Ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: 4 điều không nên bỏ lỡ với môn ngữ văn

Thứ hai, 12/05/2025 08:57 (GMT+7)

ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM) lưu ý 4 điều học sinh cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn ôn thi nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: 4 điều không nên bỏ lỡ với môn ngữ văn - Ảnh 1.

Học sinh tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh tại Ngày hội Tự tin vào lớp 10 - Ảnh: VŨ

1. Hệ thống hóa kiến thức môn ngữ văn

Dưới đây là bảng thống kê tất cả nội dung kiến thức và kĩ năng học sinh cần chú ý để chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (môn ngữ văn)

CÁC LOẠI THỂ

  1. Văn bản văn học:

- Truyện: truyện cười, truyện ngắn, truyện lịch sử, truyện thơ Nôm, truyện truyền kì, truyện trinh thám

- Thơ: thơ trào phúng, thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt luật Đường; thơ sáu, bảy chữ; thơ tám chữ, thơ song thất lục bát

- Kịch: hài kịch, bi kịch

  1. Văn bản nghị luận: văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận văn học
  2. Văn bản thông tin:

- Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

- Văn bản giới thiệu một cuốn sách

- Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử

- Bài phỏng vấn

TIẾNG VIỆT

  1. Điển tích, điển cố
  2. Các biện pháp tu từ: đảo ngữ, câu hỏi tu từ, chơi chữ, điệp thanh, điệp vần
  3. Từ: từ tượng hình, từ tượng thanh, trợ từ, thán từ, từ toàn dân, từ địa phương, từ Hán Việt, biệt ngữ xã hội, từ ngữ mới và nghĩa mới
  4. Câu: phân loại câu (câu rút gọn, câu đặc biệt, câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm; câu khẳng định và câu phủ định), biến đổi và mở rộng cấu trúc câu (thay đổi trật tự các thành phần trong câu, thêm thành phần phụ,...), thành phần biệt lập trong câu, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu
  5. Đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp, cách dẫn trực tiếp, cách dẫn gián tiếp

KĨ NĂNG

  1. Kĩ năng đọc:

- Đọc văn bản văn học

- Đọc văn bản nghị luận

- Đọc văn bản thông tin

2. Kĩ năng viết:

- Bài văn nghị luận xã hội

- Đoạn văn nghị luận văn học

- Đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ.

Dẫu vậy, nhiều khả năng nội dung đề thi chủ yếu vẫn nằm ở chương trình lớp 9 và những thể loại phù hợp, an toàn với một kì thi trên diện rộng. Dựa trên cơ sở đó, học sinh có thể rút ra trọng tâm kiến thức và kĩ năng cần ôn tập.

2. Rèn kĩ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu

Để lấy được tối đa những phần dễ đạt điểm cũng như tăng cơ hội có được điểm cao ở những câu hỏi mang tính phân hóa, học sinh cần chú ý đến điểm thành phần của từng loại câu hỏi theo mức độ tư duy.

Từ đó xác định cách trả lời/ cách trình bày phần trả lời sao cho hiệu quả nhất. Căn cứ vào cấu trúc đề thi minh họa, hệ thống câu hỏi theo mức độ tư duy, HS có thể xác định như sau:

MỨC

ĐIỂM

ĐỊNH HƯỚNG TRẢ LỜI

VÍ DỤ

Biết

0,5 điểm

Nêu từ 1 - 2 ý/ nội dung thỏa yêu cầu đề.

Với câu hỏi Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng cần nêu 2 biện pháp tu từ.

Hiểu

0,75 điểm

- Nêu 2 ý

- Tách ý rõ ràng khi trả lời (xuống dòng lùi vào/ gạch đầu dòng)

- Mỗi ý cần được diễn đạt khoảng 2 - 3 dòng

  1. Câu hỏi:

- Nêu nội dung của văn bản.

- Hiểu như thế nào về đoạn thơ sau: "…"?

  1. Cách trả lời:

Học sinh cần nêu 2 ý.

- Ý 1: Trả lời câu hỏi "Đoạn thơ này nói về điều gì/ đề cập đến nội dung gì?"

- Ý 2: Trả lời câu hỏi "Người viết đã nói về điều ấy/ đề cập đến nội dung ấy với thái độ, tình cảm gì/ nhằm mục đích gì?"

Vận dụng

1,0 điểm

- Phần trả lời ít nhất có 2 nội dung.

- Đây là phần trả lời theo quan điểm cá nhân nên chủ yếu quan tâm đến việc trình bày đúng qui cách.

  1. Câu hỏi:

Em có đồng ý với ý kiến "…" được nêu trong văn bản không? Vì sao?

  1. Cách trả lời:

Học sinh cần nêu 2 nội dung.

- Nêu lựa chọn của bản thân (đồng ý/ không đồng ý).

- Nêu 3 nguyên nhân cho lựa chọn trên, mỗi nguyên nhân cần có từ nêu thứ tự (thứ nhất, thứ hai,.../ đầu tiên, tiếp theo, bên cạnh đó,...)


3. Rèn kĩ năng viết đoạn văn


Dù đây là kĩ năng không chiếm nhiều điểm trong đề thi nhưng học sinh cũng cần lưu ý cách viết để có thể đạt kết quả tốt trong kì thi. Bên cạnh việc nhận thức được lợi thế nhất định mà định hướng ra đề đã mở ra (chỉ rõ nội dung viết đoạn), học sinh cần có những điểm chung cần chú ý sau:

YÊU CẦU

TRIỂN KHAI

Dung lượng

200 chữ, viết khoảng 8 - 12 câu.

Hình thức

- Nên viết đoạn theo cấu trúc phối hợp (Tổng - Phân - Hợp)

- Đánh dấu các khía cạnh triển khai vấn đề bằng từ chỉ thứ tự (thứ nhất, thứ hai,.../ đầu tiên, tiếp theo, bên cạnh đó,...)

- Không xuống dòng khi nêu/ dẫn ra bằng chứng trong tác phẩm

- Sử dụng phép liên kết câu trong quá trình viết đoạn

Nội dung

- Câu mở đoạn phải nêu được 3 thông tin: Nhan đề tác phẩm - Tên tác giả - Yêu cầu đề.

- Câu kết đoạn phải nhắc lại được vấn đề nghị luận/ yêu cầu đề.

- Bài làm phải đi kèm với việc nêu/ dẫn ra bằng chứng trong tác phẩm

Diễn đạt

Tránh việc diễn đạt lủng củng, sai chính tả, dùng từ và chấm câu sai, chữ viết cẩu thả.

Nhiều khả năng hướng dẫn chấm sẽ có những lưu ý cụ thể như sau:

- Mắc từ 5 - 7 lỗi trừ 0,5 điểm

- Mắc từ 8 - 10 lỗi trừ 0,75 điểm

- Mắc trên 10 lỗi không cho vượt quá nửa số điểm cả câu.

Đặc biệt, học sinh cần có những chú ý riêng đến 2 yêu cầu viết đoạn, cụ thể như sau:

YÊU CẦU

VIẾT ĐOẠN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

VIẾT ĐOẠN NÊU CẢM NGHĨ

Yêu cầu cơ bản

- Đáp ứng yêu cầu về hình thức của đoạn văn (theo cấu trúc đoạn phối hợp), dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ).

- Câu mở đoạn phải nêu được 3 thông tin: nhan đề bài thơ, tên tác giả, nội dung cần phân tích

- Trong quá trình phân tích phải trích dẫn bằng chứng từ tác phẩm.

- Đáp ứng yêu cầu về hình thức của đoạn văn (có câu mở đoạn - phần thân đoạn - câu kết đoạn), dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ).

- Câu mở đoạn phải nêu được 3 thông tin: nhan đề bài thơ, tên tác giả, cảm xúc chung (bồi hồi, bâng khuâng, xúc động...) về bài thơ

- Dùng ngôi thứ nhất để trình bày cảm nghĩ về bài thơ.

- Trong quá trình nêu cảm nghĩ phải trích dẫn bằng chứng từ tác phẩm.

Bố cục cơ bản

Dạng 1: Phân tích nội dung chủ đề

- Nêu chủ đề

- Phương diện nội dung 1 của chủ đề

- ...

- Phương diện nội dung n của chủ đề

- Những nét đặc sắc nghệ thuật góp phần làm rõ chủ đề

Dạng 2: Phân tích đặc sắc nghệ thuật

- Nhận xét chung

- Nêu những biểu hiện cụ thể/ khía cạnh thể hiện của nét đặc sắc nghệ thuật ấy

- Hiệu quả thẩm mĩ của nét đặc sắc nghệ thuật ấy

- Vai trò của nét đặc sắc nghệ thuật.

Ý 1: Cảm nghĩ về nội dung bài thơ/ đoạn thơ

- Bồi hồi với khung cảnh, sự việc … mà tác giả tái hiện/…

- Xúc động với tình cảm, cảm xúc của tác giả hướng về…

Ý 2: Cảm nghĩ về hình thức bài thơ/ đoạn thơ

- Thú vị với những hình ảnh…

- Ấn tượng với những biện pháp tu từ …, nhịp thơ linh hoạt, gieo vần độc đáo,…


4. Rèn kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội


Trước hết, học sinh cần nhận thức được việc xuất hiện kiểu bài Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống ở lớp 8 là một lợi thế mà đề thi dành cho các em. Từ đó, điểm mấu chốt vẫn là việc học sinh cần nắm được yêu cầu và cách triển khai hai kiểu bài nghị luận xã hội có trong nội dung ôn tập để chuẩn bị tốt cho kì thi, có thể tóm tắt như sau:

YÊU CẦU

NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ

CỦA ĐỜI SỐNG

NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ

CẦN GIẢI QUYẾT

Yêu cầu cơ bản

- Đáp ứng yêu cầu về hình thức của bài văn (có Mở bài - Thân bài - Kết luận), dung lượng (khoảng 500 - 600 chữ).

- Mở bài phải nêu được vấn đề cần nghị luận

- Triển khai ít nhất 2 luận điểm

- Có sử dụng bằng chứng ở phần Thân bài, bằng chứng cần cụ thể, xác thực.

- Chú ý diễn đạt, chữ viết.

Bố cục cơ bản

  1. Giải thích
  2. Luận điểm trung tâm: Tập trung làm rõ tính đúng đắn của ý kiến (Nêu những điểm bản thân đồng tình với ý kiến)
  3. Luận điểm mở rộng:

Cách 1: Chỉ ra những vấn đề còn hạn chế của ý kiến (Nêu những điểm chưa đồng tình với ý kiến)

Cách 2:

- Chỉ ra những biểu hiện ngược vấn đề cần phê phán/ khen ngợi (Phản đề)

- Những việc cần làm để hạn chế/ phát huy (thực hiện) vấn đề mà ý kiến nêu ra (Nêu giải pháp)

  1. Giải thích vấn đề
  2. Luận điểm dẫn dắt: nêu thực trạng, nguyên nhân dẫn đến vấn đề, tác hại/ tác dụng của vấn đề (*)
  3. Luận điểm gắn với giải pháp 1: giải pháp dành cho đối tượng nào thực hiện, việc làm tương ứng là gì, dự kiến kết quả đạt được ra sao
  4. Luận điểm gắn với giải pháp 2: thường là giải pháp dành cho bản thân, việc làm tương ứng là gì, dự kiến kết quả đạt được ra sao

(*): Phần này có thể triển khai thành từng đoạn nhưng phải thật súc tích (dung lượng ngắn) vì trọng tâm của kiểu bài là phần nêu giải pháp.

Trên đây là những định hướng khái quát nhất về kiến thức và kĩ năng nhằm hỗ trợ cho học sinh trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10.

Bên cạnh việc củng cố những kiến thức và rèn luyện những kĩ năng này, học sinh cần rèn chữ/ chú ý chữ viết (nhiều khả năng trong hướng dẫn chấm sẽ yêu cầu trừ điểm nếu chữ viết cẩu thả) và luyện tập theo những đề thi được xây dựng theo đúng cấu trúc mà Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố để tăng thêm kinh nghiệm, mài sắc thêm những gì bản thân đã được GV hướng dẫn.

Chúc các em đạt được kết quả cao như ý trong kì thi tuyển sinh 10 sắp tới!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: