Đối thoại với người lớn: Chuyên viên tâm lý chỉ ra yếu tố quan trọng nhất cần có

avatar Nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý Đào Lê Tâm An

Thứ bảy, 29/07/2023 21:10 (GMT+7)

Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý Đào Lê Tâm An, đôi khi, việc chứng minh đúng - sai không quan trọng bằng sự lắng nghe, cầu thị và mở lòng giữa những người khác thế hệ.

Khác biệt giữa các thế hệ...

Trong bất cứ cuộc tranh luận nào, việc hiểu rõ đặc trưng của bản thân và đối phương là điều tối quan trọng. Một trong những khái niệm cơ bản của Tâm lý học chính là "Tâm lý người có tính chủ thể". Nghĩa là những gì chúng ta nghĩ, nói, hành động,... đều được lọc thông qua lăng kính chủ quan.

Đối thoại với người lớn: Chuyên gia tâm lý chỉ ra yếu tố quan trọng nhất cần có - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh tiến sỹ tâm lý Đào Lê Tâm An. Ảnh: FBNV

Do đó, cùng một sự vật, hiện tượng, người này cảm thấy khác người kia là chuyện rất bình thường. Khoảng cách thế hệ giữa người lớn và người trẻ càng làm cho sự khác biệt này rõ ràng hơn cả.

‏Đối với người trẻ, thông thường bạn sẽ là người cập nhật nhanh những xu hướng, góc nhìn và quan điểm mới. Bạn có khao khát được chứng minh bản thân mình, mong chờ sự công nhận từ mọi người.

Ngược lại, điểm yếu của bạn có thể là kiến thức bạn biết chỉ đơn thuần là "phần nổi của tảng băng", cái bạn biết có thể là lời truyền miệng thiếu tính kiểm chứng. Cảm xúc nông nổi, có phần bốc đồng cũng khiến câu từ bạn sử dụng không phù hợp và dễ đưa ra những quyết định sai lầm.‏

‏Ngược lại, nhận thức của người lớn có thể"đông cứng" với tầng tầng lớp lớp tri thức, kinh nghiệm. Dù có hiểu biết sâu, rộng, nhưng người lớn lại khó chấp nhận những điều đi ngược lại thế giới quan và niềm tin của họ.

Người lớn cũng có "đặc quyền" trong tranh luận như: Tuổi tác, kinh nghiệm, hoặc thậm chí là tài chính. Tuy nhiên, quyết định của người lớn đưa ra có phần điềm tĩnh hơn, đã được cân nhắc từ lý thuyết đến thực hành.‏

‏Đương nhiên những gợi ý trên không đúng với tất cả mọi người. Việc của bạn là cần chỉnh sửa lại thông tin trên sao cho phù hợp nhất với bản thân và với người lớn xung quanh bạn. Khi đã phác thảo một bức tranh tổng thể, "biết người, biết ta" thì mới chọn phương án tranh luận sao cho phù hợp.

Đối thoại với người lớn: Chuyên gia tâm lý chỉ ra yếu tố quan trọng nhất cần có - Ảnh 2.

Nghiên cứu sinh tiến sỹ tâm lý Đào Lê Tâm An cùng các bạn teen trong một chương trình. Ảnh: FBNV

Thái độ quan trọng hơn trình độ

‏Dù bạn có đang đại diện cho "chân lý", nhưng với thái độ thiếu tôn trọng cũng khiến việc truyền tải gặp trục trặc vì vấp phải "cái tôi" của người lớn. Do đó, tâm thế khi tranh luận với người lớn vẫn cần nhẫn nại, lịch sự, lễ phép. ‏

‏Không ai thích bị người khác nhận xét mình sai, vô lý, lạc hậu,... Vì vậy, teen cần hạn chế những quy kết mang tính công kích cá nhân này. Thay vì đứng trên lập trường "con đúng, ba mẹ sai", hãy xuất phát từ việc "mỗi người đang nhìn một góc cạnh khác nhau".

‏Ngoài quy tắc chung, có những chiến thuật tranh luận với từng nhóm người lớn khác nhau:‏

Với người lớn cởi mở, thân thiện: Bạn chỉ cần đi đúng vào trọng tâm cần truyền đạt. Trình bày với thái độ thoải mái, tôn trọng, dành thời gian lắng nghe ý kiến của người lớn và phản hồi đồng ý hoặc không đồng ý với từng luận điểm.‏

Với người lớn dè dặt, cẩn trọng, hay hoài nghi: Bạn nên đưa ra những dẫn chứng khoa học, đáng tin cậy như ý kiến từ các nhà chuyên môn, từ sách vở, nhà trường, tài liệu khoa học,... ‏

Với người lớn khó tính, cứng nhắc, có phần bảo thủ: Bên cạnh việc lắng nghe, hãy niệm "thần chú" rằng có thể người lớn không có ác ý, họ chỉ rất tin vào những gì họ đã thấy hoặc đã trải qua nên việc giải thích sẽ gặp khó khăn.

Thông thường với kiểu người lớn này, bạn cần áp dụng chiến thuật "mưa dầm thấm lâu". Hãy lựa những lúc vui vẻ, thoải mái và nhỏ nhẹ gửi gắm thông điệp của mình. Nếu bầu không khí đang quá căng thẳng, hãy chủ động lùi bước, tìm những luận điểm mà bạn đồng tình trong lời nói của người lớn và thừa nhận chúng.

Trong quá trình trao đổi, hãy áp dụng chiến thuật "lùi một bước, tiến hai bước" theo công thức: "Con đồng ý với điều thứ nhất mà ba mẹ nói, nhưng ở ý thứ hai, con được học ở trường khác một chút."‏

‏Nếu người lớn vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và bạn cảm thấy rất khó tiếp cận, đừng ngại ngần dùng quyền trợ giúp, kêu gọi sự lên tiếng của những người có uy tín, ví dụ chú bác, ông bà, thậm chí là thầy cô. Tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn, dễ được chấp nhận hơn.‏

‏Đôi khi, việc chứng minh đúng - sai không quá quan trọng, mà là sự lắng nghe, trao đổi, cầu thị, mở lòng giữa những người khác thế hệ, đó đã là một điều đáng quý.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: