Mùa nóng bị ngộ độc thực phẩm, hôi nách, yên tâm có cách!

Thứ bảy, 20/04/2024 16:00 (GMT+7)

Ngộ độc thực phẩm khi ăn uống, cơ thể nặng mùi... những vấn đề teen thường gặp phải, nhất là vào mùa nóng. Để “xử lý” những vấn đề này không quá khó.

Mùa nóng bị ngộ độc thực phẩm, hôi nách, yên tâm có cách!- Ảnh 1.

Mùa nóng nếu ăn uống không cẩn thận, teen dễ bị ngộ độc thực phẩm - Minh họa: FREEPIK

Hỏi: Mỗi lần bị ngộ độc thực phẩm là mình ói mật xanh mật vàng, mệt lả người. Đặc biệt mùa nóng rất dễ bị. Có cách nào cầm ói nhanh không?

Anh Vũ (Quận 5, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Khi bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nóng, nôn và tiêu chảy giúp chúng ta tống chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, không nên can thiệp vào quá trình này. Khi gặp vấn đề, bạn cứ để tiêu chảy, nôn ói làm nhiệm vụ của nó. Sau đó, chúng ta bù đắp bằng bổ sung nước điện giải, dinh dưỡng.

Riêng những ca ngộ độc nhẹ, bạn có thể hạn chế tình trạng khó chịu bằng cách hạn chế đi lại, ngồi tốt hơn nằm, nằm nghiêng tốt hơn nằm thẳng, hít thở sâu, xông tinh dầu (chanh, bạc hà, hoa cúc), ăn ít bánh quy mặn, uống trà gừng, nhai nước đá...

Lúc này, thuốc cầm ói không cần tới. Nên nhớ là thuốc cầm ói trong trúng thực bất đắc dĩ mới phải dùng, không nên lạm dụng.

Hỏi: Mình bị ngứa ở vùng vai sau lưng, thường xuyên phải đưa tay ra sau gãi, rất khổ sở. Mình nghĩ do bệnh ngoài da, nhưng đi khám thì không phải...

Khánh Tường (Tiền Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nếu đã loại hết nguyên nhân thì cơn ngứa của bạn khá giống với notalgia paresthetica (NP). NP là một dạng ngứa, châm chích do bất ổn thần kinh, chấn thương, tư thế, quần áo chật tại vùng vai cổ. NP khiến nhiều bạn gãi lưng liên hồi, nhiều khi mang tiếng là do lang ben, hắc lào, lười tắm.

Để điều trị NP, ngoài thuốc, bạn cần phải thay đổi tư thế, động tác vùng vai, cổ, lưng. Đặc biệt, những bạn cắm mặt vào điện thoại, laptop, “chiến” game thâu đêm suốt sáng... thường bị NP “hỏi thăm” nhiều nhất.

Hỏi: Mỗi khi thi cử, mình hay uống cà phê sữa để tỉnh táo học bài. Nhưng mình nghe đồn hết hồn là cà phê làm chậm phát triển?

Thu Oanh (Bến Tre)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Trước đây, chất caffeine trong cà phê bị cho là làm kém phát triển khớp nối thần kinh, ngăn xương chậm hấp thu canxi, tiền đề rối loạn ăn uống...

Sau này caffeine mới được thanh minh. Bạn chỉ gặp phải những tình trạng trên khi uống cà phê quá liều. Liều caffeine tối đa cho tuổi 12-18 là 100 mg/ngày (khoảng 1 tách cà phê 240ml).

Tuy vậy, chất caffeine gây mất ngủ, căng thẳng, nhịp tim tăng, tinh thần kích động. Đừng quên cà phê có thể gây nghiện, khiến bạn dễ bị uống quá liều. Tốt nhất vẫn là nói không với cà phê bạn nhé.

Hỏi: Trời nắng nóng thế này khiến những ai bị hôi nách như mình đúng khổ luôn. Có cách nào cải thiện không ạ?

Bích Phương (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Điều bạn nên làm là xử lý mồ hôi. Dễ nhất là tắm 2 - 3 lần/ngày, làm ráo người rồi mới mặc quần áo, dọn sạch lông vùng nách, vùng sinh dục.

Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm xà phòng kháng khuẩn, nâng cấp khử mùi (chanh, bạc hà), thay mới đồ lót, vớ. Lăn khử mùi cần dùng với công thức gấp đôi (nồng độ, tần suất). Đừng quên chọn đúng loại đặc trị mồ hôi nhé.

Hỏi: Gần đây tóc mình bỗng dưng chuyển sang màu nâu đỏ, làm mình bị oan là nhuộm tóc giống Tây. Đáng lo là mình sợ có bệnh gì đó…

Thu Thảo (Bình Dương)

Mùa nóng bị ngộ độc thực phẩm, hôi nách, yên tâm có cách!- Ảnh 4.

Minh họa: FREEPIK

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Màu đen tóc là màu của melanin, do tế bào melanocytes phổ màu. Tóc đổi màu tự nhiên do melanocytes gửi melanin đến tóc ít hơn (tuổi tác, bệnh tật, stress, nội tiết...). Khi tóc bệnh, tóc thiếu đói thì màu thường tối hơn.

Ngoài ra, tóc còn thay màu do melanin phản ứng với hóa chất, nổi tiếng như hydrogen peroxid (tẩy tóc, bóng tóc, tẩy da đầu), clo (hồ bơi, nước tắm) và ion kim loại. Những thợ nhuộm này có thể khiến tóc chuyển màu xanh lục, xanh lam (đồng), đỏ hay nâu đỏ (sắt). Thường thì tóc đổi màu là do hóa chất. Có thể màu đỏ của tóc là từ nước máy, dầu gội, dầu xả, trâm cài, lược chải kim loại, máy uốn, máy duỗi bị rỉ sét, nhà gần nhà máy ô nhiễm.

Hỏi: Thời gian gần đây mình bị rụng tóc rất nhiều. Mình đọc trên mạng thì biết rằng thủ phạm có thể là ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử. Có đúng không ạ?

Hải Tú (Long An)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Ánh sáng xanh (HEV) hay bức xạ màn hình thường gây nguy hại tế bào da nhiều hơn. Còn tóc thì không chắc, bởi da đầu ít tiếp xúc với ánh sáng xanh, trừ chỗ tóc gần tai do áp điện thoại để nghe. Tuy vậy “rụng tóc ánh sáng xanh” là có, chỉ là qua trung gian.

Ánh sáng xanh gây mất ngủ, thiếu ngủ, từ đó dẫn đến căng thẳng. Căng thẳng là tác giả chứng rụng tóc telogen effluvium, hơi giống hói.

Trường hợp của bạn có thể là kiểu rụng tóc telogen/HEV nhưng còn phải xét, bởi có nhiều thứ stress khác. Dù vậy bạn nên thử cai bớt, hoặc dùng tiện ích tắt ánh sáng xanh. Nếu rụng tóc thuyên giảm coi như bạn đã bắt đúng bệnh.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: