Công tắc khoa học: Hành trình cứu người của những giọt máu

Chủ nhật, 02/06/2024 20:47 (GMT+7)

Xin chào, chúng mình là 'những giọt máu đào' bên trong cơ thể con người. Chắc hẳn nhiều bạn cũng đã biết máu có thể được truyền từ người này sang người kia?

Công tắc khoa học: Hành trình cứu người của những giọt máu- Ảnh 1.

Ảnh: TTO

Đúng vậy, đó là đặc quyền và cũng là trách nhiệm thiêng liêng của chúng mình trong hành trình cứu người đó. Nhưng làm thế nào để chúng mình thực hiện được trách nhiệm cao cả ấy nhỉ?

Với trường hợp con người bị thương, mất máu nặng thì truyền máu sẽ giúp bù lại một phần máu đã mất, giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong thời gian chờ đợi cơ thể tạo ra một lượng máu mới. 

Ngoài ra, truyền máu còn giúp điều chỉnh những bất thường trong máu, hỗ trợ điều trị các bệnh thiếu máu hoặc rối loạn đông máu nữa đấy bạn ạ!

Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, không phải ai cũng cho hoặc nhận máu từ bất kỳ người nào. Chúng ta phải ghi nhớ các nguyên tắc về an toàn truyền máu nha:

1. Truyền đúng nhóm máu. Giọt máu chúng mình gồm có 4 gia tộc nhóm máu lớn: A, B, AB, O. 

Ai sở hữu máu thuộc “gia tộc” nào sẽ được xác định nhờ sự hiện diện của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết tương.

Nếu truyền sai nhóm máu, kháng thể trong huyết tương của người nhận sẽ phản ứng với kháng nguyên trên hồng cầu của người cho và kháng thể trong máu của người cho sẽ phản ứng với kháng nguyên trên hồng cầu của người nhận.

Hơi chóng mặt một chút ha! Nhưng các phản ứng này sẽ gây ra hiện tượng vỡ hồng cầu hàng loạt, dẫn đến các tai biến cho người nhận máu như sốc, suy chức năng các cơ quan và tệ nhất là tử vong đó bạn!

2. Máu của người cho không được nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm như HIV, HBV, HCV, giang mai… Nếu không, sẽ không an toàn cho người nhận máu xíu nào. 

Bạn hiểu đơn giản rằng giọt máu nào đã bị mắc bệnh thì đương nhiên không đủ yêu cầu sức khỏe để được “đi du lịch” rồi, đúng không nè?

3. Truyền máu chậm và theo dõi sát tình trạng sức khỏe của người nhận, nhằm đề phòng và điều trị kịp thời các tai biến có thể xảy ra.

4. Chỉ truyền máu khi thật sự cần thiết, không truyền máu bừa bãi.

Bạn biết không, từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày 14 tháng 6 hằng năm làm Ngày Quốc tế Người Hiến máu để ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn nghĩa cử cao đẹp này.

Không phải là WHO chọn đại ngày này đâu, “bật mí” nè: đây chính là ngày sinh nhật của nhà khoa học Karl Landsteiner - người phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới cho an toàn truyền máu đó. Nếu khỏe mạnh, bạn nên đi hiến máu giúp cho người cần bạn nhé!

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: