Bất cứ khi nào cảm thấy bất ổn, hãy dựa vào ba mẹ!

avatar NGUYỄN TÚ

Thứ bảy, 25/11/2023 10:00 (GMT+7)

Để gia đình có thể đồng hành cùng bạn thì chính bạn cần mở lòng chia sẻ với ba mẹ!

Ba mẹ vẫn luôn ở đây mà!

Vừa gặp ba mẹ, Q (12 tuổi) đã thút thít: "Con không muốn học trường này nữa mẹ ơi! Con chỉ muốn ở nhà". Lau nước mắt của bạn, mẹ khẽ khàng bảo: “Lại đây, mẹ ôm cái nào!”. Rồi mẹ ngồi im lặng lắng nghe con gái trút nỗi lòng.

Từ khi sang trường mới, Q bị sốc. Giờ nghỉ trưa, một số bạn xì xầm chuyện trò khiến Q mất ngủ. Nghe đến đó, mẹ khuyên: "Vậy con tranh thủ ở nhà ngủ sớm đi!”.

Đồng thời, mẹ nhẹ nhàng bảo bạn cần làm quen nhiều bạn mới cũng như thích nghi với môi trường cấp 2. Hồi học lớp 1, lúc mới đến trường, bạn cũng từng lạ lẫm, bỡ ngỡ thế này nhưng đã vượt quai. Giờ bạn lớp 6, lớn hơn rất nhiều so với hồi xưa nên có gì đâu phải sợ.

Nhờ mẹ, Q cũng vượt qua được cú sốc trường mới và rộn rã trở lại.

Bất cứ khi nào cảm thấy bất ổn, hãy dựa vào ba mẹ!- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

"Đừng hốt hoảng quá con gái của ba!"

Không chỉ lắng nghe, chia sẻ với con cái, ba mẹ còn là vị cứu tinh xuất hiện kịp lúc. Đang làm việc, ba mẹ B nhận được cuộc gọi từ nhà trường: “Hôm nay B nghỉ học phải không ạ?”. Cuộc gọi khiến ba bạn hoang mang, bởi sáng nay ông vừa đưa bạn đến trường.

Ngay lập tức, ba đến trường của B để tìm hiểu cớ sự. Sau đó, qua bạn bè, thầy cô, ba của bạn biết được B… đang trốn ở nhà vệ sinh.

Lúc này, ba gặp bạn nhỏ nhẹ hỏi có phải con đang gặp chuyện gì, cứ từ từ kể với ba. Gặp được ba, B vỡ òa. Thì ra, đang hí hửng vui vẻ, B phát hiện mình có vết máu ở quần chip. Bạn đi xin ngay một miếng băng vệ sinh của bạn để “chữa cháy”. Dấu hiệu có “đèn đỏ” khiến bạn hoảng hốt.

Vừa nghe, ba vừa dỗ dành. Tối về, mẹ bắt đầu chia sẻ với B các dấu hiệu dậy thì của con gái, … Mẹ còn dặn B đi học nhớ mang theo băng vệ sinh dự phòng.

Có ba có mẹ đồng hành, Q, B và nhiều bạn khác cảm thấy mình không đơn độc trong quá trình trưởng thành và lớn lên.

Câu chuyện 1

* Mẹ mình làm việc nhiều lắm, mình không muốn làm phiền mẹ. Từ 4-5 giờ sáng, mẹ đã dậy và làm việc có khi đến tận 21-22h mới xong. Mình mong mẹ có nhiều thời gian hơn dành cho chị em mình. (Khánh, 14 tuổi)

* Comment mẹ của Khánh: Sắp tới, cô sẽ cố gắng sắp xếp công việc để dành nhiều thời gian cho chị em Khánh. Tuy nhiên, để làm được việc này, cô cũng mong Khánh tự giác đỡ đần việc nhà giúp cô như giữ em, giặt quần áo, rửa chén bát… Nhiều hôm đi làm về thấy nhà cửa bề bộn, cô rất mệt nhưng phải cố gắng dọn dẹp.


Câu chuyện 2

Ba mình nghiêm khắc và khá nóng tính. Có lần, mình thi Anh văn ở trung tâm không được điểm tốt. Ba giận bảo nghỉ học luôn đi. Từ đó về sau, tiền học phí Anh văn của mình do mẹ đóng. Đầu năm học, mình kiểm tra Toán có 4 điểm, mình chỉ chia sẻ với mẹ. Mình biết ba yêu thương mới lo cho anh em mình nhưng phải chi mỗi lúc có chuyện, ba bình tĩnh lắng nghe và chia sẻ với con cái thì tốt biết mấy? (Hoàng, 12 tuổi)

* Comment ba của Hoàng: Đúng là chú có nghiêm khắc và nóng tính. Đi làm vất vả để lo cho con cái mà nghe con học kết quả thấp, chú thất vọng chứ? Đã vậy, chú ít khi thấy Hoàng học bài. Về đến nhà chơi game, xem review phim… đến tận gần 21h mới bắt đầu lấy bài ra học. Có hôm chẳng thấy học gì luôn. Chú mong con trưởng thành, biết suy nghĩ để ba mẹ an tâm làm việc. Ngoài ra, chú cũng sẽ bớt nóng tính, lắng nghe con cái chia sẻ hơn là rầy la.

Để gia đình có thể đồng hành cùng bạn thì chính bạn cần mở lòng chia sẻ với ba mẹ, còn ba mẹ hãy tôn trọng và lắng nghe con cái. Vì cuộc sống nhiều lo toan, đôi lúc ba mẹ tỏ ra khó chịu nhưng tất cả đều muốn tốt cho con cái thôi mà!


Hết hồn vì có công an tìm đến nhà

Dù thời gian đã trôi qua lâu nhưng chị vẫn còn nhớ câu chuyện của một người mẹ có con học trường cấp 2 tại TP.HCM. Lúc đó, cô đang buôn bán ở quận Tân Bình thì bất ngờ công an tìm đến cửa tiệm.

Công an cho biết con trai của cô bị một số người bắt nạt, trấn lột nhiều lần với số tiền hơn 110 triệu đồng. Nghe đến đâu cô ngạc nhiên đến đó. Mỗi ngày đi học, cô chỉ cho con vài chục ngàn thì sao ở đâu ra số tiền nhiều đến vậy?

Theo chia sẻ từ con trai, cô được biết mấy lần đầu bị trấn lột vài chục ngàn, con trai còn có tiền nộp. Tuy nhiên, khi số tiền lên đến vài trăm, rồi vài triệu, con trai bắt đầu túng quẫn, hoảng loạn. Rồi bạn bắt đầu để ý chìa khóa giấu tiền của ba mẹ và ăn cắp.

Lúc tâm sự với chị, cô bày tỏ niềm tiếc nuối do cô quá bận rộn, ít dành thời gian chuyện trò với con nên mới xảy ra cớ sự thế này. Cô thương con vì bị những người không tốt la mắng, trấn lột nhiều lần.

Từ chuyện này, cô sẽ quan tâm con nhiều hơn nữa. Trong khi đó, con trai cô ân hận vì đã không mở lòng mình chia sẻ những rắc rối cùng ba mẹ.



Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: