Ngày 30-4 và mảnh giấy mang dấu ấn 50 năm của chiến sĩ Nguyễn Văn Thừa

Thứ tư, 02/04/2025 14:47 (GMT+7)

Cầm trên tay giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chú Nguyễn Văn Thừa (sinh năm 1947) không khỏi xúc động khi nhớ về ngày 30-4-1975 hào hùng.

Mảnh giấy mang dấu ấn 50 năm - Ảnh 3.

Chú Nguyễn Văn Thừa - Ảnh: NVCC

Từng tham gia chiến đấu trong ngày 30-4-1975 lịch sử, chú Nguyễn Văn Thừa có những ký ức không bao giờ quên. Chú kể lại: 

21 tuổi tham gia cách mạng

Sinh ra ở huyện Hóc Môn, từ nhỏ tôi đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn - Gia Định. Lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, tôi cũng sớm ấp ủ quyết tâm tham gia cách mạng.

Mùa Xuân năm 1968 tôi được Thành Đoàn huấn luyện cách sử dụng súng, lựu đạn... trong thời gian ngắn, để sẵn sàng tham gia chiến dịch Mậu Thân đợt 2 vào tháng 5-1968 với vai trò chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

Mảnh giấy mang dấu ấn 50 năm - Ảnh 1.

Hình ảnh chú Thừa chụp trong ngày 30-4-1975 - Ảnh: NVCC

Nhiệm vụ của tôi là phối hợp với các lực lượng nổi dậy tại chỗ, tiêu diệt những tên ác ôn do nhân dân cung cấp thông tin, hỗ trợ bộ đội tiến công vào Sài Gòn.

Sau chiến dịch, tôi tiếp tục bám trụ trong lòng thành phố, tham gia nhiều trận đánh khác. Tôi nhớ nhất lần mình cùng đồng đội ném chất nổ vào xe để tiêu diệt tên bộ trưởng của địch tại đường Nguyễn Du.

Sau sự kiện đó, tháng 1-1969 tôi được giao liên đưa về căn cứ ở Đồng Tháp, chính thức được kết nạp Đảng. Tiếp tục trở lại Sài Gòn hoạt động, nhưng không may tôi lộ thông tin và bị bắt.

Đó là những ngày tôi bị giam trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 2 mét vuông cùng 5 đồng đội khác, phải trải qua nhiều nhà tù từ Nha Đô Thành, khám Chí Hòa cho đến Côn Đảo suốt 5 năm.

Mảnh giấy mang dấu ấn 50 năm - Ảnh 2.

Giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh của chú Thừa - Ảnh: NVCC

Những ngày tháng 4 mãi không quên

Năm 1974, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi được trao trả về vùng giải phóng thuộc Tây Ninh và bắt đầu chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tháng 3-1975, giữa cái nắng như đổ lửa của miền Đông Nam Bộ, tôi cùng đơn vị hành quân từ Long Khánh (Đồng Nai) xuyên vào lòng vùng giải phóng, có lúc vòng qua Campuchia, rồi xuống Mỹ Tho để tiến vào Bình Chánh, tiếp cận Sài Gòn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi giữ vai trò phó bí thư ban quân sự Thành Đoàn, làm mũi nhọn dẫn đường cho bộ đội tấn công.

Đêm 28-4 máy bay địch dội bom ác liệt ở các vùng An Lạc, Phú Lâm (quận 6). Tôi nhớ rõ lúc này mình đang bị sốt rét nhưng vẫn phải cùng đồng đội chui vào hầm, ẩn mình trong những hào sâu, nước ngập tới cổ để tránh bom đạn của địch.

Ngày 29 chúng tôi bắt đầu tiến vào quận 11, khắp nơi là cảnh tượng quân địch tháo chạy, cởi bỏ quân phục, vứt bỏ cả súng ống khắp đường phố.

Khi bộ máy địch tan rã, tôi cùng đồng đội tiếp quản, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ củng cố an ninh.

Đó là những ngày bộ đội ta liên tục vận chuyển các chuyến xe chứa đầy đồ đạc, vũ khí địch bỏ lại để tập kết về nhà kho quận 11. Chiến sự thành công, người dân vui mừng, tổ chức lấy kho lương thực của địch nấu nướng, tiếp tế cho bộ đội, tạo nên khí thế quân dân đoàn kết dâng cao.

Sau 50 năm nhìn lại, ngày 30-4-1975 không chỉ là thời khắc lịch sử lớn của đất nước, mà còn là khoảnh khắc tôi sẽ mãi không bao giờ quên.

Tại buổi giao lưu với học sinh THPT ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh do Quận Đoàn 1 tổ chức, chú Nguyễn Văn Thừa đã nhắn gửi đến thế hệ trẻ ngày nay: “Thế hệ của tôi đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của đất nước. Dù giai đoạn nào chúng tôi cũng cố gắng cống hiến hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của bản thân.

Hiện nay mọi thứ phát triển rất nhanh, đất nước chúng ta lại bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Công nghệ AI hiện hữu trong đời sống, mọi thứ đều hiện đại hóa nên tôi mong các em hãy học thật tốt, luôn cập nhật kiến thức mới để sẵn sàng cho tương lai”.

Chú NGUYỄN VĂN THỪA kể

DUY LÊ ghi

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: