TP.HCM xuất hiện mưa đá, có điều gì bất thường không?

Thứ sáu, 14/06/2024 17:43 (GMT+7)

Khoảng 15h chiều 14-6, ở TP.HCM có mưa to trên diện diện rộng. Điểm đặc biệt là ở các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận xuất hiện hiện tượng mưa đá.

Mưa đá xuất hiện tại các quận trung tâm TP.HCM chiều 14-6 - Ảnh: THU THANH

Mưa đá xuất hiện tại các quận trung tâm TP.HCM chiều 14-6 - Ảnh: THU THANH

Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh mưa đá có kích thước bằng viên bi do mình trực tiếp ghi lại.

Trực tiếp chứng kiến, bạn Anh Thư (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) cho biết, vì trời mưa lớn khó chạy xe nên Thư dừng lại tìm chỗ trú. 

Trong lúc quan sát, bạn thấy lẫn trong cơn mưa có những viên đá, kích thước bằng viên bi. Lướt mạng xã hội, Thư thấy khu vực quận 1 nơi mình đang đứng được nhiều người ghi nhận xuất hiện mưa đá.

Nhiều người bất ngờ vì lần đầu tiên nhìn thấy mưa đá - Ảnh: ANH THƯ

Nhiều người bất ngờ vì lần đầu tiên nhìn thấy mưa đá - Ảnh: ANH THƯ

Bạn Kiến Nghĩa (ĐH Kinh tế - Luật) kể lại, trong lúc đang học bài, Nghĩa thấy những giọt mưa liên tục rơi mạnh, nghe tiếng động rất rõ. 

"Lúc với tay đóng cửa, mình phát hiện trên nền đất có những viên đá nhỏ màu trắng, trông giống với đá uống hằng ngày. Thấy lạ nên mình lên mạng tra cứu thử, được biết đây chính là hiện tượng mưa đá", Nghĩa nói.

Mưa đá có kích thước bằng viên bi - Ảnh: HỒNG HẠNH

Mưa đá có kích thước bằng viên bi - Ảnh: HỒNG HẠNH

Tài khoản Facebook bạn Minh Hùng cũng chia sẻ hình ảnh mưa đá kèm dòng trạng thái "Lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh này".

Theo Wikipedia, mưa đá thường hay hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11). Mưa đá được hình thành khi các dòng không khí lên xuống mãnh liệt (hay còn gọi là đối lưu).

Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh chỉ trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.

Nhiều chuyên gia khí tượng cảnh báo mưa đá rất nguy hiểm. 

Trường hợp kích thước hạt nhỏ thì không cần quá lo lắng nhưng nếu kích thước lớn sẽ gây hư hỏng mái tôn, bể cửa kính... Thậm chí, nếu hạt mưa đá to rơi vào người thì có thể gây thương tích.

Cập nhật đến khoảng 17h cùng ngày, cơn mưa nhỏ dần và hầu như không có mưa đá nữa.

Hiện tượng mưa đá: "Không bất thường"

Lý giải về hiện tượng mưa đá, ông Lê Đình Quyết - trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết mưa đá thường rơi vào ngày thời tiết oi bức, nóng sau đó có mưa.

Điều kiện để hình thành mưa đá là nhiệt độ và độ ẩm cao, đối lưu rất mạnh, thường có mây đối lưu phát triển lên cao hàng chục km, hạt nước ngưng kết thành đá, rơi xuống.

Ông Quyết nhận định với điều kiện thời tiết hôm nay thì mưa đá là không bất thường.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: