Công tắc khoa học: Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 09/06/2024 15:00 (GMT+7)

Chúng ta thường chỉ để ý đến sức khỏe của bản thân, của vật nuôi xung quanh mà rất ít khi nhớ đến sức khỏe của hành tinh mình đang sống.

Công tắc khoa học: Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Quả địa cầu - ngôi nhà chung của chúng ta - cũng rất cần được quan tâm và chăm sóc đấy nhé! Và những vấn đề về “sức khỏe” của nó cũng lớn giống như kích thước của nó vậy.

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu với biến đổi khí hậu. Thực tế, chúng liên quan chặt chẽ nhưng vẫn có điểm khác nhau. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đề cập cụ thể đến sự gia tăng lâu dài của nhiệt độ trên bề mặt Trái đất.

Còn biến đổi khí hậu bao gồm một loạt các tác động do sự nóng lên của hành tinh gây ra, như băng tan, mực nước biển dâng cao, sự thay đổi thời tiết thất thường.

Vì đâu nên nỗi?

Theo thời gian, nhiệt độ và khí hậu của Trái đất luôn có sự thay đổi tự nhiên. Nhưng những thay đổi này lại đang diễn ra nhanh hơn trong các thập kỷ gần đây do nhiều hoạt động của con người: sử dụng nhiên liệu, phá rừng để chăn nuôi và sản xuất...

Những hoạt động này góp phần vào việc giải phóng CO2, CH4 và các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Chúng hấp thụ nhiệt từ mặt trời, giữ lại hơi ấm trong bầu khí quyển, khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Hậu quả khi ngôi nhà chung của chúng ta “bị bệnh”

Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là nó tác động đến hệ sinh thái của hành tinh, bao gồm mất đa dạng sinh học, mực nước biển dâng cao, hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, sóng nhiệt và hạn hán...

Sự nóng lên toàn cầu cũng dần trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe và hoạt động của con người vì những hậu quả của nó như: ô nhiễm không khí, sự gia tăng các bệnh liên quan đến nhiệt độ, các bệnh do vector truyền bệnh, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước...

Chúng ta vẫn có thể chữa lành cho trái đất

Chúng ta có thể chung tay hành động để giảm thiểu các tác động của những “căn bệnh” nguy hiểm mà Trái đất đang mắc phải.

Hãy góp phần làm giảm lượng khí nhà kính bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, đồng thời chuyển đổi sang các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng hơn. 

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, giảm lãng phí thức ăn và tái chế vật dụng.

Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là những thách thức đòi hỏi sự quan tâm và hành động ngay lập tức từ con người. Chúng ta có thể đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua lối sống bền vững và các giải pháp giảm lượng khí thải carbon.

Hãy vì một Trái đất sạch hơn, khỏe mạnh hơn, kiên cường hơn cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai!

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: