trong cuộc sống. Vì vậy, em rất tự tin khi đăng ký thi tốt nghiệp môn tiếng Anh" - Bích Trâm, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, giải thích.

Cùng chung ý kiến, Gia Huy - học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - cho hay: "Tiếng Anh là một trong những môn học thuộc diện thế mạnh của em. Do đó, chắc chắn em sẽ chọn nó là môn thi tốt nghiệp. Môn lựa chọn thứ hai sẽ là hóa hoặc sinh vì em dự định xét tuyển đại học khối B".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 chia sẻ: "Dự báo đa số học sinh ở các quận nội thành TP.HCM sẽ chọn tiếng Anh để thi tốt nghiệp. Những năm qua, điểm thi môn tiếng Anh của học sinh TP.HCM luôn đứng đầu cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tiếng Anh không chỉ là thế mạnh của học sinh TP.HCM mà hiện nay nhiều trường đại học cũng rất chú trọng đến trình độ tiếng Anh của ứng viên khi xét tuyển đầu vào".

Tính toán tổ hợp xét đại học

Theo một giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), tuy không khảo sát chính thức nhưng thăm dò sơ bộ đa số học sinh sẽ lựa chọn môn tiếng Anh là môn thi thứ ba (sau toán, văn) và chỉ cân nhắc môn lựa chọn tiếp theo.

Còn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Trường THPT Quang Trung - Đống Đa (Hà Nội), cho biết bạn muốn chọn lịch sử, địa lý để có thể xét tuyển đại học tổ hợp khối C00 (văn, sử, địa) nhưng cũng muốn thi tiếng Anh để có thêm cơ hội xét tuyển tổ hợp khác. Theo Hiếu, Bộ GD-ĐT không cho phép thi quá hai môn lựa chọn nên bạn đang phải cân nhắc.

"Ở lớp em, các bạn giỏi tiếng Anh sẽ có xu thế chọn tiếng Anh và một môn khác tùy theo sở trường và xu thế xét tuyển đại học. Ví dụ tiếng Anh và vật lý để có hai tổ hợp xét tuyển với toán, lý, Anh và toán, văn, Anh.

Cũng có một số bạn xác định xét tuyển đại học bằng phương thức khác nên sẽ chỉ chọn các môn thi để đỡ phải học nhiều. Ví dụ chọn tiếng Anh khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế rồi để được miễn thi. Môn lựa chọn thứ hai có thể chọn một môn sở trường hoặc dễ đạt điểm 5 trở lên nhất" - Hiếu cho biết.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - học sinh Hà Nội không quá quan tâm đến chuyện "tốt nghiệp" vì với lực học trung bình, khá các em có thể đạt kết quả đủ để tốt nghiệp.

Điều học sinh quan tâm nhiều hơn là phương án thi có thuận tiện cho việc xét tuyển đại học hay không. Nên việc giảm số môn thi, trong đó có 50% số môn thi được lựa chọn khiến nhiều học sinh và phụ huynh phấn khởi...

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tuyển sinh đại học sẽ ra sao?

Thầy Nguyễn Thanh Hùng - giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: "Phương án thi như trên không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT".

Trong khi đó, nhiều học sinh đang học lớp chuyên tin học ở các trường chuyên trên địa bàn TP.HCM vui mừng vì được thi môn sở trường.

"Em nghĩ thêm hai môn tin học và công nghệ vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với thực tế. Như vậy, học sinh sẽ chọn môn học thoải mái hơn trước, không phải phân vân giữa môn học mình thích và môn thi tốt nghiệp nữa" - Nguyễn Thắng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận định.

Mai Hương, học sinh lớp 11 Trường THPT Phú Nhuận, đề xuất: "Hiện chúng em đang chờ đợi Bộ GD-ĐT công bố cách thức tuyển sinh vào đại học. Vì đây mới là đích đến cuối cùng của chúng em. Em mong bộ sẽ công bố sớm để chúng em có thời gian chuẩn bị".

Tương tự, Nguyễn Hồng Lan - học sinh Trường THPT Marie Curie - phân tích: "Học sinh được đăng ký thi tốt nghiệp môn công nghệ, tin học thì các trường đại học cũng nên sắp xếp tổ hợp xét tuyển mới, trong đó có môn tin học và công nghệ. Như vậy, khi đăng ký môn học lựa chọn từ lớp 10, học sinh sẽ dễ xác định hơn và cũng tự tin hơn".

Dè dặt môn thi mới

Thầy Đào Hải Tiệp - giáo viên môn tin học Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - chia sẻ: Quan trọng nhất là phải biết phương thức xét tuyển đại học sẽ thay đổi thế nào; định dạng đề thi với những môn đầu tiên được đưa vào như tin học, công nghệ ra sao. Dựa trên những yếu tố đó, học sinh mới có định hướng chọn hay không chọn các môn mới.

"Kiến thức tin học ở phổ thông nhẹ nhàng, thiên về thực hành nhiều. Do đó, những học sinh yêu thích tin học, có thiên hướng học tốt môn này sẽ rất nhẹ nhàng nếu lựa chọn tin học là môn thi.

Nhưng các em còn phải cân nhắc về xu thế xét tuyển đại học. Vì hiện nay hầu hết các cơ sở đại học không có tổ hợp có tin học, kể cả ngành CNTT. Chắc chắn học sinh sẽ phải chờ sự thay đổi từ các cơ sở đại học" - thầy Tiệp nhận định.

Thầy Tiệp cũng cho biết hiện chưa biết định dạng đề thi các môn mới sẽ thế nào cũng là vấn đề cả thầy và trò phải chờ.

Tâm trạng của giáo viên môn công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật ở Hà Nội cũng tương tự khi cho rằng các môn mới học sinh sẽ dè dặt. "Hiện Bộ GD-ĐT mới công bố phương án thi, còn rất nhiều việc cần được làm rõ. Thông tin đầy đủ thì thầy, trò mới có hướng dạy học, ôn tập" - cô Thu Hà, giáo viên dạy giáo dục kinh tế và pháp luật, cũng cho biết.

Xóa tâm lý "môn chính, môn phụ"

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - chủ biên chương trình môn tin học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 - chia sẻ điều ông tâm đắc là với phương án 2+2 là lần đầu tiên đưa hai môn công nghệ và tin học vào số các môn lựa chọn trong kỳ thi mà bấy lâu nay chưa bao giờ được chọn để thi cử.

Tương tự PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT - đánh giá cao về tính mềm dẻo, tăng sự lựa chọn cho học sinh khi có hai môn thi lựa chọn trong tám môn học, trong đó có cả những môn chưa bao giờ được chọn thi như tin học, công nghệ.

Điều này giúp học sinh có lựa chọn sát hơn theo sở trường, định hướng nghề nghiệp và cũng xóa dần tâm lý "môn chính, môn phụ" trong trường phổ thông.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: