630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Thứ hai, 07/04/2025 17:07 (GMT+7)

Trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 630 bạn trẻ đã cùng đồng diễn Việt phục tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP.HCM).

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 1.

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên - Ảnh: THANH THẢO

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt của 630 bạn trẻ

Sáng 7-4, hành trình "Chuyến tàu tương lai" do Tóc xanh vạt áo phối hợp cùng Khu du lịch văn hóa Suối Tiên chính thức khởi động, đánh dấu một lễ hội Việt phục ấn tượng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Với sự tham gia của 630 bạn trẻ trong trang phục truyền thống, sự kiện không chỉ tôn vinh di sản dân tộc mà còn khẳng định sức sống mới của văn hóa Việt trong lòng gen Z.

Các bạn trẻ khoác lên mình những bộ Việt phục rực rỡ sắc màu, xuất phát từ ga metro Bến Thành. Dọc tuyến metro số 1, dòng người dừng chân tại ga Đại học Quốc gia, nơi gửi gắm thông điệp về thế hệ trẻ kế thừa tri thức và văn hóa.

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 2.
630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 3.
630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 4.

Ngày nghỉ lễ đặc biệt của các bạn trẻ - Ảnh: THANH THẢO, MINH THƯ

Hành trình kết thúc tại Cầu bộ hành, hòa vào không gian trang nghiêm ở Đền thờ Vua Hùng (Suối Tiên). Tại đây, 630 đóa sen (tượng trưng 63 tỉnh thành) được dâng lên trong nghi lễ Giỗ Tổ đầy xúc động.

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 5.

Đoàn chuẩn bị đồng diễn - Ảnh: THANH THẢO

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 6.

Nghi lễ dâng hoa sen lên Quốc Tổ Hùng Vương - Ảnh: MINH THƯ

Sự kiện vẽ nên bức tranh sống động về trang phục truyền thống Việt Nam. Từ áo ngũ thân, viên lĩnh, giao lĩnh đến nhật bình, mỗi thiết kế đều được phục dựng tỉ mỉ. Đi kèm mỗi bộ trang phục là các phụ kiện truyền thống như quạt lụa, nón ba tầm, quạt lụa, cung, kiếm cổ...

Không gian triển lãm còn mang đến trải nghiệm tương tác độc đáo. Khách tham quan được khoác lên mình tà áo dài truyền thống và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.

Sau khi thưởng thức tiết mục đồng diễn cổ phục Việt Nam, Kiều Thị Thúy Hằng (sinh viên Trường đại học Thương Mại) nhận xét chương trình là sự kết hợp đặc sắc giữa trang phục truyền thống, âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật.

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 7.

"Mình trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hào hùng đến xúc động. Mình hi vọng những hoạt động ý nghĩa như thế này sẽ được lan tỏa, tiếp thêm cảm hứng cho thế hệ trẻ" - Thúy Hằng chia sẻ - Ảnh: MINH THƯ

Là một trong những bạn trẻ tham gia đồng diễn Việt phục, Huỳnh Ngọc Khánh Đan (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM) bộc bạch: "Khi khoác lên mình Việt phục, mình như được kết nối với cội nguồn.

Đồng diễn cùng hàng trăm bạn trẻ khác, mình cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc đang được lan tỏa mạnh mẽ".

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 8.

Khánh Đan là một trong 630 bạn trẻ tham gia đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: MINH THƯ

Để chuẩn bị cho ngày hôm nay, Khánh Đan cùng các bạn đã dành hàng tuần nghiên cứu tư liệu, luyện tập động tác chỉn chu, điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt để có sức khỏe tốt nhất.

630 bạn trẻ đồng diễn Việt phục ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- Ảnh 9.

"Anh tài" Phan Đinh Tùng giao lưu cùng đoàn diễu hành - Ảnh: THANH THẢO

Hành trình Tóc xanh vạt áo "Chuyến tàu tương lai" không chỉ gây ấn tượng với những con số (630 người đồng diễn, hơn 1.000 khán giả), mà còn ở cách gen Z chủ động viết tiếp câu chuyện văn hóa bằng chính trái tim nhiệt huyết.

Mong người trẻ thành trở thành đại sứ văn hóa tự nguyện

Đây là lần đầu tiên Ngày hội Tóc xanh vạt áo tổ chức sự kiện "Chuyến tàu tương lai" kết hợp cùng Suối Tiên.

Nguyễn Đình Khải (trưởng ban truyền thông của chương trình Ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo) cho biết việc kết hợp giữa cổ phục và hình ảnh đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên là chiến lược "trẻ hóa" văn hóa truyền thống.

"Khi giới trẻ thấy cổ phục xuất hiện trong không gian metro hay sân khấu điện tử hiện đại, họ sẽ nhận ra di sản không phải là gì đó cũ kỹ, mà có thể cùng hòa vào nhịp sống đương đại.

Ban tổ chức mong muốn thông qua sự kiện, giới trẻ sẽ trở thành những đại sứ văn hóa tự nguyện, chủ động gìn giữ và phát triển di sản bằng cách riêng của thế hệ mình" - Đình Khải chia sẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: