Chuyện về nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp phim Địa đạo: Từ anh du kích đào hầm đến 'anh hùng mìn gạt'

Thứ năm, 03/04/2025 22:16 (GMT+7)

Đi từ bến xe Củ Chi, chạy khoảng 10 km nữa là đến nhà của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi), nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp trong phim Địa đạo.

Chuyện về nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp phim Địa đạo: Từ anh du kích đào hầm đến 'anh hùng mìn gạt' - Ảnh 1.

Chú Tô Văn Đực bên góc lưu niệm tại nhà riêng - Ảnh:VIỆT HÙNG

Tạm ngưng nhặt những quả xoài non rụng sau vườn, chú Đực niềm nở mời tôi vào nhà. Qua lời kể của chú, một thời bom đạn kháng chiến bỗng sống dậy như những thước phim quay chậm…

Từ địa đạo vào xưởng sản xuất vũ khí

Chú Tô Văn Đực sinh năm 1942, năm nay đã 83 tuổi nhưng chú vẫn nhớ những câu chuyện xa xưa: “Nơi tôi sống là vùng giải phóng, nên bộ đội về vùng quê tôi nhiều lắm. Cha mẹ tôi mất năm tôi 8 tuổi, đi chăn trâu, bò cực quá nên năm 16 tuổi tôi xin anh đi cạo mủ cao su.

Năm đó cán bộ vận động đi lính, tôi là thanh niên địa phương tại vùng giải phóng nên đăng ký ngay. Ban đầu tôi được giao nhiệm vụ tải đạn, tải thương, kế tiếp là đào địa đạo.

Nghe mấy người đi trước kể lại, hầm bí mật xuất phát từ Phước Vĩnh An từ thời chống Pháp, người ta đào để trốn (chỉ có một miệng hầm). Đến thời chống Mỹ thì dân mình phát triển thành địa đạo, từ ấp này qua ấp kia. Dân mình hay lắm, từ bé đến lớn đều biết và tham gia đào địa đạo.

Công việc đơn giản, mình cứ làm theo trưởng ấp, người ta chỉ sao thì mình cứ theo đó mà đào. Nếu gặp lớp đất cứng quá thì mình có cuốc ngao (chiếc cuốc bằng bàn tay, miệng vừa, cán ngắn, dễ cầm và dễ cuốc lại bén nữa).

Chuyện về nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp phim Địa đạo: Từ anh du kích đào hầm đến 'anh hùng mìn gạt' - Ảnh 2.

Chú Tô Văn Đực lúc mới vào xưởng chế tạo vũ khí thô sơ - Ảnh tư liệu

Đào địa đạo được 2 năm, đến năm 1962 thì đơn vị điều tôi vô xưởng sản xuất vũ khí thô sơ. Người thầy đầu tiên dạy tôi làm quen với việc sửa chữa súng tên Tư Sưa.

Thầy Tư dạy tôi làm súng trường trang bị cho du kích, sau khi làm súng trường thành thạo rồi, tôi chuyển sang nghiên cứu làm súng ngắn K54. Vì là “tự cung tự cấp” nên những chiếc súng ngắn tôi làm ra được đem bán lấy tiền mua nguyên vật liệu.

Sáng chế độc đáo của Anh hùng mìn gạt

Dù chỉ biết chữ đủ để đọc và viết, nhưng chú Đực đã làm được nhiều điều khiến người ta ngưỡng mộ. Chú đã cải tiến từ súng ngựa trời bắn tầm gần đến súng trường bắn tầm xa cho du kích chiến đấu. Rồi chú sáng tạo khẩu súng ngắn K54 nâng cấp từ 8 viên lên 14 viên.

“Tôi chỉ biết đọc biết viết thôi, mấy cái bản vẽ không rành lắm. Tôi tự hình dung trong đầu mình ra, nói với mấy anh em trong xưởng. Mỗi người hoàn thành một công đoạn, tầm 1 tháng thì có được 1 khẩu súng trường”.

Một bước ngoặt trong những “sáng chế vũ khí” của chú Tô Văn Đực là vào năm 1966. Chú kể lại: “Năm đó xe tăng càn quét vùng Củ Chi “rát” lắm, mà mình toàn súng thô sơ, nhất là du kích làm gì có B40 để chống lại xe tăng.

Anh hùng Tô Văn Đực kể chuyện chế tạo mìn gạt - Clip: VIỆT HÙNG

Lúc ấy, anh Tám Thạnh cho tôi mượn 2 quả mìn cán. Tôi đặt ngay lỗ châu mai, cách khoảng 50 mét, xe đi ngang cán đúng thì mìn nổ. Tôi thấy tính năng của mìn hay quá, nó có thể tiêu diệt được sự càn quét của xe tăng”.

Phát hiện ra công dụng của mìn, chú lao vào nghiên cứu và sản xuất mìn cán nhằm chặn bước tiến của xe tăng địch. Nhưng để chế tạo được mìn, chú Đực khi ấy không ít lần đứng giữa ranh giới sinh tử.

Ban ngày, chú đi nhặt bom không nổ về cưa ra. “Trong loạt bom địch thả xuống, có nhiều trái bom không nổ. Có những trái to lắm, tới 300 kí. Tôi nói các anh em tránh ra hết đi, để một mình tôi xuống coi trái bom thôi.

Rồi tôi nghiên cứu cách cưa bom, lấy thuốc nổ từ những trái bom của địch và chế ra loại mìn gạt. Loạt mìn gạt này hiệu quả hơn mìn cán, chỉ cần đi ngang, vướng dây gạt cần là mìn sẽ tự kích pháo nổ” - chú Đực cho biết.

Chuyện về nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp phim Địa đạo: Từ anh du kích đào hầm đến 'anh hùng mìn gạt' - Ảnh 3.

Giấy chứng nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ cách mạng lâm thời cấp cho chú Tô Văn Đực- Ảnh tư liệu

Cũng chính vì những thành tích công phá xe tăng hiệu quả, năm 1968, nhà văn Viễn Phương đã viết cuốn tiểu thuyết lấy nguyên mẫu của chú Tô Văn Đực và đặt tên là Anh hùng mìn gạt.

Nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp trong Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối

Trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, hình tượng của chú Tô Văn Đực được thể hiện qua vai Tư Đạp (Quang Tuấn đóng).

Chú Đực chia sẻ thêm: “Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có nhờ tôi cố vấn cách đào địa đạo thế nào, cách chế tạo mìn gạt và tư vấn thêm những chi tiết về chiến tranh. Nhưng nói thiệt, phim chỉ thể hiện một phần thôi, thời đó chiến tranh ác liệt và dữ dội hơn nhiều.

Chuyện về nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp phim Địa đạo: Từ anh du kích đào hầm đến 'anh hùng mìn gạt' - Ảnh 4.

Chú Tô Văn Đực phát biểu tại buổi ra mắt phim Địa đạo - Ảnh: GALAXY

Tuy nhiên, tôi hy vọng các cháu thế hệ bây giờ khi xem phim sẽ hiểu được sự kiên cường của các cô chú du kích thời xưa, thấy được tinh thần chiến đấu bất khuất của cha ông ta trong công cuộc chống Mỹ bảo vệ đất nước”.

“Khi biết mình thể hiện vai Tư Đạp, một “nguyên mẫu” của chú Tô Văn Đực, Tuấn vui và tự hào lắm. Tuấn đã xuống nhà chú ở Củ Chi, cùng trò chuyện với chú và các cô du kích thời đó, nghe cô chú kể lại việc đào địa đạo thế nào, tâm lý khi bị giặc “bố ráp” ra sao.

Nghe và tưởng tượng ra khung cảnh ấy, rồi Tuấn sẽ diễn theo cảm nhận của mình, phân đoạn nào chưa hiểu kỹ sẽ gọi điện thoại hỏi chú thêm. Hy vọng khi phim khởi chiếu, khán giả và chú Út Đực sẽ hài lòng với phần thể hiện của Tuấn”.

Từ anh du kích đào hầm đến 'anh hùng mìn gạt' - Ảnh 7.

Quang Tuấn trong vai Tư Đạp - Ảnh: GALAXY

(Diễn viên Quang Tuấn - vai Tư Đạp)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: