Hành trình từ phi công trở thành huyền thoại của đại tá Nguyễn Thành Trung

Chủ nhật, 12/01/2025 11:45 (GMT+7)

Các bạn lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn đại tá Nguyễn Thành Trung và thực hiện bài viết này.

Teen Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền phỏng vấn đại tá Nguyễn Thành Trung - Ảnh: NHÓM THIÊN THU ĐẠI THẮNG A11

Teen Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền phỏng vấn đại tá Nguyễn Thành Trung - Ảnh: NHÓM THIÊN THU ĐẠI THẮNG A11

Đại tá Nguyễn Thành Trung sinh ngày 9-10-1947, người đã ghi dấu ấn quan trọng khi lái máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 8-4-1975.

Ngày 28-4-1975, ông tiếp tục dẫn đầu phi đội Quyết Thắng gồm 3 chiếc máy bay A-37 do Quân Giải phóng chiếm được từ địch tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần làm gián đoạn kế hoạch di tản của quân đội Mỹ.

Không chỉ là một phi công kiệt xuất, ông còn là người đầu tiên của Việt Nam lái máy bay Boeing 767 và 777, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành hàng không dân dụng nước nhà.

Đầu tiên xin ông chia sẻ nhiệm vụ của mình khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh?

Tôi được nhận nhiệm vụ đánh vào đầu não của địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Không ai có thể nhận được nhiệm vụ này, vì với vai trò lúc đó chỉ mỗi mình tôi làm được.

Ngày 8-4-1975 tôi đã lái máy bay, bay về Sài Gòn và ném bom vào dinh Độc Lập. Đó là nhiệm vụ đầu tiên tôi phải thực hiện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và tôi đã hoàn thành.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này ông gặp những khó khăn nào?

Rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Việc ném bom vào Dinh Độc Lập không đơn giản, mình phải đủ dũng cảm. Trong lúc làm nhiệm vụ mình phải linh hoạt, mưu trí. Phải lấy được máy bay của địch đã khó, ném bom càng khó.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ tôi cần tính toán xem sau khi ném bom xong máy bay sẽ rời đi và hạ cánh ở đâu? Hành động ra sao để không ai biết? Vì máy bay không phải muốn hạ cánh ở đâu cũng được.

Những việc này tôi tự tính toán, sắp xếp từ trước trong đầu mình, không ai có thể tính toán thay mình được. Khi thực tế diễn ra tôi đã làm được theo đúng kế hoạch của mình, góp sức cho chiến dịch.

Cảm xúc ông như thế nào sau khi hoàn thành được nhiệm vụ?

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch thần tốc, mình đánh để dứt điểm giải phóng miền Nam. Kế hoạch này vô cùng khó khăn không đơn giản, từng đơn vị, từng cá nhân phải tận dụng linh hoạt với hoàn cảnh của mình, góp sức vào để chiến dịch thành công.

Hành trình từ phi công trở thành huyền thoại của đại tá Nguyễn Thành Trung- Ảnh 3.

Ảnh Đại tá Nguyễn Thành Trung (bìa phải) chụp ngày 8-4-1975 - Ảnh chụp lại

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi thực hiện việc này vào ngày 8 nhưng đến ngày 30-4 mới giải phóng.

Khoảng thời gian đó tôi chưa biết ngày tháng nào đất nước mới thống nhất nên chỉ hy vọng ngày giải phóng sẽ đến sớm để bà con mình, dân tộc mình ít bị mất mát đau thương. Đó là điều tôi mong muốn nhất lúc bấy giờ.

Năm 2025 tròn cột mốc 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, ông có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ hiện nay?

Thế hệ trẻ là đối tượng lúc nào tôi cũng quan tâm. Tôi luôn tìm hiểu xem các cháu sẽ lớn lên như thế nào, đóng góp gì cho đất nước...

Ở mỗi thời đại, thế hệ trẻ đều đóng vai trò quan trọng. Tuổi trẻ hôm nay phải tiên phong đóng góp vào sự thịnh vượng và nền độc lập của đất nước.

Ngày xưa trong chiến tranh thế hệ của tôi có người đóng góp mặt này, có người đóng góp mặt khác nhưng tất cả gom lại thành chiến thắng chung.

Ngày nay cũng vậy, các cháu hãy góp sức mình để tạo nên lịch sử bằng cách đi đầu trong học tập, sáng tạo, lao động... Đừng ngại khó, như vậy sẽ giúp đất nước mình phát triển, thịnh vượng hơn. Đó cũng là mong muốn của tôi.

Là cháu của đại tá Nguyễn Thành Trung, bạn Đinh Nguyễn Thảo Vy (lớp 12A11, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) chia sẻ: “Mình rất tự hào về chiến công của ông đối với lịch sử nước nhà. Mình xem ông như là tấm gương để bản thân học tập tốt hơn, đặc biệt với môn Sử. Mình hay được ông chỉ dạy, kể cho nghe nhiều câu chuyện về ngày xưa.

Mỗi lần đến thăm ông, mình còn được nhìn thấy rất nhiều hình ảnh ngày trẻ khi ông làm nhiệm vụ. Ông thường dặn dò mình phải hiểu rõ lịch sử nước nhà, công lao của cha ông thời xưa để lấy đó làm điểm tựa, cố gắng học tập, tiếp nối thế hệ đi trước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: