Cách trị mùi hôi áo mưa và mùi nón bảo hiểm khi gặp mưa

Thứ tư, 18/09/2024 22:39 (GMT+7)

Dưới đây là những cách đơn giản, dễ thực hiện, giúp teen giữ cho áo mưa và nón bảo hiểm luôn thơm tho, khô ráo trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Cách trị mùi hôi áo mưa và mùi nón bảo hiểm khi gặp mưa- Ảnh 1.

Vệ sinh sạch sẽ, khử mùi áo mưa và nón bảo hiểm bị ướt mưa là vô cùng cần thiết - Ảnh minh họa bởi bởi AI

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, thời tiết TP.HCM và nhiều khu vực thuộc Nam Bộ có mưa to nhiều ngày, dự đoán có thể kéo dài cả tuần.

Trong điều kiện thời tiết này, việc phải di chuyển dưới trời mưa làm cho đồ dùng cá nhân dễ bị ẩm ướt, gây mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, áo mưa là vật dụng chính tiếp xúc với nước mưa, bụi bẩn và mồ hôi từ cơ thể, dễ trở thành nơi tích tụ vi khuẩn gây mùi. 

Để vệ sinh áo mưa đúng cách, teen lưu ý những "gạch đầu dòng" sau đây:

Nhớ giặt áo mưa định kỳ

Nhiều bạn có thói quen gấp gọn áo mưa ngay sau khi sử dụng. Tuy nhiên, bạn nên treo áo mưa hoặc trải rộng ra sau mỗi lần sử dụng và để khô tự nhiên, tránh gấp lại khi còn ướt.

Ngoài ra, nước mưa không thể "tẩy rửa" áo mưa sạch hoàn toàn được. Áo mưa vẫn cần được giặt định kỳ bằng nước sạch và xà phòng. Với những chiếc áo mưa cao cấp, teen có thể tìm mua dung dịch giặt chuyên dụng để không làm hỏng chất liệu.

Khử mùi với giấm trắng hoặc baking soda

Giấm trắng là một trong những chất khử mùi tự nhiên cực kỳ hiệu quả mà đa số các gia đình đều có. Hòa giấm vào nước và ngâm áo mưa trong đó khoảng 30 phút trước khi giặt sạch.

Nếu nhà không có giấm, teen có thể thay thế bằng bột baking soda: rắc trực tiếp một chút lên bề mặt trước khi giặt để loại bỏ mùi hôi.

Phơi áo mưa ở nơi thoáng gió hoặc có nắng

Sau khi giặt sạch, cần phơi ngay áo mưa dưới nắng sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn và làm khô áo nhanh chóng. Nếu không có nắng, bạn có thể phơi ở nơi nhiều gió hoặc sử dụng quạt để làm khô.

Nên có khoảng 2 chiếc áo mưa để thay thế và đảm bảo vệ sinh khi điều kiện thời tiết không thuận lợi - dự báo có mưa lớn liên tiếp nhiều ngày.

Khử mùi nón bảo hiểm bị ướt

Trên một số nhóm học sinh tại các trường THPT, nhiều bạn dở khóc, dở cười khi nón bảo hiểm biến thành "bể nuôi cá" sau các tiết học trên lớp vì trời mưa. Ngoài ra, dù đã nhớ úp nón xuống, nón bảo hiểm sau khi đi mưa về vẫn bị ẩm và có mùi khó chịu.

Cách trị mùi hôi áo mưa và mùi nón bảo hiểm khi gặp mưa- Ảnh 2.

Đừng để mùi hôi khó chịu của nón bảo hiểm làm bạn mất tự tin - Ảnh minh họa bởi bởi AI

Thực tế, nón bảo hiểm rất dễ thành ổ vi khuẩn nếu không được vệ sinh kĩ, trong khi đây là món đồ thiết yêu các bạn học sinh, sinh viên sử dụng hàng ngày. Việc giữ nón bảo hiểm luôn sạch sẽ rất quan trọng.

1. Vệ sinh lớp lót nón bảo hiểm

Hiện nay, nhiều loại nón bảo hiểm có phần lớp lót có thể tháo rời. Bạn chỉ cần chú ý tháo lớp lót ra để giặt bằng xà phòng hoặc dung dịch khử mùi chuyên dụng.

Nếu lớp lót không tháo rời được, hãy dùng khăn ẩm thấm nước xà phòng để lau sạch bên trong hoặc tìm đến lớp lót bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử, giá rẻ lại dễ sử dụng và thay đổi.

2. Sử dụng nguyên liệu tự nhiên đánh bay mùi khó chịu

Than hoạt tính hoặc túi trà khô có khả năng hút ẩm và khử mùi rất tốt. Bạn có thể đặt chúng vào bên trong nón bảo hiểm qua đêm để hút ẩm và loại bỏ mùi khó chịu ngay sau khi làm khô nón lúc đi mưa về.

3. Phơi nón bảo hiểm

Sau mỗi lần đội nón bảo hiểm trong trời mưa, bạn nhớ phơi nón ở nơi thoáng khí, tránh việc tiếp tục để nón trong cốp xe hoặc phòng kín. Điều này giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mùi.

Một số mẹo khử mùi khác mà bạn có thể thử

Sử dụng xịt khử mùi hoặc tinh dầu: Trên thị trường, có rất nhiều loại xịt khử mùi dành riêng cho quần áo và nón bảo hiểm giá "hạt dẻ". Xịt trực tiếp dung dịch chuyên dụng hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu vào bông gòn và đặt trong nón bảo hiểm, túi đựng áo mưa để tạo hương thơm tự nhiên.

Đây là mẹo của bạn Dương Vân Anh (lớp 12, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang). Vân Anh lưu ý: "Bạn nên chọn mua những sản phẩm có thành phần tự nhiên để không gây kích ứng da".

Chọn loại áo mưa và nón bảo hiểm có khả năng chống thấm: Những loại áo mưa làm từ chất liệu cao cấp như PVC, nylon chống thấm,… sẽ giảm thiểu việc áo ngấm nước mưa, từ đó hạn chế tình trạng mùi hôi.

Đầu tư một chiếc bảo hiểm "xịn xò" có hệ thống thoáng khí cũng giúp teen hạn chế ẩm ướt, giúp da đầu không bị bết mồ hôi khi đội trong thời gian dài.

Thường xuyên kiểm tra và thay thế: Đối với các vật dụng như áo mưa và nón bảo hiểm, nhiều bạn có thói quen sử dụng từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên, tuổi thọ của chúng không phải là mãi mãi.

"Nếu nhận thấy áo mưa bị rách, lớp lót nón bảo hiểm quá bẩn và không thể làm sạch hoàn toàn sau một thời gian dài sử dụng, mình thường mạnh dạn thay mới để đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái" - bạn Thùy Trâm (sinh viên Trường đại học Luật TP.HCM) bật mí.

Việc giữ áo mưa và nón bảo hiểm luôn sạch không chỉ giúp bạn thoải mái hơn khi sử dụng, mà còn đảm bảo sức khỏe. Mùi hôi ngoài gây khó chịu còn là dấu hiệu của sự phát triển vi khuẩn, gây nên các vấn đề về da như mụn, viêm da hoặc nấm da đầu,…

Vì vậy, hãy luôn duy trì thói quen vệ sinh đồ dùng cá nhân để bảo vệ sức khỏe; giúp bản thân luôn tự tin, thoải mái để học tập hiệu quả hơn nha!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: