Thứ bảy, 01/06/2024 20:12 (GMT+7)

Phân bổ thời gian làm bài hợp lý, cẩn thận đọc đề là những điều mà hai thí sinh đạt trên 900 điểm tại kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 đã áp dụng.

Kinh nghiệm thi đánh giá năng lực từ các thí sinh trên 900 điểm- Ảnh 1.

Trang web của kỳ thi Đánh giá Năng lực (Đại học Quốc gia TP.HCM) - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Công thức làm bài thi đánh giá năng lực là 90:30:30

Nguyễn Cao Thông (lớp 12 Anh, Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM) đạt được 1.036 điểm trong đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực

Cao Thông nhận thấy rằng, so với đề thi năm ngoái thì đề năm nay có phần dễ chịu hơn. Các câu hỏi không yêu cầu kiến thức chuyên sâu nhưng thí sinh cần xử lý thông tin nhanh do đề dài.

Cao Thông tương đối tự tin về phần thi toán do độ khó thấp hơn thi tốt nghiệp THPT. Phần thi gây nhiều khó khăn nhất cho Thông là phần tiếng Việt. Thông dành đúng 90 phút đầu để xử lý lần lượt 120 câu trong đề thi. 

Sau đó, bạn vừa tô đáp án, vừa kiểm tra lại một lượt trong 30 phút tiếp theo. 30 phút cuối, Thông rà soát lại toàn bộ bài thi, tính lại đáp án có sử dụng máy tính.

Kinh nghiệm thi đánh giá năng lực từ các thí sinh trên 900 điểm- Ảnh 2.

Nguyễn Cao Thông đạt được 1.036 điểm trong đợt 1 của kỳ thi Đánh giá lăng lực - Ảnh: NVCC

Theo bạn, sự cẩn thận là một yếu tố góp phần giúp bạn hoàn thành bài thi với kết quả ưng ý. Với mỗi câu hỏi, Thông đọc đề thật kỹ rồi kiểm tra lại đáp án nhiều lần. 

Một số câu hỏi khó, Thông đánh dấu lại và làm các câu hỏi khác để không mất nhiều thời gian. Bạn sẽ quay lại làm các câu đã đánh dấu xong khi làm hết đề.

Thông cũng lưu ý các thí sinh không nên áp lực mà hãy thoải mái khi vào phòng thi. Vì tinh thần sẽ ảnh hưởng nhiều đến phong độ của học sinh trong ngày thi đó. 

Thông thi đợt 1 ngay tại trường của mình nên cảm giác rất thân thuộc và thoải mái.

Thông quyết định sẽ tiếp tục thi Đánh giá năng lực đợt 2 vì muốn thử thách bản thân. Bạn dự định đặt nguyện vọng xoay quanh các ngành của Trường đại học Khoa học Tự nhiên.

Không để mất điểm ở các câu hỏi dễ ăn điểm

Từ tháng 8-2023, bạn Mai Lê Anh Quân (lớp 12A1, Trường THCS - THPT Hoa Sen cơ sở 1, TP.HCM) bắt đầu ôn thi các môn thế mạnh như tiếng Anh, toán, vật lý. Vì thế 2 tuần trước ngày thi đợt 1, Anh Quân chỉ cần ôn tập thêm môn văn, sinh, lịch sử, địa lý,... Để hệ thống lại lượng kiến thức đồ sộ, Quân chuộng sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy.

Kinh nghiệm thi đánh giá năng lực từ các thí sinh trên 900 điểm- Ảnh 3.

Anh Quân ôn tập từ sớm để thong thả hơn trong những ngày sát ngày thi - Ảnh: NVCC

Trong ngày thi, Quân ưu tiên xử lý các câu hỏi dễ trước. 10 phút đầu tiên, Quân làm 20 câu hỏi cuối đề (các câu hỏi dạng đọc hiểu nên đáp án có thể suy ra từ văn bản). Vì thế, đây là phần Quân buộc phải có trọn điểm. 

Tiếp đến, Quân thực hiện các câu hỏi theo thứ tự ưu tiên như sau: làm phần tiếng Việt và tiếng Anh, rồi sang phần toán và tư duy logic. Cuối cùng bạn làm phần câu hỏi môn vật lý cùng những phần còn lại.

Anh Quân cũng cho biết thêm, nhịp thở cũng đóng vai trò quan trọng vì ảnh hưởng đến nhịp độ làm bài. Thí sinh nên giữ nhịp thở ổn định, không hồi hộp, lo lắng quá nhiều. 

Ngoài ra, Quân cho rằng việc mang đồng hồ đi thi là vô cùng cần thiết để có thể chủ động sắp xếp thời gian làm bài. 

Bên cạnh đó, thí sinh cũng sẽ canh được giờ tô đáp án nếu chú ý theo dõi thời gian. Đêm trước ngày thi, Quân cố gắng ngủ đủ giấc để thật tỉnh táo trong lúc làm bài.

Với số điểm 907, Anh Quân dự định đặt nguyện vọng xét tuyển vào ngành Thương mại Quốc tế của Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM.

Ngày 2-6, hơn 41.500 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi Đánh giá lăng lực (Đại học Quốc gia TP.HCM) đợt 2 tại 14 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang và Cà Mau. Kết quả thi đợt 2 dự kiến được công bố vào ngày 10-6.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: