Bí kíp giúp tân sinh viên vượt ải thuyết trình thành công

Thứ sáu, 27/09/2024 06:27 (GMT+7)

Kỹ năng thuyết trình tốt là một hành trang vững chắc giúp tân sinh viên có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình học đại học.

Bí kíp giúp tân sinh viên vượt ải thuyết trình thành công- Ảnh 1.

Thuyết trình là kỹ năng vô cùng cần thiết cho sinh viên - ẢNH TẠO BỞI COPILOT AI

Tại môi trường đại học, kỹ năng thuyết trình là một trong những yêu cầu cần thiết trong các bài tập của các môn học. Việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình sẽ giúp tân sinh viên thêm phần tự tin hơn cũng như có thể gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè và giảng viên.

Thuyết trình ở đại học khác với cấp 3 như thế nào?

Từ một cô bạn còn nhút nhát, tự ti mỗi lần phải thuyết trình ở những năm học cấp 3, giờ đây, Đỗ Thị Phương Mai (sinh viên năm 4, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) ngày càng thành thạo hơn và nhiều lúc còn tự xung phong thuyết trình. 

Đó là thành quả của quá trình Phương Mai cọ xát với rất nhiều lần thuyết trình trên đại học. Từ đó nâng cao kỹ năng thuyết trình của bản thân mình.

Bí kíp giúp tân sinh viên vượt ải thuyết trình thành công- Ảnh 2.

Đỗ Thị Phương Mai hiện đang là sinh viên năm 4, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - Ảnh: NVCC

Phương Mai nhận thấy, điểm khác biệt lớn nhất của việc thuyết trình trên đại học và cấp 3 cũng như các cấp học khác chính là tần suất. 

Nếu như những cấp học dưới thì bạn chỉ cần thuyết trình vài môn học, mỗi môn 1, 2 lần. Thì giờ đây, hầu như môn nào cũng phải thuyết trình ít nhất một lần. Có môn đến 5, 6 lần.

Với Phương Mai thì lần thuyết trình đáng nhớ nhất chính là trong môn thiết kế ấn phẩm truyền thông. Lần đó, Mai đảm nhận vai trò trưởng nhóm của hơn 10 thành viên. Vì thế bạn phải phân công công việc cùng với việc bao quát, quan sát chung tiến độ làm việc của nhóm.

Ngoài ra, Mai cho rằng việc phản biện khi thuyết trình trên đại học cũng diễn ra thường xuyên hơn vì sau mỗi bài thuyết trình bạn sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi và góp ý từ các nhóm khác. Từ đó có thể dẫn đến việc một số bạn không quen phản biện sẽ dễ bị ngộp hoặc bối rối.

Còn bạn Trương Gia Hân (sinh viên năm nhất, khoa xét nghiệm y học, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng) thì cho rằng khi thuyết trình trên đại học, sinh viên phải đối diện với số lượng "khán giả" vô cùng đông đảo.

Gia Hân chia sẻ: "Nếu như ở cấp 3 thì khi thuyết trình, tụi mình chỉ đối diện với khoảng 30 đến 40 bạn. Tuy nhiên khi lên đại học, đôi khi tụi mình phải thuyết trình trước hàng trăm người tại giảng đường lớn. Chính vì thế mà nhiều bạn sẽ dễ cảm thấy run và lo lắng nhiều hơn trước đây".

Các cách làm mà sinh viên đã áp dụng để thuyết trình tốt hơn

Với bạn Phương Mai thì việc nắm rõ nội dung bài học là một bước vô cùng quan trọng trước khi thuyết trình. 

Để làm được điều này, sinh viên cần tìm hiểu kỹ về nội dung mình sắp nói và thuộc các ý chính. Từ đó phát triển ra thành bài thuyết trình hoàn chỉnh.

Mai chia sẻ: "Theo mình, việc mà sinh viên cần tránh chính là cầm tài liệu lên đọc hoặc chỉ đọc lại nội dung trên slide thuyết trình chứ không thật sự trình bày nội dung bài học bằng ngôn ngữ của mình. Như vậy sẽ dễ gây nhàm chán cho bài thuyết trình và giảm sức thuyết phục của bài nói. Ngoài ra việc này cũng phần nào đánh giá mức độ đầu tư mà bạn dành cho môn học nữa đó".

Phương Mai gợi ý rằng sinh viên có thể thuyết trình thử trước gương hoặc thuyết trình cho các thành viên cùng nhóm. Điều này sẽ giúp bạn biết mình còn chưa vững ở nội dung nào để bổ sung. 

Ngoài ra đây cũng là cách kiểm soát thời lượng bài nói cũng như luyện tập trước các ngôn ngữ hình thể, ánh mắt và tác phong khi thuyết trình.

Bí kíp giúp tân sinh viên vượt ải thuyết trình thành công- Ảnh 3.

Gia Hân tìm đọc những cuốn sách liên quan đến giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông để bổ trợ cho những lần thuyết trình của bản thân trở nên lôi cuốn, sinh động hơn - Ảnh: NVCC

Gia Hân thì thường sẽ xem lại các slide thuyết trình nhiều lần trước khi buổi thuyết trình diễn ra. Vì theo bạn, việc nắm được các nội dung có trên slide, hiệu ứng và thời gian xuất hiện của các slide sẽ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh tốc độ, thời lượng nói của từng phần. Từ đó phối hợp ăn ý với slide và tăng độ hiệu quả cho bài nói.

Ngoài ra, Gia Hân cũng hay tìm đọc những cuốn sách liên quan đến giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông để những lần thuyết trình của bản thân trở nên lôi cuốn, sinh động hơn.

Bạn Lê Hoàng Chi Lan (sinh viên năm nhất ngành quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) đã có nhiều năm kinh nghiệm từ những năm học cấp 2 đến hiện tại. Khi thuyết trình trên đại học, Chi Lan cho biết trang phục cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Bí kíp giúp tân sinh viên vượt ải thuyết trình thành công- Ảnh 4.

Chi Lan có kinh nghiệm thuyết trình từ những năm cấp 2 - Ảnh: NVCC

Bạn cho rằng sinh viên nên mặc các trang phục thật vừa vặn để giúp bản thân thoải mái. Cần ưu tiên các trang phục kín đáo, lịch sử, thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp nói trước nhiều bạn học và giảng viên như áo sơ mi, quần dài,... Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm về tóc tai và giày dép sao cho gọn gàng và phù hợp hoàn cảnh.

Với những bạn sinh viên hay bị run, hồi hộp trước đám đông, Chi Lan chia sẻ rằng để đỡ căng thẳng thì bạn nên nhìn vào mũi hoặc nhân trung của những người đối diện thay vì nhìn vào mắt. Còn về giọng nói, Chi Lan thường nói với âm lượng vừa đủ, không cố gắng hét lớn hoặc nói quá to sẽ dễ bị hụt hơi. Bạn cũng lưu ý rằng nên hạn chế dùng từ ngữ địa phương khi thuyết trình.

"Trước mỗi bài thuyết trình, mình sẽ soạn sẵn dàn ý ra giấy và tập luyện trước. Trên các slide thuyết trình, mình sẽ in đậm các từ ngữ quan trọng và phóng to các hình ảnh cần nhấn mạnh. Và "vũ khí" quan trọng nhất của mình chính là nụ cười. Mình luôn cười thật tươi để thêm phần tự tin cũng như mang lại không khí sôi nổi, nhiệt huyết cho bài thuyết trình", Chi Lan cho biết.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: