Sinh viên cắt giảm chi tiêu - tiết kiệm nhưng đừng sai cách

Thứ năm, 26/09/2024 13:50 (GMT+7)

Khi đứng trước bài toán quản lý chi tiêu, có bạn sinh viên lựa chọn cắt giảm chi phí ăn uống. Tuy nhiên, về lâu dài, cách làm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sinh viên cắt giảm chi tiêu - tiết kiệm nhưng đừng sai cách- Ảnh 1.

Bữa cơm của sinh viên xa nhà - Ảnh: CTV

Muôn kiểu "thắt lưng buộc bụng" của sinh viên

Bạn Danh Thị Ngọc Hân (18 tuổi, sinh viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM - HUTECH) đã có 3 tuần làm quen với cuộc sống ở kí túc xá. 

Thay vì có đồ ăn được mẹ nấu sẵn mỗi ngày, với cuộc sống tự lập mới, Ngọc Hân nhiều lần "đau đầu" với câu hỏi hôm nay gì. Nhiều lúc, mì gói là lựa chọn vừa chống ngán vừa tiết kiệm của Ngọc Hân.

Cũng ở kí túc xá, trong những tháng đầu năm nhất, L.T.N.Q (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ có khi bạn ăn cơm chay 5 ngày trong 1 tuần. 

N.Q chọn cơm chay vì giá rẻ và nhiều rau. Buổi trưa những ngày học hai buổi ở trường, bạn cũng chọn ăn tại các quán cơm ở vỉa hè thay vì cơm trong căn tin. 

N.Q cảm thấy thoải mái với điều này vì với khoản tiền tiết kiệm được, bạn dành để mua sắm quần áo và những khoản cần thiết khác.

Khi còn là sinh viên năm nhất, với khoảng 1,6 triệu đồng/tháng được gia đình chu cấp, Lê Thu Thành (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing) phải tính toán cho tiền ăn uống, xăng xe, tài liệu học... Vậy nên, bạn thắt khá chặt trong các khoản chi.

Bạn cho biết: "Điều kiện kinh tế gia đình mình cũng không quá tốt nên mình chỉ cố gắng để đỡ đần thôi".

Dù học tại cơ sở ở quận 7 nhưng bạn chọn ở trọ tại quận 9. 

Thu Thành nói: "Thà tiền xăng khoảng 200.000 đồng/tháng đỡ hơn là tăng tiền trọ và tiền dịch vụ khác. Năm 3 học cũng ít nên mình vẫn chọn gắn bó với chỗ ở hiện tại."

Thời gian đầu, khi chưa có nguồn thu nào khác, thỉnh thoảng Thành cũng rơi vào tình trạng "kẹt tiền" do mua tài liệu học tập hoặc tiền xăng tăng lên. 

Những lúc như vậy, bạn chọn cắt khoản tiền ăn và bỏ qua bữa ăn sáng. Đối với các bữa ăn trong ngày, Thành sẽ nấu đơn giản hơn và nấu 1 lần ăn 2-3 bữa.

Việc nhịn ăn sáng trở thành thói quen và bạn chấp nhận điều này dù biết nó không hề tốt cho sức khỏe. Về sau, khi có thêm thu nhập, Thành cũng dần khắc phục thói quen đó.

Giải pháp của người trong cuộc

Chấp nhận việc chỉ ăn uống tại các quán ăn do đang ở tại kí túc xá, bạn Thái Bảo An (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) chọn cách quy định chi tiêu tối đa trong một ngày. 

Một phần ăn ở trong kí túc xá thường có giá dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng. Vậy nên, mỗi ngày, Bảo An đặt quy tắc chỉ ăn tối đa 100.000 đồng. Thực tế, chỉ tốn khoảng 75.000 đến 80.000 đồng, với số tiền còn lại, Bảo An sẽ "tích góp lại để cho nhu cầu xăng xe, điện nước hoặc mua sắm thêm".

Bên cạnh giá cả, Bảo An cũng quan tâm đến việc đảm bảo dinh dưỡng. Bạn thường ưu tiên lựa chọn cơm thập cẩm có nhiều món, những nơi có thêm cơm, canh hoặc rau miễn phí. Với Bảo An, bạn ưu tiên đủ chất, thay vì ăn no bụng với toàn tinh bột và đồ chiên.

Còn đối với Thu Thành, để cải thiện tình trạng này, bạn chọn đi làm thêm. Công việc làm thêm vừa mang lại thu nhập vừa bao cơm miễn phí. Vậy nên, từ khi đi làm, việc ăn uống của bạn cũng được cải thiện hơn. 

Cũng như Thu Thành, sau khi làm quen môi trường mới, N.Q tìm kiếm công việc làm thêm. Với thu nhập có được, N.Q thêm vào khoản học phí để đỡ đần cho gia đình. Từ trải nghiệm của bạn thân, N.Q khuyên các bạn nên tìm giải pháp phù hợp để thoải mái hơn trong chi tiêu thay vì tiết kiệm quá mức.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: