Học sinh và giáo viên nói gì về đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025?

Thứ ba, 22/10/2024 21:20 (GMT+7)

Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều đổi mới so với chương trình cũ, từ cấu trúc đề đến cách đặt câu hỏi. Vậy học sinh và giáo viên nghĩ gì về những thay đổi này?

Học sinh và giáo viên nói gì về đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP.HCM - Ảnh: VŨ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Thời gian công bố sớm hơn khoảng 5 tháng so với những năm trước.

Học sinh không quá bất ngờ, nhưng vẫn lo lắng

Tuy không quá hoang mang và bối rối, nhưng phần lớn học sinh lớp 12 - lứa học trò đã được tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ sớm - đều không khỏi cảm thấy lo lắng trước đề thi minh họa.

Bạn Lê Nguyễn Đoan Trang (lớp 12A1, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) chia sẻ: "Mình học theo chương trình mới từ năm lớp 10 nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý đề thi có sự khác biệt. Tuy nhiên, khi thấy đề minh họa, mình vẫn khá bất ngờ vì có rất nhiều câu hỏi yêu cầu khả năng vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tế".

Trang nói thêm, theo bạn, môn toán là thử thách nhất bởi đề thi khá dài, đòi hỏi người làm bài phải đọc thật kỹ và tư duy chính xác mới có thể tìm ra lời giải.

Nói về định hướng học tập, cô bạn cho rằng: "Với toán, mình thấy nên tập trung giải nhiều bài tập thực tế hơn là vận dụng cao như những năm trước. Vì đề tham khảo hầu như không có nâng cao, chỉ dừng lại ở mức thông hiểu - vận dụng".

Đồng quan điểm với Trang, bạn Phan Nguyễn Thế Hoàng (lớp 12A6, Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1, TP.HCM) nhận xét đề minh họa khá "nhiều chữ". Theo Hoàng, với những bạn chưa có sự chuẩn bị tốt, đề thi mới này có thể là một thách thức lớn.

Học sinh và giáo viên nói gì về đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025?- Ảnh 2.

Thế Hoàng (đứng giữa) chú trọng học từ vựng nhiều hơn sau khi xem qua đề minh họa môn tiếng Anh - Ảnh: NVCC

"Đề thi các môn khá dài, với nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng. Nếu không nắm vững kiến thức cơ bản, mình nghĩ sẽ rất khó để đạt điểm cao", Hoàng bày tỏ.

Đặc biệt với môn tiếng Anh, bạn cho biết sẽ chú trọng học từ vựng nhiều hơn, vì phần lớn các câu hỏi trong đề thi rơi vào kỹ năng đọc hiểu.

Ngoài hai môn văn, toán bắt buộc, bạn Nguyễn Gia Bảo (học sinh lớp 12, Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM) tự chọn thêm môn lịch sử và tiếng Anh. Bạn đánh giá bản thân có khả năng làm tốt các môn văn, sử và tiếng Anh.

Học sinh và giáo viên nói gì về đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025?- Ảnh 3.

Ngoài hai môn văn, toán bắt buộc, bạn Gia Bảo (bên phải) tự chọn thêm môn lịch sử và tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - Ảnh: NVCC

Tuy đánh giá toán là môn khó nhất, nhưng Bảo vẫn giữ tâm lý thoải mái: "Mình nghĩ do mình chưa được học hết kiến thức môn toán, nên có thể đánh giá chưa khách quan lắm. Đề thi dài là cơ hội để chúng mình tập cải thiện tốc độ tư duy trong quá trình làm bài".

Giáo viên: chuẩn bị tốt sẽ giúp học sinh thích nghi nhanh chóng

Về phía giáo viên, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp giảng dạy chương trình mới, cũng có những nhận xét tích cực về đề thi minh họa năm nay.

Cô Đặng Nguyễn Hồng Duyên (giáo viên ngữ văn bậc THPT tại TP.HCM) chia sẻ đề minh họa đã thể hiện rõ tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018: học sinh cần thật sự hiểu bài và nắm vững các kỹ năng học được trong suốt 3 năm cấp ba để vận dụng vào bài thi.

"Đối với môn văn, các em được thoải mái bộc lộ tư duy, sáng tạo, không còn rơi vào tình trạng bị ‘tủ đè’. Tuy nhiên, nếu không hiểu bài, hoặc chỉ học thuộc lòng mà không biết cách tự suy nghĩ, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn", cô Duyên nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt (giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã An Khê, Gia Lai) nhận định: "Dù với bất kỳ môn học nào, nếu học sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm học, các em sẽ đủ kiến thức và kỹ năng để làm bài thi tốt".

Theo cô Nguyệt, điều cốt lõi là học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, đồng thời phát triển tư duy sáng tạo và khả năng phân tích vấn đề.

Đề thi minh họa không quá khó, bám sát chương trình mới, nhưng đòi hỏi các em phải có khả năng tư duy và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Cô cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi trong cấu trúc đề thi và cách ra đề: "Học sinh không chỉ học để thi, mà còn để hiểu và vận dụng vào cuộc sống. Đề minh họa được công bố sớm là cơ hội tốt để các em làm quen, cọ xát với dạng bài mới và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi chính thức sắp tới".

Cần chuẩn bị từ sớm và có lộ trình ôn tập hợp lý

Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trước đề thi mới, nhưng cả học sinh và giáo viên đều đồng ý rằng việc có phương pháp học tập khoa học và lộ trình ôn tập phù hợp là điều rất quan trọng.

"Thay vì chỉ học thuộc lòng và giải đề cũ như các năm trước, các em cần làm quen và tập cọ xát nhiều hơn với dạng câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã trang bị cho các em nền tảng để làm điều này, chỉ cần các em tập trung và chăm chỉ ôn tập," cô Nguyệt khuyên.

Bên cạnh đó, học sinh cũng cần tự tin vào bản thân và không quá lo lắng. Gia Bảo cho biết: "Sau khi làm quen với đề minh họa, mình thấy bản thân vẫn nên duy trì cách học như trước giờ, bám sát hướng dẫn của giáo viên.

Tuy nhiên, mình sẽ tập trung nhiều hơn vào việc luyện tập khả năng tư duy nhanh nhạy, áp dụng kiến thức vào thực tế. Chỉ cần ôn tập đúng cách ngay từ bây giờ, mình nghĩ mình sẽ vượt qua kỳ thi tốt".

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: