Về làng Sen, nhớ Bác

Thứ năm, 16/05/2019 12:58 (GMT+7)

Trong một chuyến đi, chúng tớ đã có dịp trở về nơi Bác Hồ sinh ra và sống khoảng thời thơ ấu của mình.

Những hàng cau reo vui

Xe vừa đi vào Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), tớ đã cảm nhận ngay không khí yên bình và mát mẻ với con đường quanh co, những hàng cau thẳng tắp, đầm sen thơm mát, hệt như được trở về vùng quê yên ả trong quá khứ. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa lịch sử về thời niên thiếu của Bác và những người thân trong gia đình Bác.

Tớ được ghé thăm nơi Bác cất tiếng khóc chào đời và sống tới tuổi lên năm. Đó là ngôi nhà nhỏ lợp lá ba gian của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan (thân sinh của Bác). Mái nhà được làm rất thấp, tớ phải cúi người mới bước vào được. Chị hướng dẫn viên tiết lộ rằng đây là cách làm nhà để phòng tránh gió bão của người Việt mình ngày xưa.
Bên trong ngôi nhà là những món đồ thật đơn sơ, giản dị. Gian ngoài đặt án thư với nghiên mực, bút, giá sách, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tiếp khách, bàn luận về văn chương, chữ nghĩa. Tớ còn được vào thăm ngôi nhà lá đơn sơ nơi cụ Phó bảng từng dạy các con học và tiếp đón bà con, hàng xóm đến trò chuyện, thăm hỏi.

Lặng nghe những câu chuyện về Bác

Đi cùng chúng tớ là chị hướng dẫn viên của khu di tích. Với chất giọng ấm áp, chị đã kể cho chúng tớ nghe những câu chuyện thật xúc động về Bác. Tháng 6 năm 1957, Bác trở về thăm quê hương sau gần 50 năm bôn ba việc nước. Hôm ấy, Người mặc bộ kaki, đi đôi dép cao su giản dị. Đến trước cổng, Bác dừng bước, suy tư một chút rồi nói: “Cổng ngày xưa ở chỗ kia”. Ngay bên cạnh cổng có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”, thấy vậy Bác quay sang mọi người, hóm hỉnh: “Đây là nhà của Cụ Phó Bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”.

“Về thăm quê, Bác bồi hồi nhớ lại lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, cây bưởi trước nhà, hàng cau, chiếc võng thô, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ của ba… và không quên chào những người bà con, xóm giềng thuở bé. Năm 1961, Bác có dịp về thăm quê hương lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng. Từ sau đó, bà con Kim Liên không bao giờ được đón Bác về nữa…”. Những câu chuyện về Bác thật giản dị nhưng đầy cảm xúc, khiến du khách viếng thăm ai cũng lặng người xúc động.

Về thăm Kim Liên, ngắm lại những hiện vật bình dị gắn liền với hình ảnh của Bác, cảm giác như Bác vẫn hiện diện nơi này, trong bộ kaki quen thuộc và giọng nói ấm áp.

TƯỜNG TRÚC - Ảnh: DUY LÊ

MỜI BẠN GHÉ THĂM

Ngày nghỉ, sao bạn không rủ bạn bè “check-in” các điểm ngay tại TP.HCM để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác?

* Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 1 Nguyễn Tất Thành, Q.4).

* Di tích lịch sử “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước” (số 5 Châu Văn Liêm, Q.5).

* Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ, Q.1).

* Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi - Nhà Thiếu nhi TP.HCM (169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3).

* Trường Cao đẳng Kĩ thuật Cao Thắng (65 Huỳnh Thúc Kháng, Q.1) - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

* Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1), nơi cung cấp các đầu sách về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

P.V

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: