Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?

Thứ hai, 01/04/2024 19:11 (GMT+7)

Một số CLB, đội nhóm đột ngột thông báo giải thể vào rạng sáng ngày Cá tháng Tư. Chuyện gì đang xảy ra?

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 1.

Fanpage Media Nguyễn Hữu Cảnh đăng tải lời chào tạm biệt - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Thực chất, đây là một trong những trò đùa ngày Cá tháng Tư được các nhóm học sinh áp dụng. Nhiều người vừa nhìn là đã nhận ra đây là một trò đùa. Tuy nhiên vẫn có một số người bị lừa và hoảng hốt khi biết tin câu lạc bộ tan rã.

Giải thể CLB - thật hay đùa đây?

“Xin cảm ơn và chào tạm biệt”, “Chính thức ngừng hoạt động” là nội dung chung của các bài viết này. Trong các bài đăng, các câu lạc bộ tiếc nuối nhìn lại hành trình vừa qua với những thành tích đạt được. Ngoài ra, các bài đăng không nói rõ nguyên nhân tan rã mà chỉ dành lời cảm ơn đến các học sinh đã đồng hành.

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 2.

Trần Phú Media thông báo ngừng hoạt động vào rạng sáng ngày 1-4 - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Bên dưới các bài đăng chia thành hai luồng ý kiến. Một nửa số người thì bày tỏ sự buồn bã và tiếc nuối qua biểu tượng cảm xúc mặt buồn. Một số người khác tinh ý nhận ra đây chỉ là trò đùa nên thả biểu tượng mặt cười.

Bạn Tú Uyên (sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) là cựu học sinh của trường THPT Trần Phú. Hôm nay, fanpage của CLB Tran Phu Media mà bạn theo dõi bấy lâu bỗng nhiên thông báo ngừng hoạt động.

Ban đầu, Tú Uyên rất bất ngờ trước thông tin này. Bài đăng cũng khóa bình luận nên Tú Uyên không biết được những người khác nói gì về chuyện này. Đến khi thấy nhiều bạn thả biểu tượng mặt cười Uyên mới nhận ra đây là trò đùa.

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 4.

Đến trưa cùng ngày, câu lạc bộ đăng tải bài viết đính chính - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Ngay vào buổi trưa, fanpage này cũng đã lên bài đính chính rằng CLB vẫn hoạt động bình thường.

Bấm vào “xem thêm”, hóa ra lại không có gì

Đây chính là một trò đùa phổ biến khác trong ngày Cá tháng Tư. Một số trang thông tin lớn hoặc người nổi tiếng cũng sử dụng trò đùa này để 'tương tác' cùng người theo dõi. 

Cụ thể, các bài đăng trên mạng thường mở đầu bằng các câu văn gợi sự tò mò như gợi ý các cách không bị lừa vào ngày này, úp mở về một câu chuyện nào đó. Sau đó các bài đăng kết thúc bằng từ “Xem thêm” do người đăng bài tự viết thêm vào chứ không phải do hệ thống hiển thị.

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 5.

Trang cá nhân của ca sĩ Trung Quân cũng bắt trend với trò đùa này - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Vì mong muốn được nghe phần tiếp theo của các câu chuyện kể trên, nhiều người bấm vào “Xem thêm” nhưng lại vô tình mở phần bình luận của bài viết.

Bên dưới phần bình luận, nhiều người thú nhận mình đã thật sự bấm “Xem thêm” để đọc tiếp bài viết và nhận ra mình đã bị lừa. Nhưng nhiều bạn do có thói quen đọc bình luận trước mà tránh được “bẫy” này.

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 6.

Bố cục cuối bài gồm dấu ba chấm và chữ "Xem thêm" làm người dùng mạng xã hội dễ nhầm lẫn sang dạng rút gọn tự động của Facebook - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Tại sao có Ngày Cá tháng tư?

Ngày Cá tháng tư, hay còn gọi là Ngày nói dối là diễn ra vào ngày 1 tháng 4 ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lịch sử của ngày này không rõ ràng, nhưng có một số giả thuyết về nguồn gốc của nó.

Theo trang Hindustan Times, Ngày Cá tháng tư có thể liên quan đến việc áp dụng lịch Gregory (lịch Gregorian) vào thế kỷ 16. Trong quá trình này, ngày bắt đầu năm mới được di chuyển từ ngày 1 tháng 4 (ngày mới năm mới) sang ngày 1 tháng 1.

Những người chậm nhận được tin hoặc không nhận ra rằng thời điểm bắt đầu năm mới đã chuyển sang ngày 1-1 và tiếp tục ăn mừng trong tuần cuối cùng của tháng 3 đến ngày 1-4 đã trở thành mục tiêu của những trò đùa.

Những trò đùa này bao gồm việc đặt những con cá giấy trên lưng và được gọi là "poisson d'avril" (cá tháng tư), được cho là tượng trưng cho một con cá trẻ, dễ bắt và một người cả tin.

Trò đùa ngày Cá tháng tư, vui thôi đừng vui quá!

Vào ngày Cá tháng tư, những lời nói dối có thể được chấp nhận, thông cảm và tha thứ. Tuy nhiên, không phải lời nói dối nào cũng vui.

Một trong những lời nói dối kinh điển nhất Cá tháng tư là trò đùa về sức khỏe.

Bạn Thiều Quang (sinh năm 2000) chia sẻ bạn từng bị một người bạn gọi điện báo gặp tai nạn ngay trước buổi hẹn đi chơi. Nghe tin, Quang hoảng hốt chạy xe đến ngay địa điểm người bạn thông báo. Khi đến nơi, Quang mới phát hiện ra đó là trò đùa ngày Cá tháng tư và cảm thấy không vui.

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 7.

"Hôm nay thầy/cô cho nghỉ!" cũng là một kiểu đùa thường thấy trong dịp Cá tháng Tư.

Hoặc một tình huống dở khóc, dở cười nữa như bạn Trung Quân (sinh năm 2004) chia sẻ: "Mình từng nghỉ mất một buổi học có bài kiểm tra quan trọng vì bị bạn trêu Cá tháng tư. Kết quả là mình phải làm kiểm tra lại một mình trên phòng giáo viên, với mã đề riêng biệt. Mình còn bị mẹ trách mắng rất nhiều vì nghỉ học không phép".

Đủ kiểu ‘câu cá’ Ngày 1-4: bạn có dễ nhận ra?- Ảnh 8.

Một trò đùa phổ biến Ngày cá tháng 4 là liên quan đến chuyện tình cảm

Trong ngày Cá tháng tư, một số bạn dùng chiêu giả vờ tỏ tình, đến khi người kia đồng ý thì... lật mặt. Bên cạnh đó, một số bạn cũng giả vờ chia tay trong ngày này.

Còn bạn Anh Thư (lớp 11A1 Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) cho rằng, nếu muốn bày tỏ tình cảm cùng ai kia, bạn đừng nên chọn ngày cá tháng tư. "Nếu nhận được lời tỏ tình trong ngày này, dù là trường hợp nào, mình cũng đều cảm thấy không đáng tin" - Anh Thư cho biết.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: