Chuyện dạy thêm, học thêm: Nỗ lực 'gỡ rối' cho học sinh lớp 12

Thứ sáu, 28/02/2025 10:43 (GMT+7)

Ngay khi Thông tư 29 liên quan đến dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch đồng hành với học sinh lớp 12.

Chuyện dạy thêm, học thêm: Nỗ lực 'gỡ rối' cho học sinh lớp 12- Ảnh 1.

Nhiều học sinh lớp 12 lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới - Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

Sau khi tiếp nhận ý kiến của học sinh, phụ huynh về câu chuyện dạy thêm, học thêm, Mực Tím đã trao đổi với đại diện ban giám hiệu một số trường THPT và được cho biết mục tiêu lớn nhất của các trường là đảm bảo kiến thức, ổn định tâm lý để các học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thầy cô tự nguyện dạy vượt số tiết quy định

Trường THPT Thanh Hòa (Bình Phước) bắt đầu dạy ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 từ tuần sau.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Huân (phó hiệu trưởng), nhà trường căn cứ vào nguyện vọng của học sinh để mở các lớp phù hợp với nhu cầu, đảm bảo 2 tiết/môn/tuần, không thu phí.

"Ban giám hiệu đã động viên thầy cô đồng hành với các em. Nhiều thầy cô tự nguyện dạy vượt số tiết quy định (17 tiết/tuần).

Có thầy cô mỗi tuần dạy trên 20 tiết. Tất cả vì mục tiêu cung cấp đầy đủ kiến thức để học sinh thi tốt nghiệp" - thầy Huân chia sẻ.

Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) đã bố trí dạy ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.

Thầy Nguyễn Nam Sơn - hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát - khẳng định nhà trường đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Học sinh lớp 12 sẽ học các môn thi tốt nghiệp 2 tiết/môn/tuần, không thu phí. Trường đã sắp xếp lực lượng giáo viên, đảm bảo các em có đủ kiến thức thi tốt nghiệp. Thầy cô sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì học trò" - thầy Sơn chia sẻ.

Thực tế, ở huyện biên giới Mường Lát chưa có trung tâm dạy thêm nào được thành lập. Học sinh lớp 12 nếu muốn học thêm để củng cố kiến thức cũng khó lòng tìm được chỗ phù hợp. Sự đồng hành của thầy cô trong các tiết dạy ôn thi tại trường sẽ giúp các bạn yên tâm và tự tin hơn.

Đã tính đến kế hoạch "chạy nước rút"

Thầy Lương Văn Định (hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, quận 12) thấu hiểu tâm trạng của học sinh cuối cấp. 

"Thầy cô biết nhiều em đang rất chật vật. Tự học vốn là kỹ năng cần được rèn luyện theo thời gian, không phải ngày một ngày hai mà thành" - thầy Định bày tỏ.

Nhà trường đang lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho khối 12. Sau khi kết thúc năm học, trường sẽ sàng lọc danh sách học sinh cần được bồi dưỡng thêm để tổ chức lớp ôn thi "chạy nước rút".

"Các em tiếp tục được thầy cô ôn tập trong thời gian chờ thi tốt nghiệp THPT (khoảng 1 tháng). Trước mắt, nhà trường sẽ tự trích ngân sách để chi bồi dưỡng cho thầy cô đứng lớp trong thời gian đó" - thầy Định nói.

Nhiều học sinh vẫn chưa quen tự học

Bạn Vi Thị Thanh Ba (lớp 12, Trường THPT Quan Hóa, Thanh Hóa) cho biết thời gian đầu, các bạn khá hoang mang.

Hiện tại, bên cạnh việc học buổi chiều trên lớp cùng thầy cô (2 tiết/môn/tuần), Thanh Ba và bạn bè đang cùng luyện tập thói quen tự học ở nhà.

"Kiến thức nào khó quá thì nhắn tin trao đổi với nhau hoặc tự lên mạng tìm hiểu. Nhưng vẫn có rất nhiều bạn cảm thấy khó khăn do chưa quen với việc tự học" - Thanh Ba kể.

Về Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2-2025.

Thông tư 29 có 3 điểm mới nổi bật:

- Thứ nhất, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày;

- Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường;

- Thứ ba, giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định quan điểm, ban hành Thông tư 29 nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm chứ không cấm, không "siết" hoạt động này.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: