Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame

Thứ năm, 06/03/2025 11:33 (GMT+7)

Cờ rồng gây ấn tượng với cộng đồng mạng bởi có lối chơi tương tự cờ cá ngựa, nhưng các quân cờ lại mang dáng dấp của linh vật rồng Việt Nam.

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 1.

Cờ rồng thu hút lượng lớn sự quan tâm của những người yêu thích boardgame và văn hóa truyền thống - Ảnh: NVCC

Lạ mà quen: cờ cá ngựa phiên bản quân rồng

Gần đây, một bài đăng giới thiệu bộ boardgame độc đáo trên hội nhóm dành cho những người yêu thích và nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Bộ trò chơi có cách chơi tương tự cờ cá ngựa, nhưng thay vì sử dụng quân cờ hình cá ngựa quen thuộc, tác giả đã thay thế bằng những quân cờ hình rồng.

Điểm đặc biệt là mỗi nhóm quân rồng có màu sắc và tạo hình riêng, thể hiện đặc trưng của từng triều đại trong lịch sử Việt Nam.

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 2.

Tạo hình ấn tượng của các quân rồng - Ảnh: NVCC

Chỉ sau thời gian ngắn, bộ cờ đã tạo nên một làn sóng quan tâm mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự tò mò, thích thú trước cách tái hiện văn hóa truyền thống theo hướng mới lạ này.

Người đứng sau dự án boardgame cờ rồng là chị Nguyễn Bảo Long Nhi (sinh năm 2000) - một freelancer hoạt động trong lĩnh vực sự kiện, thiết kế đồ họa và minh họa.

Đây là một trong những ấn phẩm thuộc đồ án tốt nghiệp mang tên "Long Ấn - Dấu ấn rồng Việt Nam" của chị.

Nói về nguồn cảm hứng, chị Nhi cho biết do say mê văn hóa truyền thống dân tộc, nên luôn ấp ủ mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam đến với nhiều người hơn thông qua các dự án độc đáo và gần gũi với đời sống.

Bên cạnh những lý do trên, cờ rồng còn mang ý nghĩa cá nhân đặc biệt đối với chị.

"Mình tên Long Nhi, tức là 'rồng nhỏ' theo phiên âm thuần Việt, lại sinh vào năm Thìn nên luôn cảm thấy có sự gắn kết đặc biệt với loài rồng. Vì vậy, ngoài mong muốn quảng bá hình tượng rồng Việt Nam, mình còn xem sản phẩm như món quà dành tặng cho 'người bạn' đặc biệt ấy của mình", tác giả dự án thổ lộ.

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 3.

Chân dung chị Long Nhi - Ảnh: NVCC

Chị Nhi chia sẻ quá trình hoàn thiện bộ cờ kéo dài 5 tháng. Trong đó, chị dành 4 tháng nghiên cứu hình tượng rồng, việc thiết kế và hoàn thiện trò chơi chỉ diễn ra trong khoảng 1 tháng cuối của đồ án.

"Do thời gian hạn chế, mình phải hoàn thiện gấp rút để nộp cùng bài tốt nghiệp, nên mình chọn thiết kế cờ rồng dựa trên luật chơi sẵn có thay vì sáng tạo một boardgame hoàn toàn mới", chị nói thêm.

Cờ rồng công phu trong thiết kế lẫn chế tác

Không đơn thuần là một boardgame mang tính giải trí, cờ rồng đã tái hiện hình tượng rồng Việt Nam trong dòng chảy lịch sử.

"Nghiên cứu hình tượng rồng, mình càng hiểu hơn về lịch sử dân tộc và những ước vọng ông cha ta đã gửi gắm qua từng giai đoạn.

Bởi mỗi chi tiết trong tạo hình rồng đều là dấu ấn của thời đại đã sản sinh ra nó - thể hiện tư duy, tinh thần và bản sắc văn hóa", cô nàng sinh năm 2000 nói.

Theo chị Nhi, mỗi nhóm màu quân cờ được thiết kế dựa trên đặc trưng của hình tượng rồng Việt Nam theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau. 

Tương tự, 4 "chuồng ngựa" được biến tấu thành 4 nhà tương ứng với 4 triều đại: Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn.

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 5.

Bốn quân rồng thời Trần với đặc trưng đầu có vòi hình lá, chiếc mào lửa ngắn, cặp sừng uy nghi và chiếc răng nanh lớn vắt qua sóng vòi - Ảnh: NVCC

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 6.

Bốn nhà trên bàn cờ tượng trưng cho 4 triều đại lịch sử - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, các quân cờ của nhà Hậu Lê có đến 2 phiên bản rồng: màu xanh dương tượng trưng cho thời Lê Sơ và màu hồng là thời kỳ Lê Trung Hưng.

"Mình muốn người chơi khi nhìn vào quân cờ sẽ tự đặt câu hỏi, tại sao rồng Hậu Lê lại có đến hai phiên bản? Từ đó họ sẽ tìm hiểu và biết rằng triều đại này có hai giai đoạn quan trọng", chị tiết lộ.

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 7.
Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 8.

Hai phiên bản rồng thời kỳ Lê Sơ và Lê Trung Hưng - Ảnh: NVCC

Đây là một dự án hay, không chỉ mang tính sáng tạo mà hoàn toàn có khả năng ứng dụng sản xuất trong đời sống.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thảo - giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, giảng viên hướng dẫn đồ án của tác giả

Chị cũng cho biết thêm thử thách lớn nhất trong quá trình hoàn thiện bộ cờ là khâu in 3D. Do quân cờ có nhiều chi tiết nhỏ, chị phải cân nhắc lược bớt nhưng vẫn đảm bảo giữ lại những đặc trưng quan trọng nhất, nhằm phản ánh chính xác hình tượng rồng của từng giai đoạn.

Không chỉ vậy, kích thước các quân cờ cũng từng khiến cô nàng gen Z "đau đầu".

Cụ thể, nếu quân cờ quá nhỏ, khó có thể đảm bảo sự tinh xảo trong các chi tiết; ngược lại, nếu quá lớn, bàn cờ sẽ trở nên cồng kềnh, gây bất tiện cho người chơi. Phiên bản hiện tại đã được chị điều chỉnh thỏa mãn cả tính thẩm mỹ lẫn tính ứng dụng.

Bên cạnh đó, chị Nhi cũng tự tay tô màu và vẽ chi tiết, hoa văn cho từng quân cờ thay vì sử dụng công nghệ in công nghiệp.

"Mình muốn bộ cờ mang dáng dấp của nghệ thuật thủ công truyền thống như những món đồ chơi dân gian ngày xưa. Dù mất nhiều thời gian hơn, nhưng mình thấy cách làm này mang lại giá trị riêng cho sản phẩm", chị lý giải.

Gen Z mang hình tượng rồng Việt Nam vào thế giới boardgame- Ảnh 9.

Màu sắc và các chi tiết trên quân cờ đều được chị Nhi vẽ tay - Ảnh: NVCC

Sau thành công ban đầu, chị Nhi đang trong quá trình làm hồ sơ đăng ký bản quyền cho sản phẩm.

Dành lời khuyên cho những bạn trẻ đam mê truyền tải văn hóa dân tộc qua những dự án sáng tạo nhưng còn e ngại, tác giả cờ rồng nhấn mạnh: "Nếu bạn không dám thử, sẽ không có bước tiến nào được tạo ra. Quan trọng nhất là quá trình nghiên cứu chỉn chu, thể hiện sự tôn trọng văn hóa. Khi bạn có một câu chuyện ý nghĩa, chân thành, bạn sẽ tìm được những người đồng cảm và ủng hộ".

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: