Bỏ túi ngay bí quyết giúp sinh viên 'săn' điểm rèn luyện

Thứ sáu, 01/11/2024 21:49 (GMT+7)

Bên cạnh điểm học tập, điểm rèn luyện cũng là một thang đo quan trọng, đánh giá mức độ chuyên cần của sinh viên.

Gia Hân kiếm điểm rèn luyện trong các hoạt động vào ngày lễ - Ảnh: NVCC

Gia Hân kiếm điểm rèn luyện trong các hoạt động vào ngày lễ - Ảnh: NVCC

Khác với cấp 3, khi lên đại học, các sinh viên sẽ có thêm mục điểm rèn luyện (theo thang điểm 100) để ghi lại quá trình tham gia các phong trào, hoạt động câu lạc bộ, Đoàn - Hội của khoa, của trường tổ chức.

Điểm rèn luyện không chỉ phản ánh sự năng động, tích cực của sinh viên trong các hoạt động, mà còn là tiêu chuẩn xét duyệt hạnh kiểm và học bổng của trường đại học. Thậm chí đây còn là một tiêu chí quan trọng khi các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp sau này.

Tham gia các cuộc thi học thuật, phong trào

Với mong muốn có học bổng trong học kỳ này, bạn Anh Thư (sinh viên năm nhất, Đại học Kinh tế TP.HCM) đã siêng năng kiếm điểm rèn luyện. Theo Thư, để đạt được học bổng, ngoài việc có điểm học tập loại giỏi, sinh viên cần có điểm rèn luyện trên 80 điểm.

Ngay từ khi bước vào môi trường đại học, Thư đã tích cực tham gia các buổi workshop, talkshow do Đoàn - Hội trong khoa tổ chức.

Anh Thư tham gia hoạt động vẽ tranh trên túi - Ảnh: NVCC

Anh Thư tham gia hoạt động vẽ tranh trên túi - Ảnh: NVCC

Không những thế, cô bạn cũng tham gia các cuộc thi về học thuật để vừa tích lũy kiến thức vừa săn được điểm rèn luyện. Vì có tài năng ca hát, cô bạn còn đăng ký thêm nhiều hoạt động về ca nhạc của trường để thoả thích đam mê nhưng vẫn được cộng điểm.

Bạn Bảo Trân (sinh viên năm nhất, Trường đại học Tôn Đức Thắng) từng tham gia quay MV hành khúc của trường. Mặc dù việc này đòi hỏi phải tập luyện vất vả, đứng ngoài nắng khá lâu nhưng lại giúp cô bạn nâng cao điểm rèn luyện, có thêm nhiều bạn mới và tăng khả năng làm việc tập thể.

Liên tục cập nhật tin tức hoạt động trên mạng xã hội

Với bạn Gia Hân (sinh viên năm nhất, Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM), việc theo dõi và nhận thông báo trên mạng xã hội của Đoàn - Hội, câu lạc bộ ở trường là cách để Hân biết tất tần tật hoạt động có thể kiếm điểm rèn luyện.

Cô bạn thường chủ động tìm kiếm những buổi âm nhạc, các bài trắc nghiệm, điền vào ô trống, chơi trò chơi hoặc chụp với những tấm phích của câu lạc bộ để tăng thêm điểm.

Đặc biệt, theo Hân chia sẻ, ở khoa của cô bạn, nếu muốn đủ điều kiện tốt nghiệp cần phải tham gia đủ 8 sự kiện do Đoàn trường tổ chức.

Cùng với đó, các sinh viên cần phải tham gia thêm 4 hội thảo chuyên đề liên quan đến ngành học.

Do vậy, ngoài việc học, Hân còn cố gắng tham gia các mục hoạt động để đạt được những yêu cầu của khoa đưa ra.

Xung phong làm cán bộ lớp, nghiên cứu khoa học

Đạt 90/100 điểm rèn luyện vào năm nhất đại học, bạn Phương Di (sinh viên năm hai, Đại học Kinh tế TP.HCM) còn gợi ý việc xung phong làm cán bộ lớp, Đoàn - Hội, thực hiện nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, việc tích cực chia sẻ những thông tin, tham gia làm cộng tác viên, đi học đầy đủ, sinh viên cũng đã có cơ hội nắm trong tay 80 điểm rèn luyện. Mọi năm, các trường sẽ tổ chức vài đợt hiến máu, sinh viên tham gia có thể góp phần vào hoạt động tình nguyện ý nghĩa, nhận được quà tặng và cộng điểm.

Tuy vậy, các bạn sinh viên không nên chỉ tập trung vào việc làm sao để kiếm thật nhiều điểm rèn luyện mà quên mất mục đích chính là phát triển bản thân, học tập. Việc tham gia vào các hoạt động nên xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn học hỏi, chứ không phải chỉ là "điểm số".

Các sinh viên có thể tận dụng những cơ hội này để rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm, mở rộng kiến thức và xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè cùng trường.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: