Từ Mask Girl nghĩ về vấn nạn miệt thị ngoại hình

avatar ĐẶNG HỒNG THẮM

Thứ tư, 23/08/2023 18:41 (GMT+7)

Mask Girl đang đứng top 1 Netflix nhiều quốc gia. Từ bộ phim này, nhiều người mới ngộ ra vấn nạn miệt thị ngoại hình đang nhức nhối đến mức nào.

Mask Girl được chuyển thể từ webtoon kinh điển của Hàn Quốc, xoay quanh bi kịch bị miệt thị ngoại hình của Mo Mi. Nữ chính Mo Mi là cô gái thích nhảy múa, ca hát. Cô muốn trở thành tâm điểm của đám đông, đặc biệt thích được yêu mến.

Đáng tiếc, Mo Mi không có ngoại hình xinh đẹp. Bị những lời chê bai đánh gục, cô trở thành nhân viên công sở bình thường. Thế nhưng, những bất ổn về mặt tâm lý đã khiến hai chữ "bình thường" trở nên xa xỉ. Vì khao khát nổi tiếng, Mo Mi đã ăn mặc hở hang, đeo mặt nạ livestream, chìm đắm trong những lời tung hô ảo.

Có thể nói, cuộc đời của nhân vật Mo Mi là một chuỗi bi kịch nối dài. Chuỗi bi kịch đó bắt nguồn từ vấn nạn miệt thị ngoại hình.

Miệt thị ngoại hình có từ bao giờ?

Trong tâm lý học, miệt thị ngoại hình (Body Shaming) là thuật ngữ dùng để chỉ những lời nói, hành vi mang tính chất sỉ nhục, hạ thấp, phán xét, chê bai một cách ác ý về ngoại hình của người khác.

Những từ ngữ mang tính chất "sát thương" khiến nạn nhân cảm thấy buồn bã, tổn thương, khó chịu, ám ảnh. Tệ hơn, nạn nhân có thể quẫn trí, tự tử sau thời gian dài bị miệt thị ngoại hình.

Từ chuyện phim “Mask Girl” đến vấn nạn miệt thị ngoại hình ngoài đời thực - Ảnh 1.

Miệt thị ngoại hình thật sự đã trở thành vấn nạn

Theo các chuyên gia, nạn miệt thị ngoại hình bắt đầu khoảng năm 1997. Khi vấn đề thực phẩm được giải quyết, nhiều người trở nên to béo hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cái đẹp khi ấy vẫn là "mình hạc, xương mai". Những người có ngoại hình không giống với "quy chuẩn" đó trở thành đối tượng bị cười chê, xúc phạm.

Từ chuyện phim “Mask Girl” đến vấn nạn miệt thị ngoại hình ngoài đời thực - Ảnh 2.

Từ bao giờ, "mình hạc xương mai" được xem là tiêu chuẩn của cái đẹp?

Hình thức "giết người" bằng lời nói

Mạng xã hội càng phát triển, vấn nạn miệt thị ngoại hình càng trở nên đáng báo động. Theo khảo sát của tờ Independent, gần một nửa số người lớn từng bị miệt thị ngoại hình. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy có 94% thiếu niên nữ, 64% thiếu niên nam là nạn nhân của miệt thị ngoại hình.

Bên cạnh việc bị người khác miệt thị, một số người còn có thói quen... tự miệt thị bản thân. Thực trạng này trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19. Khi không được ra ngoài, nhiều bạn trẻ trở nên mặc cảm, tự ti. Họ thấy mình không đẹp, không quyến rũ bằng bạn bè đồng trang lứa.

Từ chuyện phim “Mask Girl” đến vấn nạn miệt thị ngoại hình ngoài đời thực - Ảnh 3.

Nhiều bạn trẻ đang tự miệt thị chính mình

Dù "bị miệt thị" hay "tự miệt thị", sức khỏe thể chất và tinh thần của nạn nhân vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên, bị rối loạn lo âu. Một số người có hành động mất kiểm soát, thậm chí tự kết liễu mạng sống.

Năm 2022, nam vận động viên bóng chuyền của Hàn Quốc Kim In Hyuk được phát hiện đã chết tại nhà riêng. Theo điều tra, Kim In Hyuk tự tử vì vấn đề tâm lý. Mọi chuyện bắt nguồn từ những lời bình luận ác ý của cộng đồng mạng trong suốt 10 năm.

Hãy dừng miệt thị, hãy yêu bản thân

Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu từng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình trong thời gian dài. Trong quá trình điều trị bệnh Celiac, cơ thể cô bị tích nước, thân hình trở nên nặng nề. Sandhu thường xuyên bị bắt nạt trực tuyến với lí do "không giữ hình ảnh chuẩn mực của một hoa hậu".

Từ chuyện phim “Mask Girl” đến vấn nạn miệt thị ngoại hình ngoài đời thực - Ảnh 4.

Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu bị bắt nạt trực tuyến trong thời gian dài chỉ vì tăng cân - Ảnh: INSTAGRAM.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Sandhu cho biết dù khá buồn vì bị miệt thị ngoại hình nhưng cô luôn yêu cơ thể của mình. Cô mong mọi người hiểu cân nặng không phải yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị con người. Sandhu hi vọng mọi cô gái đừng chú ý hay áp đặt tiêu chuẩn sắc đẹp của bất kỳ ai, vì mỗi cá nhân là riêng biệt.

Tạm kết

"Chê người khác xấu không giúp chúng ta đẹp hơn", đó là sự thật! Hãy nhớ rằng, miệt thị ngoại hình là hành vi bạo lực, thậm chí phạm luật.

Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Đẹp hay xấu chỉ là những khái niệm mang tính tương đối. Chúng ta hãy học cách chấp nhận, bao dung, yêu thương chính bản thân mình và người khác.

Hãy tập sống cuộc sống tự do do chính chúng ta thiết kế thay vì tuân theo khuôn mẫu nào đó trong xã hội.

Còn một điều quan trọng nữa: hãy mạnh dạn lên tiếng chống lại vấn nạn miệt thị ngoại hình vì chính bạn và vì những người xung quanh.

Thế giới hạn chế miệt thị ngoại hình ra sao?

+Tại Paris (Pháp) hàng năm có một tuần lễ dành riêng cho việc nâng cao nhận thức về phân biệt đối xử ngoại hình. Tuần lễ có các hoạt động như trình diễn thời trang dành cho mọi loại hình cơ thể khác nhau. Hàng nghìn số điện thoại tư vấn và đường dây trợ giúp cũng được thiết lập để người bị miệt thị ngoại hình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.

+ Năm 2019, Vương quốc Anh đã xuất bản Sách Trắng về Tác hại trực tuyến, đề cập đến các tác hại liên quan đến việc quảng bá hình ảnh cơ thể thiếu thực tế trên mạng, làm trầm trọng thêm sự tự ti về hình ảnh cơ thể.

+ Mỹ cũng có đạo luật liên bang, nghiêm cấm việc phân biệt đối xử liên quan những khiếm khuyết cơ thể người khác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: