Ăn gì, chơi gì ở lễ hội Hương sắc 3 miền tại Thảo cầm viên dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Thứ tư, 02/04/2025 16:40 (GMT+7)

Từ ngày 2 đến 7-4, lễ hội Hương sắc 3 miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn được diễn ra với hơn 50 gian hàng ẩm thực, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm làng nghề truyền thống như: làm gốm, nặn tò he...

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 1.

Gian hàng bánh dân gian tại Lễ hội văn hóa dân gian Hương sắc 3 miền Thảo cầm viên - Ảnh: TUYẾT NHI

Đến với lễ hội Hương sắc 3 miền tại Thảo cầm viên lần này, bạn sẽ được trải nghiệm trọn vẹn ẩm thực đặc sắc từ Bắc chí Nam. Sự kiện năm nay mang chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương và Truyền thống uống nước nhớ nguồn, hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động văn hóa thú vị và ý nghĩa.

Không gian ẩm thực miền Bắc chào đón bạn với những món ăn mang đậm dấu ấn Hà thành. 

Món bún ốc Hà Nội, với nước dùng chua thanh từ dấm bỗng, cay nồng ớt chưng, được cô Nguyễn Thị Hiền - chủ quán gia truyền từ năm 1919 giới thiệu đến thực khách phương Nam.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 13.

Món bún ốc Hà Nội gia truyền từ năm 1919 cực kỳ thơm ngon và hấp dẫn - Ảnh: TUYẾT NHI

Cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Tất cả nguyên liệu đều được đưa từ Hà Nội vào để giữ trọn vẹn hương vị gốc. Bún ốc phải ăn nguội mới đúng điệu, kết hợp với nước sấu mát lạnh thì mới cảm nhận trọn vẹn vị ngon đặc trưng".

Bên cạnh đó, các đặc sản như bún chả, bánh cuốn, chả cá Lã Vọng, bánh cốm, nước sấu cũng khiến thực khách xuýt xoa khi ghé thăm gian hàng miền Bắc.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ về món bún ốc Hà Nội - Ảnh: TUYẾT NHI

Gian hàng mì Quảng Phú Chiêm luôn tấp nập người thưởng thức. Không giống các loại mì Quảng thông thường, món ăn này có nước dùng ninh từ xương, ăn kèm thịt tôm, gà, đậu phộng rang giòn, hòa quyện vị béo của dầu hạt điều và sợi mì bột gạo nguyên chất.

Thực khách còn được trải nghiệm thêm bún bò Huế, bánh hỏi lòng heo Quy Nhơn, bánh cuốn Tây Sơn, chè cung đình Huế - những món ăn tinh túy của miền Trung.

Đến với không gian ẩm thực miền Nam, thực khách không thể bỏ qua bún cá Châu Đốc, bún nước lèo Sóc Trăng, bún riêu cua đồng, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh xèo miền Tây và đặc biệt là các loại bánh dân gian Nam Bộ.

Bạn Lê Nguyễn Hồng Dương (sinh sống tại quận 1) không giấu được sự thích thú khi tham gia lễ hội lần này:

"Mình cứ nghĩ phải đi dọc đất nước mới có thể thưởng thức đủ các món đặc sản, nhưng lễ hội lần này đã đưa hương vị cả Bắc - Trung - Nam hội tụ một nơi. Mỗi món đều có hương vị rất riêng, rất đặc trưng và rất ngon".

Không chỉ có ẩm thực Việt, lễ hội còn giới thiệu ẩm thực từ Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản, mang đến trải nghiệm đa dạng và hấp dẫn cho thực khách.

Sự kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và quốc tế đã biến lễ hội năm nay thành điểm đến lý tưởng cho những tín đồ yêu thích khám phá hương vị mới lạ, nhưng vẫn muốn đắm mình trong nét đẹp văn hóa dân gian.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 5.

Những món ăn được trang trí bắt mắt tại lễ hội - Ảnh: TUYẾT NHI

Gian hàng bánh hoa hồng của nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh và con gái, nghệ nhân Nguyễn Hồ Tiếu Anh, thu hút đông đảo thực khách đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm. 

Những chiếc bánh nhỏ xinh với lớp vỏ bột trắng mềm mịn được tạo hình tỉ mỉ thành từng cánh hoa hồng nở rộ không chỉ đẹp mắt, mà còn mang hương vị tinh tế của ẩm thực dân gian.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 6.

Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh (bên trái) cùng con gái là nghệ nhân Nguyễn Hồ Tiếu Anh đang chia sẻ về quy trình làm bánh - Ảnh: TUYẾT NHI

Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về ẩm thực truyền thống, chia sẻ:

"Bánh hoa hồng là một món ăn không chỉ đẹp về hình thức, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Việc nhồi bột và tạo hình bánh cần sự tỉ mỉ, nhưng điều quan trọng nhất là giữ được hương vị nguyên bản của món bánh.

Cô hy vọng thông qua những chiếc bánh này, giới trẻ sẽ thêm yêu những giá trị văn hóa Việt Nam và mang ẩm thực quê hương đến gần hơn với bạn bè quốc tế".

Không chỉ là một món bánh ngon, bánh hoa hồng còn mang ý nghĩa đặc biệt về sự tinh tế, khéo léo của người làm bánh, như một biểu tượng của nền ẩm thực Việt Nam - mộc mạc mà đầy cuốn hút.

Trải nghiệm làng nghề truyền thống: Khi đôi tay kể chuyện văn hóa

Không chỉ là một lễ hội ẩm thực "Hương sắc 3 miền" còn mang đến không gian trải nghiệm làng nghề, nơi những giá trị văn hóa lâu đời được tái hiện sinh động.

Ngay từ cổng vào Nguyễn Bỉnh Khiêm, bạn sẽ bắt gặp khu vực gốm Bát Tràng, nơi khách tham quan được trực tiếp thử sức nhào đất, tạo hình trên bàn xoay, trang trí và nung gốm. Bạn Lê Đức Lâm, một người đam mê làm gốm, chia sẻ:

"Mình theo nghề khoảng 2 năm rồi, càng làm càng mê. Chỉ cần một chút kiên nhẫn và sáng tạo, ai cũng có thể tạo ra một sản phẩm gốm độc đáo của riêng mình".

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 8.

Du khách đến lễ hội "Hương sắc ba miền" sẽ được trải nghiệm làm gốm miễn phí - Ảnh: TUYẾT NHI

Ở một góc khác, nghệ nhân Lê Xuân Tùng say sưa nặn tò he. Đây là món đồ chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Dưới bàn tay điêu luyện của anh, những chú tò he hình rồng, phượng, nhân vật cổ tích hay anime hiện lên đầy sống động.

"Anh theo nghề từ năm 12 tuổi, nối tiếp truyền thống gia đình. Anh thường nặn hai loại chính là tò he từ bột gạo và từ đất nặn. Tò he bột gạo giữ được khoảng 2 - 3 tuần, còn tò he đất nặn có thể giữ rất lâu. Đến với lễ hội lần này, anh mong muốn sẽ lan tỏa giá trị văn hóa dân gian và giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về nghề truyền thống của ông cha ta" - anh Xuân Tùng chia sẻ.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 9.

Nghệ nhân Lê Xuân Tùng đang nặn tò he - Ảnh: TUYẾT NHI

Không chỉ có làng nghề, Lễ hội Hương sắc 3 miền tại Thảo cầm viên còn đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả. Nghệ sĩ Bảo Anh đã mang đến trích đoạn hát bội Xúc động, tái hiện tinh thần của bộ môn nghệ thuật cổ truyền này.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 10.

Nghệ sĩ hát bội Bảo Anh biểu diễn trích đoạn Xúc động - Ảnh: TUYẾT NHI

Ngoài ra, lễ hội còn có vô số trải nghiệm hấp dẫn khác như: gian hàng bánh tráng Sơn Đốc, khu vực làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp, làm hoa đất nặn... giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về nét đẹp của các làng nghề Việt Nam.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 11.

Gian hàng bánh tráng Sơn Đốc - Ảnh: TUYẾT NHI

Thông tin Lễ hội văn hóa dân gian "Hương sắc 3 miền"

Thời gian: Từ ngày 2 đến 7-4

Địa điểm: Thảo cầm viên Sài Gòn, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM

Thời gian hoạt động: 7h30 - 20h30 hàng ngày

Đặc biệt: Miễn phí vé vào cổng từ 17h - 20h30.

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 16.

Lễ hội có trang bị khu vực bàn ghế cho du khách đến trải nghiệm ẩm thực - Ảnh: TUYẾT NHI

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 14.

Những chiếc mặt nạ tuồng cổ do nghệ nhân Nguyễn Văn Bảy thực hiện - Ảnh: TUYẾT NHI

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 17.

Khu vực viết thư pháp - Ảnh: TUYẾT NHI

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 18.

Anh Lê Đức Lâm đang hướng dẫn cách làm gốm Bát Tràng - Ảnh: TUYẾT NHI

Ăn gì, chơi gì ở Lễ hội “Hương sắc 3 miền” tại Thảo cầm viên? - Ảnh 19.

Quầy hàng dành cho những tín đồ mê đồ ăn Nhật Bản - Ảnh: TUYẾT NHI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: