Để thành công, học ngay 5 bước xây dựng thói quen tốt này

Thứ bảy, 12/10/2024 13:19 (GMT+7)

Thói quen là một trong những yếu tố quyết định đến việc bạn sẽ thành công hay thất bại trong cuộc đời.

Để thành công, học ngay 5 bước xây dựng thói quen tốt này- Ảnh 1.

Tập thể dục là 1 trong những thói quen tốt mà bạn nên xây dựng - ẢNH MINH HỌA: DO AI TẠO

Vậy thói quen được hình thành như thế nào?

Thói quen là những hành động được lặp lại một cách liên tục và đều đặn. Bạn thường xuyên đi ngủ sớm tức là bạn có thói quen đi ngủ sớm. Bạn luôn dọn dẹp bàn học sau khi học xong, hoặc thu dọn chăn gối sau khi ngủ dậy, nghĩa là bạn có thói quen ngăn nắp, gọn gàng.

Mất bao lâu để hình thành một thói quen?

Một số nghiên cứu cho rằng để tạo lập được thói quen đơn giản, chúng ta cần mất ít nhất 21 ngày. 

Chẳng hạn, nếu trong vòng ba tuần, ngày nào bạn cũng đặt chuông báo thức để dậy vào lúc 6h sáng thì từ tuần thứ tư trở đi, bạn sẽ tự tỉnh dậy vào khoảng thời gian đó mà không cần báo thức.

Thế nhưng, với những thói quen có độ khó cao hơn, như: tập thể dục hàng ngày, ăn uống lành mạnh..., bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn mới có thể hình thành được.

Đặc biệt, bạn sẽ thấy những thói quen tốt như tập thể dục hàng ngày, ngăn nắp, tập trung... sẽ cần nhiều thời gian để hình thành hơn là những thói quen xấu như: ngủ nướng, trì hoãn, bừa bộn ...

4 bước để hình thành những thói quen tốt

Thông thường, khi mới bắt đầu một thói quen tốt, bạn sẽ cảm thấy tương đối khó khăn. Tuy vậy, nếu bạn thực hiện theo các bước sau đây, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Bước 1: Đặt mục tiêu thay đổi

Hãy bắt đầu bằng việc viết ra những thói quen tốt/tích cực mà bạn muốn xây dựng và những thói quen xấu/tiêu cực mà bạn muốn loại bỏ.

Ví dụ: hình thành thói quen sử dụng internet không quá 2 giờ/ngày, loại bỏ thói quen ngủ muộn và dậy muộn.

Bước 2: Lên kế hoạch cụ thể để thực hiện

Bạn phải xác định rõ thực trạng, có lộ trình rõ ràng và phương pháp cụ thể để thực hiện.

Ví dụ: Bạn mong muốn tạo thói quen sử dụng internet không quá 2h/ngày.

Thực trạng là bạn đang dùng internet 5 - 6 tiếng/ngày để chơi game, xem video trên YouTube và tán gẫu (chat) với bạn bè. Việc này ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập và sức khỏe của bạn.

Lộ trình bạn có thể đặt ra giảm dần theo từng tuần, từ 4 đến 3 rồi 2 tiếng.

Phương pháp hạn chế sử dụng internet:

- Đặt giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng chơi game, youtube và messenger trên điện thoại (sử dụng ứng dụng "Screen Time" trên thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS hoặc "Digital Wellbeing" trên thiết bị sử dụng hệ điều hành Android).

- Tắt thông báo (notification) trên điện thoại.

- Chỉ sử dụng các thiết bị truy cập internet khi đã hoàn thành việc học bài, làm việc nhà.

- Đặt điện thoại ở vị trí xa tầm tay: cất điện thoại vào ngăn kéo khi ngồi học, không để điện thoại ở ngay đầu giường khi đi ngủ.

- Thực hiện một số hoạt động khác để giải trí và thư giãn thay cho việc dùng internet như: đọc sách, vẽ tranh, nấu ăn, đi dạo, chơi thể thao,...

Bước 3: Thực hiện theo kế hoạch và đo lường hiệu quả

Thói quen không thể hình thành ngay lập tức mà cần có thời gian. Vì thế, bạn hãy bắt đầu thực hiện kế hoạch đã đặt ra một cách chậm rãi, từ từ thích nghi dần. 

Quan trọng là bạn phải thực hiện các biện pháp đã đề ra một cách đều đặn với sự quyết tâm, không nên ngắt quãng hãy bỏ dỡ giữa chừng.

Ví dụ: Bạn giảm dần thời gian sử dụng internet từ 5 tiếng/ngày xuống còn 4 tiếng, rồi 3 tiếng/ngày chứ không nên giảm đột ngột từ 5 tiếng xuống còn 2 tiếng. Khi đã đặt chuông báo đi ngủ lúc 10h30 thì đúng giờ đó là bạn đi ngủ chứ không nên trì hoãn vì bất cứ lý do gì.

Trong quá trình thực hiện, bạn hãy tự đánh giá xem biện pháp nào đem lại kết quả như mong đợi, lộ trình có cần điều chỉnh gì không.

Bước 4: Duy trì thói quen đã tạo lập được

Hoàn thành bước thứ ba là bạn đã cơ bản hình thành được một thói quen mới rồi đấy. Tuy nhiên, thói quen mới đó sẽ nhanh chóng mất đi nếu bạn không tiếp tục duy trì. 

Thực tế cho thấy có nhiều người đã hình thành được thói quen tốt rồi, nhưng sau đó họ lại bỏ cuộc, quay về thói quen xấu trước đó. Bởi vậy, bạn phải luôn tự nhắc mình duy trì thành quả đã đạt được nhé!

10 thói quen tốt có thể thay đổi cuộc đời bạn

"Thay thói quen - đổi cuộc đời". Vì thế, nên bạn hãy tự biến mình thành "nô lệ" của 10 thói quen tốt sau đây nhé:

1. Ăn uống lành mạnh: Ăn đủ và cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng (chất đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, khoáng chất), uống đủ nước (từ 1,5 – 2 lít.ngày), hạn chế đồ ăn nhanh, đồ chiên rán và đồ uống có ga.

2. Ngủ đủ giấc và đúng giờ: Ngủ đủ 8 tiếng/ngày, đi ngủ trước 10h30 và thức dậy trước 6h30.

3. Vận động cơ thể: Mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để tập thể dục, đi bộ, chơi thể thao.

4. Sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý: Không tiếp xúc quá lâu với màn hình (xem tivi, điện thoại, ipad nhiều nhất là 2 tiếng /ngày).

5. Tự giác: Chủ động học bài, làm bài tập và các việc nhà được giao mà không cần bố mẹ, thầy cô phải nhắc nhở.

6. Tập trung: Dành toàn bộ tâm trí vào công việc mình đang làm, không xao nhãng sang những việc khác.

7. Đúng giờ: Giờ nào làm việc nấy. Có mặt đúng giờ. Không trì hoãn làm các công việc mình phải làm nếu không có lý do chính đáng.

8. Ngăn nắp, sạch sẽ: Giữ gìn vệ sinh cá nhân. Không vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng. Thường xuyên dọn dẹp phòng ở, góc học tập. Thu dọn và sắp xếp đồ đạc gọn gàng sau khi dùng xong,...

9. Cư xử lịch sự: Luôn chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi trong giao tiếp hàng ngày.

10. Chia sẻ, giúp đỡ người khác: Quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ bạn bè, những người gặp khó khăn trong khả năng mình có thể.

Ths. NGUYỄN HẢI ANH

Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: