Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú

Thứ tư, 26/06/2024 14:00 (GMT+7)

Chuột lang hay còn được gọi với tên bọ ú, hiện được các bạn trẻ nuôi làm thú cưng. So với loài chuột kiểng khác, chuột lang không có đuôi, sở hữu thân hình mập mạp và đôi tai xoăn nhẹ như nấm mèo.

Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú- Ảnh 1.

Hai em chuột lang Mi và Mao của Hà Linh -Ảnh: NVCC

Yêu thích chuột lang đã lâu, bạn Dương Hà Linh (Bắc Ninh) đã tiết kiệm tiền rước hai em về với giá 120k/con và đặt tên cho chúng là Mi và Mao.

Cô bạn cho biết, vì đây là loài gặm nhắm nên thời gian ăn trải dài trong ngày.

Thức ăn khoái khẩu của loài này là cỏ khô, rau quả, cỏ nén, snack ăn vặt.

Thời gian rảnh, cô bạn thường đi gần nhà hái cỏ và lá tre về, sau đó rửa sạch và phơi khô trong một giờ rồi cho chuột ăn.

Từ ngày có chuột lang, Linh như có thêm hai đứa em út. Trước khi đi học, cô bạn thay thảm lót và lấy thêm nước cho Mi và Mao. Buổi trưa, cô bạn cho hai em ăn và thưởng thêm snack nếu ở nhà ngoan ngoãn. Cô bạn còn tự tay may gối cho các em nằm.

Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú- Ảnh 4.

Thùy Trang cùng các em bọ ú - Ảnh: NVCC

Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú- Ảnh 5.

Ảnh: NVCC

Bạn Nguyễn Thùy Trang (16 tuổi, sống tại Nhật) ban đầu có ý định nuôi chó nhưng do giá thành cao và lo lắng bản thân không thể chăm sóc tốt nên cô bạn thử bắt đầu với một động vật dễ chăm hơn. Thế là Trang chọn chuột lang.

Lần đầu nuôi pet, Trang gặp không ít bối rối. Cô bạn đã tra cứu thông tin thật kỹ và chuẩn bị mọi thứ mới bắt đầu rước thú cưng về. Ban đầu, cô bạn chỉ mua một con, nhưng khi biết loài này có tập tính sống bầy đàn nên bạn rước thêm các em chuột lang khác. Đến hiện tại, “gia đình nhà ú” của Trang đã có năm thành viên.

Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú- Ảnh 6.

Chuột lang của Thái Vy sở hữu bộ lông dài, đôi tai xoăn - Ảnh: NVCC

Lê Hoàng Thái Vy (quận 10) cho biết: “Tháng 11 năm ngoái, mẹ mình rước một em chuột lang về và không ngờ mình “dính” em ấy tới giờ. Càng nuôi thấy nó càng dễ thương, mang lại cho mình cảm giác thoải mái. Cuối tuần mình thường cho bé vào lồng và mang đi dạo. Bé rất thích thú với mọi thứ xung quanh, đặt biệt là rất thích ánh đèn lấp lánh”.

Thái Vy còn cưng pet của mình vì bé rất hiểu chuyện. Thời gian đầu, buổi sáng chuột lang của bạn uống nước và cạ vào chuồng tạo ra tiếng động lớn khiến cả nhà thức giấc. Nhưng thời gian gần đây, em ấy đã ngoan hơn. 

“Mẹ mình đã nhắc nhở nó nên uống nước nhẹ nhàng, không làm ồn để mọi người ngủ. Sau khoảng vài lần bị mẹ nhắc, em ấy không còn ồn ào buổi sáng nữa mà đợi khi mọi người đã thức mới uống nước”, Vy kể.

Không những vậy, chuột lang nhà Vy còn biết giận dỗi. Mỗi lần bị la mắng, em ấy thường xù lông, xa lánh các thành viên trong nhà. Tính cách dễ thương này khiến Vy ngày càng yêu thích và dành nhiều thời gian chơi cùng bọ ú hơn.

Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú- Ảnh 7.

Chuột lang có thân hình mập mạp nên thường được gọi là bọ ú -Ảnh: BỌ Ú HUY PHÁT

“Chuồng nuôi nên thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nhiệt độ quá nóng. Chuột lang dễ bệnh khi giao mùa, chủ yếu là viêm phổi hoặc nặng hơn thì sốt, bại liệt sau sinh. Khi nuôi, đòi hỏi chủ nên quan sát để phát hiện bệnh sớm”, Huy chia sẻ.

Nguyễn Đức Huy (24 tuổi, chủ trang trại bọ ú Huy Phát, An Giang) cho biết, tùy chủng loài và độ thuần chủng, giá thành của chuột lang có sự chênh lệch. Dòng California dáng đẹp có giá từ 2.5-3 triệu đồng/ con. Tuổi thọ của chuột lang dao động từ 3-8 năm tùy vào cách chăm sóc.

Độc lạ chuột lang không lông

Hiện chuột lang không lông là loài đặc biệt được nuôi làm thú cưng. Chúng sở hữu “body” nhẵn nhụi, chỉ có một chỏm lông ở mũi. Với thân hình tròn ủm, trơ trọi lông, nhiều người gọi là hà mã mini.

Giới trẻ mê mệt với thú cưng chuột lang - bọ ú- Ảnh 8.

Hình dáng chuột lang không lông -Ảnh: QUỐC HƯNG

Anh Lê Quốc Hưng (chuyên kinh doanh chuột lang không lông tại quận 7, TP.HCM) cho biết, vì không có lông nên loài này dễ nhạy cảm với thời tiết hơn, còn lại cách chăm sóc và thức ăn tương tự như bọ ú. Tuy nhiên, hà mã mini ăn rất nhiều so với bọ có lông, có thể nhiều hơn gấp 3 lần. Bên cạnh đó, không nên nuôi chung loài này với chuột lang thường vì có thể phối với nhau tạo ra dòng lai ngoại hình không đẹp mắt.

Theo bác sĩ thú y Trịnh Phi Hùng (cơ sở thú y Dr.Hoon, Hà Nội), chuột lang có thể lây bệnh cho người, phổ biến nhất là các bệnh truyền nhiễm hạng 3 do ký sinh trùng gây ra. Bệnh dại trên loài gặm nhấm ít được ghi nhận.

Để đảm bảo sức khỏe, tránh bị lây bệnh từ thú cưng, người nuôi cần chú ý các vấn đề sau:

* Định kỳ tẩy giun sán cho thú cưng.

* Xử lý sạch các ngoại ký sinh trùng như rận, mạt, bọ chét...

* Không tiếp xúc với các cá thể nghi nhiễm các bệnh lý có thể lây sang người.

* Vệ sinh định kỳ chuồng và các vật dụng nuôi chuột lang.

* Thường xuyên thay chất độn chuồng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: