Bí kíp làm bài trắc nghiệm nhanh và đúng

avatar AN AN - PHI LÊ

Thứ tư, 08/11/2023 19:40 (GMT+7)

“Đề dài quá, chưa kịp đọc đã hết giờ”, “Chỉ 15 phút mà tới tận 20 câu”… là những tình huống mà tụi mình hay gặp khi kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm.

Kiểm tra 15 phút bằng hình thức trắc nghiệm, tưởng dễ mà lại khó

Hiện nay, đa số các bài kiểm tra 15 phút ở lớp thường là trắc nghiệm. Hình thức ra đề này đòi hỏi chúng mình phải đọc đề kỹ, tính toán nhanh để cho ra kết quả chính xác. Tuy nhiên, nhiều bạn lại không đủ thời gian làm bài, dẫn đến tình trạng... khoanh đại.

Bạn Hồ Anh Thư (Trường THPT Tam Phú, TP.Thủ Đức) từng kiểm tra 15 phút môn Giáo dục công dân bằng hình thức trắc nghiệm. Đề bài có 10 câu nhưng Thư vẫn làm không kịp bởi đề khá dài. Việc vừa đọc, vừa phân tích tình huống khiến cô bạn mất thời gian.

“Chỉ có một vài câu là hỏi về định nghĩa, điền vào chỗ trống. Khi làm xong, mình không có thời gian để kiểm tra đáp án mà phải nộp luôn” - Anh Thư cho biết.

15 phút trắc nghiệm sóng gió - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Không chỉ Anh Thư mà bạn Nguyễn Quang Hiếu (Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11) cũng bối rối khi kiểm tra 45 phút môn Tiếng Anh vừa trắc nghiệm vừa tự luận. Đề có nhiều câu dài, gài bẫy.

Không những thế, bạn phải tô vào ô trắc nghiệm ở phía dưới bài chứ không được khoanh trực tiếp lên mỗi câu. Vì vậy Hiếu phải mất thời gian kiểm tra xem mình có tô đúng ô hay không.

Còn cô bạn Nguyễn Ngọc Trà My (Trường THPT Hiệp Bình, TP. Thủ Đức) từng khoanh lộn đáp án giữa hai câu. Bạn nhớ lại: “Lần đó, mình kiểm tra trắc nghiệm môn Toán. Do có hai câu na ná nhau, chỉ thay đổi số liệu nên mình khoanh nhầm, rồi có tận hai câu mình chưa khoanh. Cũng may cuối giờ còn dư thời gian nên mình đã kịp kiểm tra và khoanh lại”.

Làm bài trắc nghiệm sao cho nhanh và đúng?

Bạn Trần Gia Huy (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình) chia sẻ, khi gặp đề trắc nghiệm, điều đầu tiên là bạn sẽ nhìn lướt một lượt, sau đó đánh dấu những câu dễ, ngắn để làm trước.

Sau khi làm xong câu dễ, bạn tập trung cho những câu mất thời gian hơn. Câu nào không làm được hãy bỏ qua, còn thời gian có thể làm lại. Đó là cách để bạn kịp thời gian làm nhiều câu hỏi trong một thời gian ngắn.

Mẹo làm tốt bài trắc nghiệm

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương (giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. Thủ Đức) cũng “bật mí” một số mẹo để chúng mình làm bài tốt.

+ Các bạn nên có một cuốn sổ tay riêng để note và thống kê những câu trắc nghiệm mình hay sai, thay vì cứ làm nhiều đề nhưng lỗi sai cứ lặp đi lặp lại.

Ví dụ như câu hỏi: “Có bao nhiêu chất có thể thực hiện loại phản ứng này”, học sinh thường có thói quen chọn đại các chất theo cảm quan. Thay vào đó các em nên tập thống kê những chất thỏa yêu cầu theo từng chương, từng bài vào sổ tay, cần thì xem lại ngay để in sâu kiến thức.

15 phút trắc nghiệm sóng gió - Ảnh 3.

Cô Quỳnh Phương - Ảnh: NVCC

+ Nên chú trọng việc học thực hành, quan sát thí nghiệm. Những nội dung này sẽ hỗ trợ trong việc giải đáp các câu hỏi trong đề, vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong chương trình.

+ Ngoài ra, các bạn cũng nên rèn thêm kỹ năng đọc đề, chọn lọc thông tin, loại những đáp án sai để dễ dàng hơn trong việc làm trắc nghiệm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: