Bên trong lớp học đặc biệt, giáo viên chỉ hơn học trò vài tuổi

Thứ năm, 15/08/2024 20:19 (GMT+7)

Hai năm qua, có những lớp học thật đặc biệt, ở đó giáo viên là các bạn học sinh, sinh viên còn học trò là những bạn tại mái ấm.

Bên trong lớp học đặc biệt, giáo viên chỉ hơn học trò vài tuổi- Ảnh 1.

Bạn Phan Nguyễn Đồng Khởi (16 tuổi) trong khoảnh khắc đáng yêu cùng em học trò - Ảnh: NVCC

Dạy học cho trẻ em ở mái ấm

Trái tim yêu thương là dự án được thành lập bởi cô bạn gen Z Bùi Phương Thanh (16 tuổi, du học sinh Mỹ) vào tháng 7-2022. Công việc chính của dự án là tổ chức các buổi dạy học cho trẻ em tại các mái ấm.

Phương Thanh cho biết, những tình nguyện viên tham gia giảng dạy là các bạn học sinh cấp 3 trở lên, trong đó có cả những sinh viên đang theo học ngành sư phạm. Thường các tình nguyện viên chỉ lớn hơn các bạn “học trò” vài tuổi.

Bên trong lớp học đặc biệt, giáo viên chỉ hơn học trò vài tuổi- Ảnh 2.

Phương Thanh trò chuyện cùng một em học sinh tại Trường Phổ cập phường 25,quận Bình Thạnh - Ảnh: NVCC

Hè năm 2022, lần đầu tiên Phương Thanh đứng lớp, bạn đã bị “cháy” giáo án. Vì các em được học quá nhiều từ vựng tiếng Anh mới mà không theo kịp. Nhưng không vì thế mà Thanh bỏ cuộc.

Cô bạn đã tạo hứng thú bằng cách cho các em nặn động vật bằng tên tiếng Anh. Khi khác, Thanh cho các em chơi Kahoot (công cụ học tập trên nền tảng trò chơi). Thanh cho biết, sau một năm, tiếng Anh của các em đã tiến bộ hơn rất nhiều. Đến hiện tại có một vài em chuẩn bị ôn thi IELTS.

Nguyễn Đăng Hoàng Long (sinh viên năm hai, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đồng trưởng dự án) cho biết, trong kỳ hè, trước khi bắt đầu dạy, các bạn sẽ lên trước kế hoạch và giáo án dạy cho cả một kỳ.

Mùa hè các lớp chủ yếu được học tiếng Anh và STEAM. Long cho các em thực hành bằng cách chuẩn bị bìa các tông, nắp chai, que kem, ống hút và bong bóng để cùng làm xe phản lực.

Còn trong năm học, các bạn sẽ bám sát vào chương trình dạy trong sách giáo khoa, giải đáp những thắc mắc trên trường của các em. Bên cạnh đó, các “gia sư” sẽ hỗ trợ các học trò làm bài tập về nhà, ôn tập cho bài kiểm tra và mở rộng thêm những phần mà các em muốn tìm hiểu.

Gen Z nỗ lực cải thiện chất lượng dạy học

Nhớ lại lần đầu tiên đứng lớp, Long có chút lo lắng vì sợ mình giảng bài khó hiểu, hay cách tiếp cận của mình không thú vị khiến các em mất hứng thú. Chính vì vậy bạn cùng các thành viên dự án luôn xem xét lại thật kỹ nội dung các bài học đã đủ hấp dẫn chưa.

Ngoài ra các bạn còn trao đổi, góp ý nhau về cách giảng bài để cải thiện chất lượng cho buổi học tiếp theo.

Lớp học được chia theo từng nhóm nhỏ khoảng 4 - 6 em học sinh, mỗi nhóm có một anh chị tình nguyện viên phụ trách. Nên dù đứng lớp chính, Long vẫn cảm thấy đỡ áp lực hơn vì có sự đồng hành, hỗ trợ từ các bạn tình nguyện viên khác.

Một điều mà Long rút ra rằng, thay vì tạo khoảng cách “thứ bậc” với các em khi dạy học, việc đóng vai “một người bạn lớn” sẽ khiến cho không khí lớp học trở nên thoải mái hơn.

Long cho biết, khó khăn lớn nhất đối với bạn là giữ được sự kiên nhẫn và có phương pháp tiếp cận phù hợp với cách học của từng em học sinh. Vì đa số các em đều có nền tảng học tập chưa tốt, cũng có em bị tăng động giảm chú ý, nên bạn phải thường xuyên lặp lại lời giảng nhiều lần và giới thiệu lại những kiến thức cũ mà các em đã quên.

Vì vậy, việc tìm ra phương pháp giảng dạy vừa hiệu quả vừa không gây áp lực cho các em là một thử thách lớn không chỉ đối với Long mà còn với các bạn tình nguyện viên khác.

Thành viên dự án đã đến dạy học tại mái ấm Bà Chiểu, mái ấm Thiên Ca, Trường Phổ cập phường 25 (quận Bình Thạnh). Và trong hè này, các bạn tổ chức giảng dạy tại mái ấm Tâm Đức (quận 4).

Những kỷ niệm đong đầy của thầy cô gen Z

Là du học sinh, mỗi năm Phương Thanh mới đến mái ấm dạy trong dịp hè. Nhưng khi gặp lại cô bạn, các em vẫn sẽ chạy từ trên lầu xuống, hét thật to “Chị Thanh!” và ôm bạn thật chặt.

Thanh nhận được rất nhiều thư cảm ơn từ các em, dòng chữ cong cong, nắn nót viết. Cô bạn cảm động lắm. Dù chỉ mấy chữ nhưng Thanh biết rằng, các em rất ít khi bày tỏ cảm xúc, phải thương lắm các em mới viết như vậy.

Một lá thư dễ thương các thầy cô gen Z nhận được - Ảnh: NVCC

Một lá thư dễ thương các thầy cô gen Z nhận được - Ảnh: NVCC

Còn Hoàng Long cho biết, kỷ niệm đáng nhớ khi đi dạy của bạn nhiều không kể hết. Từ việc được các em đòi bế cho đến tổ chức sinh nhật, Giáng sinh cùng các em. Tuy vậy, có một kỷ niệm hài hước mà Long nghĩ rằng sẽ nhớ mãi, đó là sự cố “ngón tay giữa”.

Trong một lần dạy học, vì bị Long càu nhàu về bài tập về nhà, một em học sinh đã giơ ngón tay giữa trước mặt bạn. Lúc ấy Long vừa bỡ ngỡ, vừa không hiểu sao lại thấy buồn cười, vì bạn biết tính em học sinh ấy vốn tinh nghịch.

Khi Long hỏi lại dấu hiệu này nghĩa là gì, em ấy vội trả lời rằng ngón tay giữa nghĩa là “anh Long giỏi, anh Long đẹp trai đó”. Vậy là cả hai cùng phá lên cười giữa tiết học. Và từ đó về sau, các bạn vẫn hay dùng ngón tay giữa với nhau như một cách khen nhau giỏi, làm tốt.

Long rất vui vì sau đó em học sinh ấy đã đậu vào ngành Giáo dục mầm non và có thể theo đuổi đam mê làm giáo viên của mình. Thỉnh thoảng các bạn vẫn liên lạc với nhau và cùng trò chuyện về mái ấm.

Long nói, nhờ có dự án mà bản thân đã trở nên tốt hơn. Long cảm thấy mình kiên nhẫn, bình tĩnh, khéo léo, và mềm mỏng hơn. Là một sinh viên ngành giáo dục, bạn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tâm lý trẻ xuyên suốt quá trình dạy học.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: