Mang vác ba lô quá nặng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe học sinh?

Sáng mở mắt dậy đang phơi phới mà đến lúc đeo cặp nặng trĩu trên vai, T.H (lớp 7, TP.HCM) hết vui.

Mang vác ba lô quá nặng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe học sinh?- Ảnh 1.

Minh họa thực hiện bằng AI

Ác mộng ngày thứ tư

Trong các ngày học, T.H sợ nhất ngày thứ 4. Bởi hôm đó có đến 8 môn học. Mà mỗi môn 1 quyển thì nói gì, có môn bạn phải mang 2-3 quyển như môn Anh văn. Các bạn học 2 buổi còn có thể về nhà nghỉ ngơi, mang tập sách thời khóa biểu theo sáng-chiều.

Còn T.H. và nhiều bạn học bán trú phải mang vác đủ tập sách cho một ngày nên cảm thấy rất mệt mỏi.

Bạn chia sẻ nhớ lại hồi học cấp 1 được để tập sách trên trường sướng gì đâu, còn lên cấp 2 sao khác quá.

Bạn cho biết vừa rồi, có bạn cùng lớp thấy cặp to nên nhét vào hộc bàn vài quyển tập sách. Khi ra về, bạn ấy để quên 1 quyển tập. Cuối giờ, giám thị đi kiểm tra vệ sinh các lớp và phát hiện.

Sang hôm sau, bạn bị gọi xuống phòng giám thị nhận lại tập và bị la một trận. Nếu lần sau tái phạm, bạn phải bị thụt xì dầu.

Mệt mỏi khi trời mưa

Bạn T.H tự đi xe đạp đến trường. Lúc vào học còn đỡ chứ chiều tan học đã mệt nhoài nhưng bạn phải vừa mang cặp vừa dắt xe từ dưới hầm lên con dốc. Đuối, bạn thở hồng hộc song cũng phải cố gắng đạp xe từ trường về nhà.

Những ngày qua, mưa dầm dề khiến bạn càng ngao ngán. Vừa mang cặp to đùng vừa mặc áo mưa bên ngoài, bạn sợ áo mưa rách thì ướt tập sách. Vì vậy, bạn chạy từ từ. Về đến nhà, bạn quăng ngay cái cặp, lăn ra giường chỉ muốn đánh một giấc cho đã.

Cả nhà lục đục vì cái ba lô

Chuyện mang vác cặp, ba lô nặng không chỉ trường hợp của T.H mà còn là lời than phiền của nhiều bạn khác.

Bạn Đ.T (lớp 7, TP.HCM) cao hơn 1m60, nặng khoảng 60 kg, so với các bạn nữ khác đã to tướng hơn. Tuy nhiên, mỗi lần mang ba lô đi học, bạn cũng muốn chới với. 

Ngoài học trên trường, có 2 buổi chiều tan học, bạn đi học Anh văn ở trung tâm gần đó.

Để thuận tiện, bạn mang luôn tập sách Anh văn theo khiến ba lô càng nặng. Thương con gái nên sau này, mẹ bạn nhờ hàng xóm chở ba lô học chính khóa về giúp, chiều tan học, bạn chỉ cần mang tập học ở trung tâm.

Ba lô của Đ.T còn đỡ chứ ba lô của bạn N.H (lớp 8, TP.HCM) nặng hơn nữa. Bạn thích cầu lông nên đi học mang theo 2 cây vợt. Đã vậy, trong ba lô của bạn còn có thêm đôi giày, một bộ quần áo thể thao để chiều đi học cầu lông.

Sáng nào cầm ba lô của bạn lên, ba mẹ cũng cằn nhằn sao nặng thế, con bỏ bớt đồ ở nhà đi kẻo ảnh hưởng sức khỏe. Ba lô nặng, mỗi lần N.H đeo vào có cảm giác như bạn bị kéo ngược về phía sau. Trông rất tội nghiệp.

Trở lại chuyện T.H, bạn mong muốn nhà trường xếp thời khóa biểu hợp lý, cân đối hơn để các bạn đỡ mang vác tập sách nặng đến trường.

Mà bạn ơi, ngoài chuyện phụ thuộc vào lịch học, trọng lượng cặp/ba lô của bạn nặng hay nhẹ còn do chính cách sắp xếp của bạn nữa đấy. Những vật nào không cần thiết, bạn nên bỏ bớt ở nhà hoặc bạn chọn vật dụng nhỏ, gọn, tiện dụng và nhẹ ký.

À, bạn cũng nên xem lại trọng lượng của chính cặp/ba lô đang sử dụng. Nếu nặng quá, sao bạn không chuyển sang cặp/ba lô dạng siêu nhẹ sẽ ổn hơn nè!

Mang ba lô nặng sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tuổi dậy thì? Mời bạn cùng tìm hiểu nha!

Mang ba lô nặng chuyện gì xảy ra?

Mang ba lô nặng thường xuyên có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là lứa tuổi cấp 2. Bởi lúc này cơ thể đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng.

5 ảnh hưởng có thể xảy ra khi mang ba lô nặng

1. Ảnh hưởng đến cột sống và tư thế

• Cong vẹo cột sống: Ba lô quá nặng hoặc đeo không đều (như chỉ đeo một bên vai) có thể gây lệch cột sống, làm tăng nguy cơ vẹo cột sống.

• Căng cơ và đau lưng: Trọng lượng quá lớn làm cơ lưng và cơ vai phải hoạt động quá mức, dẫn đến đau mỏi cơ, đặc biệt ở vùng lưng dưới và cổ.

2. Tạo áp lực lên khớp và cơ

• Đau cổ và vai: Việc mang ba lô nặng kéo vai về phía sau hoặc gây căng thẳng cho cổ và vai. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra viêm, cứng khớp vùng vai và cổ.

• Đau khớp gối và mắt cá: Trọng lượng nặng trên lưng có thể ảnh hưởng đến khớp gối và mắt cá chân, đặc biệt khi học sinh phải di chuyển lên xuống cầu thang hoặc đi bộ đường dài.

3. Giảm khả năng thăng bằng và tăng nguy cơ chấn thương

• Ba lô quá nặng có thể làm thay đổi trung tâm trọng lực của cơ thể, khiến bạn dễ mất thăng bằng và tăng nguy cơ té ngã.

• Những va chạm do té ngã gây ra các chấn thương như bong gân hoặc gãy xương.

4. Gây mệt mỏi và căng thẳng tinh thần

• Trọng lượng quá lớn sẽ khiến bạn mệt mỏi nhanh hơn, giảm khả năng tập trung học tập.

• Việc phải đeo ba lô nặng hàng ngày có thể gây căng thẳng tâm lý, tạo cảm giác khó chịu và không muốn đi học.

5. Ảnh hưởng đến hô hấp và tuần hoàn

Nếu dây đeo vai của ba lô quá chặt sẽ cản trở lưu thông máu và ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, đặc biệt khi học sinh phải mang ba lô trong thời gian dài.

6 lưu ý mang vác đúng cách

Ở lứa tuổi cấp 2 khi cơ thể đang phát triển, việc mang đồ nặng sai cách có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Dưới đây là một số hướng dẫn về tư thế, trọng lượng phù hợp và cách mang để hạn chế các tác động tiêu cực:

1. Trọng lượng ba lô phù hợp

- Tổng trọng lượng ba lô: Không nên vượt quá 10- 15% trọng lượng cơ thể của học sinh. Nếu bạn nặng 40 kg, ba lô chỉ nên nặng từ 4-6 kg.

- Trọng lượng quá mức gây áp lực lên lưng và cột sống, làm tăng nguy cơ cong vẹo cột sống hoặc các vấn đề về cơ xương khớp.

2. Tư thế đúng khi đeo ba lô

* Luôn đeo cả hai dây vai: Đeo cả hai bên dây vai giúp phân bố đều trọng lượng, tránh áp lực dồn vào một bên cơ thể, giảm nguy cơ lệch cột sống.

* Giữ lưng thẳng: Ba lô cần nằm sát với phần lưng và ngang với phần giữa lưng (không được để quá thấp dưới thắt lưng).

* Đầu và vai giữ thẳng: Khi đi bộ, cần giữ đầu thẳng và vai mở, không nên cúi gập người về phía trước để bù đắp cho trọng lượng ba lô.

3. Cách sắp xếp đồ trong ba lô

* Đặt vật nặng sát lưng nhất: Những món đồ nặng (như sách giáo khoa) cần được đặt ở ngăn gần lưng để giảm lực kéo ra phía sau.

* Phân bổ đều tải trọng: Đảm bảo các món đồ không bị lệch sang một bên, giúp cân bằng tải trọng.

* Giảm đồ không cần thiết: Chỉ mang theo những vật dụng cần thiết trong ngày để tránh tăng trọng lượng.

4. Chọn ba lô phù hợp

* Dây đeo vai to bản và có đệm lót: Điều này giúp giảm áp lực lên vai.

* Có dây thắt ngang ngực và hông: Các dây này giúp phân phối trọng lượng từ vai xuống hông, giảm gánh nặng cho lưng.

* Ba lô có ngăn chứa hợp lý: Giúp sắp xếp đồ đạc dễ dàng và tránh dồn tải trọng về một phía.

5. Lưu ý khi mang vác và di chuyển

* Không chạy nhảy khi mang ba lô nặng để tránh mất thăng bằng và nguy cơ té ngã.

* Nghỉ ngơi thường xuyên: Nếu phải đi bộ lâu hoặc mang nhiều sách vở, nên tìm chỗ ngồi nghỉ để giảm tải áp lực cho lưng và vai.

* Nhờ sự hỗ trợ nếu cần: Nếu phải mang nhiều đồ, các bạn nên chia sẻ trọng lượng với bạn bè hoặc nhờ thầy cô giúp đỡ.

6. Thực hiện các bài tập hỗ trợ

* Tăng cường cơ lưng và cơ bụng: Các bài tập như plank, kéo xà đơn hoặc yoga giúp tăng sức mạnh cho cơ cột sống và vùng trung tâm cơ thể.

* Bài tập giãn cơ cổ và vai: Các động tác xoay vai, kéo giãn cổ giúp giảm căng thẳng và đau mỏi sau khi mang ba lô.

Việc chú ý đến tư thế, trọng lượng và cách mang ba lô đúng cách là cần thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài của bạn. Nhớ nha!

Cách giảm tải cho ba lô

1. Giới hạn trọng lượng: Ba lô không nên nặng quá 10-15% trọng lượng cơ thể của bạn.

2. Chọn ba lô phù hợp: Ba lô nên có dây đeo bản rộng và đệm lót để giảm áp lực lên vai.

3. Phân bố trọng lượng hợp lý: Đặt các vật nặng sát phần lưng và đảm bảo tải trọng được hân đều.

4. Khuyến khích học sinh sử dụng tủ cá nhân (nếu có) để tránh mang quá nhiều sách vở.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: