Thức khuya hại lắm, tham khảo ngay 5 bí quyết sau

Thứ sáu, 23/05/2025 15:07 (GMT+7)

Dù biết rõ thức khuya có hại nhưng nhiều bạn vẫn miệt mài làm...cú đêm. Đó là chuyện "bình thường như cơm bữa” với học sinh hiện nay.

Thức khuya hại lắm, tham khảo ngay 5 bí quyết sau - Ảnh 1.

Thức khuya trở thành thói quen của bạn - ẢNH DO AI TẠO

Thức khuya - trend ngầm của gen alpha?

Thức khuya đối với nhiều bạn học sinh trở thành chuyện “bình thường như cơm bữa”. Bạn Tường Vy (lớp 9/2, Trường THCS Bàn Cờ, quận 3) chia sẻ bạn thường thức khuya học bài.

Lúc đầu, bạn cũng lên kế hoạch ngủ sớm nhưng cứ làm bài đến khuya, rồi lại lướt điện thoại một chút, lúc nhìn đồng hồ thì thấy đã trễ.

Bạn Hải Quỳnh (lớp 6/9, Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1) lại có lý do khác. Bạn mê lướt TikTok. Mỗi lên mở app, bạn chỉ định xem một chút thôi, đến lúc tắt điện thoại mới nhận ra mình đã lướt cả tiếng đồng hồ.

Còn bạn Mai Vân (lớp 7 Trường THCS Phan Văn Trị, Quận Gò Vấp) lại không thể cưỡng lại những buổi tối tám chuyện với bạn bè qua điện thoại.

“Lúc nào mình cũng muốn gọi video call với bạn bè, rồi tụi mình cùng xem phim. Mới đầu chỉ nghĩ xem một tập thôi nhưng lúc nào cũng cuốn theo coi mấy tập liền”, Vân cho hay.

Thậm chí, có những bạn cuối tuần không đi học, thức tới sáng mà chẳng hề cảm thấy mệt mỏi. Bạn Lê Huy (lớp 8, Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp) nói: “Cuối tuần, mình hay thức chơi game với bạn đến sáng. Sau đó sẽ ngủ một giấc tới chiều”.

Đáng nói là thức khuya trở thành một kiểu “trend ngầm” của các bạn gen alpha. Đôi khi, bạn ngủ sớm thì bị nói là “yếu” hoặc không “chơi tới bến”.

Nhắn tin nhóm, chơi game, tám chuyện mà bạn out sớm sẽ bị bỏ lỡ bao nhiêu thứ vui vẻ trong nhóm chat. Và cứ thế, bạn lại cố thức chỉ để... không bỏ lỡ điều gì.

Ước gì tối qua mình ngủ sớm hơn... - Ảnh 2.

BS.CKI Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ về các tác hại khi thức khuya - Ảnh: NVCC

Vì sao tụi mình khó bỏ thói quen thức khuya?

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hữu Khánh (chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), thói quen thức khuya ở học sinh ngày càng phổ biến và rất khó thay đổi vì nhiều lý do.

Một trong những thủ phạm chính là thiết bị điện tử. Chiếc điện thoại với hàng loạt video cuốn hút, game hấp dẫn, phim truyện khiến tụi mình bị cuốn vào lúc nào không hay.

Cảm giác “xem nốt tập này thôi” hay “chơi thêm xíu nữa” chính là cái bẫy khiến nhiều bạn thức khuya.

Đặc biệt, những video ngắn trên các nền tảng như TikTok hay Instagram dù chỉ vài giây nhưng dễ gây nghiện, càng xem càng muốn lướt thêm nữa.

Ngoài ra, áp lực học tập cũng là nguyên nhân khiến tụi mình khó ngủ sớm. Khi bài tập chất chồng, lịch ôn thi dày đặc, nhiều bạn phải tranh thủ thời gian buổi tối để học và làm bài.

Tác hại của thức khuya kéo dài

Bạn Phạm Ngọc Thiên Di (lớp 8/5 Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận 12) chia sẻ có những hôm đến ngày thi, bạn thức đến tận sáng để ôn bài nhưng vẫn thấy ổn. Chỉ có lúc mới dậy, bạn hơi mệt chút thôi.

"Mình biết thức khuya có hại nhưng mình cảm thấy làm việc hiệu quả nhất vào ban đêm nên khó bỏ lắm” - Thiên Di cho biết.

Ước gì tối qua mình ngủ sớm hơn... - Ảnh 3.

Áp lực học tập khiến các bạn thức càng khuya - Ảnh minh họa được thực hiện bằng AI

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ rằng cảm giác “ổn” sau vài lần thức khuya thật ra là dấu hiệu cơ thể đang cố gắng thích nghi, nhưng không có nghĩa là không bị ảnh hưởng.

“Khi thức khuya một lần, cơ thể dễ bị “lập trình ngược”. Nghĩa là hôm sau dù muốn ngủ sớm, não tụi mình vẫn còn quen thức khuya, nằm trằn trọc mãi mới ngủ được. Thức khuya dần trở thành một vòng lặp, càng về sau càng khó bỏ”, bác sĩ cảnh báo.

Dưới đây là những tác hại thường gặp ở học sinh khi thức khuya kéo dài:

* Mệt mỏi, thiếu tỉnh táo: Não bộ không được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin. Nhiều bạn dễ buồn ngủ trong lớp, học chậm và nhanh quên bài.

* Dễ nổi mụn, da xỉn màu: Thức khuya làm rối loạn nội tiết tố, khiến da tiết nhiều dầu, dễ nổi mụn và không được tái tạo đúng chu kỳ ban đêm nên trở nên kém tươi tắn.

* Suy giảm trí nhớ, dễ mắc bệnh vặt: Thiếu ngủ ảnh hưởng đến vùng ghi nhớ ngắn hạn trong não. Học sinh dễ mắc các bệnh như cảm cúm, nhức đầu, đau bụng... do hệ miễn dịch bị suy yếu.

Ước gì tối qua mình ngủ sớm hơn... - Ảnh 4.

Thức khuya ảnh hưởng đến tâm trạng và học tập - Ảnh minh họa được thực hiện bằng AI

* Tâm trạng thất thường: Chỉ một đêm thiếu ngủ cũng có thể khiến bạn dễ cáu gắt, mất kiên nhẫn với người khác. Về lâu dài, dễ dẫn đến lo âu, stress, thậm chí trầm cảm ở tuổi học trò.

Mẹo "cai" thức khuya dễ áp dụng

1. Không uống trà sữa, trà xanh, cà phê sau 5g chiều

Các loại nước chứa caffeine hoặc nhiều đường sẽ khiến tụi mình tỉnh như cú đêm. Hãy thử uống sữa ấm, nước ấm hoặc trà hoa cúc để dễ ngủ hơn.

2. Nói tạm biệt điện thoại trước khi ngủ ít nhất 30 phút

Ánh sáng xanh từ điện thoại sẽ ức chế melatonin (hormone gây buồn ngủ). Đặt điện thoại xa giường hoặc bật chế độ “giờ ngủ” sẽ giúp tụi mình không bị cuốn vào màn hình nữa.

3. Viết điều tích cực trong ngày

Chỉ 1-2 dòng ghi lại điều tốt đẹp của ngày hôm đó cũng giúp tụi mình cảm thấy nhẹ nhàng và dễ thư giãn hơn trước khi ngủ.

4. Tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ

Giãn cơ, yoga hoặc vài động tác nhẹ giúp cơ thể thả lỏng, tâm trí thư giãn, giảm cảm giác “bồn chồn” muốn thức khuya.

5. Đi ngủ sớm hơn hôm trước là được

Thay vì ép mình phải ngủ lúc 9g tối, hãy đặt mục tiêu nhỏ hơn như hôm nay ngủ lúc 11gh30, mai ngủ sớm hơn 15 phút. Cứ thế tiến dần, tụi mình sẽ hình thành thói quen mới dễ chịu hơn.

Vậy nên, nếu sáng nào cũng vừa gục trên bàn vừa nghĩ “Ước gì tối qua mình ngủ sớm hơn” thì đã đến lúc tụi mình cần thay đổi rồi đó.

Nhớ nha, muốn học tốt, khỏe mạnh, vui vẻ thì việc đầu tiên là phải ngủ ngon đã!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: