10 thói quen tốt giúp bạn học tập hiệu quả hơn

Thứ tư, 13/11/2024 12:40 (GMT+7)

Những thói quen tốt này sẽ giúp bạn học tập hiệu quả hơn mỗi ngày nhờ việc học được chia nhỏ, không gây áp lực và cảm giác quá sức.

10 thói quen tốt giúp bạn học tập hiệu quả hơn- Ảnh 1.

Thói quen học tập tốt không chỉ giúp điểm số tăng lên mà việc học cũng trở nên dễ dàng, thú vị hơn rất nhiều! - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Nhiều người cho rằng muốn có kết quả học tập tốt, phải dành nhiều thời gian cho việc học. Tuy nhiên, hình thành thói quen học tập hiệu quả mới là yếu tố quan trọng nhất.

Dưới đây là 10 thói quen từ Trang Education Corner mà bạn nên áp dụng ngay để cải thiện khả năng học tập của mình.

1. Đừng nhồi nhét kiến thức vào một buổi học duy nhất

Bạn có biết, học nhồi vốn là "kẻ thù" của trí nhớ dài hạn. Thay vì cố gắng học hết mọi thứ trong một buổi, hãy chia nhỏ thời gian học.

Ví dụ, nếu bạn muốn học một môn trong 4 tiếng, hãy chia ra học mỗi ngày 1 tiếng, trong 4 ngày liền kề, để nhớ lâu hơn. Cách học đều đặn này vừa giúp kiến thức vừa được lưu lại lâu dài trong trí nhớ, vừa giúp bạn giảm bớt căng thẳng.

2. Lên lịch học và tuân thủ

Những học sinh giỏi thường có lịch học cụ thể và kiên trì thực hiện nó.

Lập thời khóa biểu học tập hàng tuần sẽ giúp bạn chủ động hơn, có kế hoạch rõ ràng tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy". Điều này cũng giúp bạn đảm bảo không bỏ sót các bài tập, kiến thức quan trọng.

3. Học vào cùng một khung giờ mỗi ngày

Tạo thói quen học vào một giờ cố định hằng ngày sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung và tăng động lực.

Khi hình thành thói quen, bạn sẽ chuẩn bị tinh thần và cảm xúc cho mỗi buổi học một cách tự nhiên, không còn phải ép bản thân ngồi vào bàn học nữa. Cách này giúp tiết kiệm thời gian, từ đó nâng cao hiệu suất học tập.

4. Mỗi buổi học phải có mục tiêu cụ thể

Một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung hơn. Ví dụ: hãy đặt mục tiêu "ghi nhớ 30 từ vựng tiếng Anh trong 60 phút" thay vì mục tiêu chung chung như "Học tiếng Anh".

Ngoài ra, cách đặt mục tiêu tích cực cũng rất quan trọng. Ví dụ: "Tôi sẽ hoàn thành chính xác 7 trên 10 câu hỏi" là mục tiêu tích cực hơn "Tôi sẽ không mắc quá 3 lỗi khi thực hiện 10 câu".

Mục tiêu cụ thể và tích cực sẽ giúp bạn kiểm soát tiến độ bài vở hiệu quả, đồng thời trở nên tự tin hơn.

5. Đừng trì hoãn khi đã lên kế hoạch học

Trì hoãn là một trong những nguyên nhân khiến việc học trở nên kém hiệu quả.

Thay vì để công việc chất đống vào phút cuối, hãy đối mặt với nó ngay từ đầu. Việc trì hoãn không chỉ khiến bạn áp lực mà còn dễ mắc sai sót. Hãy tập trung hoàn thành công việc theo đúng kế hoạch để giảm căng thẳng và đạt kết quả tốt nhất.

6. Bắt đầu với môn khó nhất

Môn học khó thường đòi hỏi nhiều năng lượng và sự tập trung, vì vậy hãy bắt đầu với nó khi bạn còn "sung sức".

Khi đã hoàn thành phần khó, các môn còn lại sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc học các môn khó khi đầu óc minh mẫn sẽ giúp tăng hiệu quả học tập và giữ cho tinh thần của bạn luôn ở mức tốt nhất.

7. Xem lại ghi chú trước khi bắt đầu làm bài

Chỉ cần dành 10 phút ôn lại ghi chú sau mỗi giờ học sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn!

Có nhiều phương pháp ghi chú hiệu quả như sơ đồ tư duy hoặc phương pháp Cornell, hãy lựa chọn cách phù hợp với bạn. Việc xem lại ghi chú đều đặn cũng giúp bạn hiểu rõ nội dung bài học và nắm chắc kiến thức hơn.

8. Học ở nơi ít bị phân tâm

Môi trường học ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tập trung. Tránh xa tivi, mạng xã hội hoặc những tiếng ồn có thể làm bạn xao lãng.

Thay vào đó, tìm một nơi yên tĩnh như góc học tập tại nhà, thư viện hay quán cà phê với tiếng nhạc nhẹ để tạo không gian học tập tối ưu.

9. Tham gia nhóm học tập một cách hiệu quả

Một nhóm học tập nhỏ từ 3 - 5 người có thể giúp bạn ôn bài nhanh hơn và giảm cảm giác chán nản khi phải học một mình.

Hãy chuẩn bị câu hỏi trước khi học cùng nhau, cũng như đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ để có buổi học hiệu quả. Bạn có thể tự kiểm tra kiến thức, phát triển tư duy và góc nhìn đa chiều thông qua các cuộc thảo luận trong nhóm.

10. Xem lại bài vào cuối tuần

Cuối tuần là thời điểm lý tưởng để ôn lại những gì đã học trong tuần. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc học vào cuối tuần có thể giúp người học củng cố kiến thức hiệu quả và chuẩn bị tốt cho tuần mới.

Dành một khoảng thời gian ngắn vào cuối tuần để ôn bài sẽ để nắm chắc kiến thức và luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp thu nội dung mới, bạn nhé!

Nguồn: www.educationcorner.com

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: