Phải làm gì khi bị chính bạn thân của mình nói xấu?

Thứ bảy, 16/11/2024 18:00 (GMT+7)

Đang đi thong dong, vừa thấy Quốc xuất hiện, Bình (14 tuổi, TP.HCM) đã nhíu mày, quay lưng sang hướng khác. Ủa, không phải hai bạn chơi thân với nhau sao?

Phải làm gì khi bị chính bạn thân của mình nói xấu? - Ảnh 1.

Khó chịu vô cùng khi phải nghe những lời nói xấu từ bạn bè - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Thấy “cấn cấn” nha!

Trước đây, Quốc và Bình đi đâu cũng kè kè nhau. Cuối tuần rảnh, hai bạn còn hẹn nhau qua nhà chơi game, ăn uống rồi đạp xe lòng vòng đi dạo.

Có vài lần, Bình rủ thêm bạn khác, Quốc tỏ vẻ khó chịu. Quốc còn chê bạn ấy đủ điều, nào học dở, nói chuyện thô lỗ nhìn thấy ghét... Mà Bình thấy bạn ấy không đến nỗi như vậy.

Chưa kể, sơ hở chút, Quốc xiên xỏ bạn ấy đủ điều và xúi Bình đừng chơi với bạn. Lúc này, Bình thấy bạn thân của mình “cấn cấn” sao đó.

Thôi nghỉ chơi!

Một hôm, Bình tình cờ nghe Quốc nói xấu mình với các bạn khác. Quốc lên giọng nói thằng đó có giỏi giang gì đâu, chuyện gì cũng nhờ Quốc. Rồi Quốc kể thêm hàng loạt chuyện riêng tư của Bình cho các bạn nghe với giọng mỉa mai, cạnh khóe. Bình không ngờ trước mặt Quốc cười đùa, tỏ vẻ thân thiết nhưng quay lưng đã nói xấu. Thôi, nghỉ chơi cho lành.

Tuy nhiên, khi ai hỏi hai bạn đang xảy ra chuyện gì, Bình chỉ cười cười cho qua chuyện và không tiết lộ thêm.

Ở một diễn biến khác, lúc gặp bạn bè, Quốc lại rêu rao chơi với Bình hết lòng mà sơ hở là giận. Con trai tính sao kỳ.

Đến nói xấu thầy cô

Mới đây, Xuân (13 tuổi, TP.HCM) bức xúc chia sẻ không chỉ đơm đặt, hay bêu rếu bạn bè, có bạn còn nói xấu cả thầy cô.

Một bạn trong lớp của Xuân mở miệng ra là chê bai bạn bè từ ngoại hình đến tính tình. Qua lời của bạn ấy, tự dưng ai cũng trở nên đáng sợ, xấu xí. Chưa hết, bạn còn bỡn cợt luôn thầy cô. 

Chơi với một người bạn có tật hay nói xấu người khác, bạn bè khó chịu vô cùng. Bình, Xuân và nhiều bạn khác bày tỏ nếu có việc gì hiểu lầm hoặc chưa rõ, các bạn nên thẳng thắn trao đổi lại. Các bạn chưa nắm việc mà đã đi bêu rếu, dễ mất tình bạn. Với lại, các bạn có sao nói vậy, đơm đặt chuyện thì bạn bè chê nha!

Nếu lỡ bị người khác nói xấu, bạn sẽ làm gì để thoát ra khỏi mệt mỏi, bực tức và suy sụp? Lật sang trang kế tiếp để bật ngay chế độ xuyên không qua những lời nói xấu nhé!

NGUYỄN TÚ (Để bảo vệ sự riêng tư, tác giả đã đổi tên các nhân vật trong bài)

Bạn cần làm gì khi bị... "nấu xói"?

"Nấu xói” là gì?

“Nấu xói” là nói xấu.

Nói xấu là việc ai đó nói những điều không hay, không tốt về bạn nhằm bôi nhọ hoặc làm giảm uy tín của bạn. Nói xấu có thể là nói đúng hoặc sai sự thật (xuyên tạc, bịa đặt) nhưng tất cả các thông tin đó đều có xu hướng tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới bạn.

Nói xấu thường là không công khai (nói xấu sau lưng). Nhưng trên mạng xã hội thì việc nói xấu lại diễn ra công khai và được lan truyền với “tốc độ ánh sáng”.

Điều đáng lo ngại là người nói xấu trên mạng thường không dùng tên (nick) thật nên bạn không biết người đó là ai. Nói xấu trên mạng chính là một trong những hình thức bắt nạt trực tuyến đang rất phổ biến hiện nay.

Nên làm gì khi bị nói xấu?

1. Giữ bình tĩnh

Phải làm gì khi bị chính bạn thân của mình nói xấu? - Ảnh 2.

ừng khóc, hãy bình tĩnh tìm cách giải quyết! - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Khi bỗng nhiên biết được có ai đó đang nói xấu mình hoặc tự nhiên thấy mình “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ trên mạng do bị ai đó tung tin bịa đặt, hẳn là bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu, bức xúc, hoang mang và tức giận.

Nếu người nói xấu bạn là người mà bạn quý mến và tin tưởng thì bạn còn cảm thấy như mình đang bị phản bội, trái tim bạn như vỡ tan vì đau đớn và tổn thương. Những cảm xúc tiêu cực đó có thể khiến bạn hành động một cách thiếu suy nghĩ và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Bởi vậy, trước tiên bạn phải hết sức bình tĩnh và làm dịu sự tức giận của mình bằng cách như: hít thở sâu, đếm từ 1 đến 50, uống 1 cốc nước lạnh, ra ngoài đi dạo... Hãy tự nhủ là: “Cứ từ từ, mọi việc đều sẽ có cách giải quyết”.

2. Phớt lờ, xem như không có chuyện gì

Không ai hoàn hảo và cũng không ai làm hài lòng tất cả mọi người. Cùng một sự việc nhưng mỗi người có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược. Bởi vậy, bạn đừng quá bận tâm tới những lời nói sau lưng bạn, nhất là khi lời đó được thốt ra bởi những người vốn không thân thiết và không có thiện chí với bạn.

Hơn nữa, nếu họ dựng chuyện nói xấu bạn để gây sự chú ý, để chọc tức bạn hay làm bạn tổn thương thì chỉ cần bạn tỏ ra không quan tâm, mục đích xấu của họ đương nhiên sẽ không đạt được.

Nếu việc nói xấu diễn ra trên mạng, bạn nên tạm ẩn hoặc xóa bài viết đang là “tiêu điểm” khiến bạn bị “ném đá”, khóa chức năng bình luận đối với bài viết đó hoặc khóa tài khoản mạng xã hội của bạn lại... để mọi chuyện dần lắng xuống.

3. Tìm cách giải quyết vấn đề

Nếu người nói xấu sau lưng bạn là người bạn muốn duy trì mối quan hệ (Ví dụ: người thân trong gia đình, bạn cùng lớp...), bạn nên tìm hiểu xem họ nói gì về bạn và lý do tại sao họ nói như vậy. Có thể họ không có ác ý gì mà chỉ muốn “kiếm chuyện làm quà” hoặc do họ chưa có đủ thông tin, do họ đang hiểu nhầm bạn hoặc có bức xúc gì đó...

Khi đã biết rõ lý do rồi, bạn hãy tự xem xét lại bản thân xem mình có sơ suất, thiếu tế nhị hay vô tình gì với người khác không? Nếu thấy có điều gì đó mình làm chưa tốt, cư xử chưa khéo léo hoặc vô tình làm tổn thương người khác, bạn hãy tìm cơ hội để nói chuyện và nhận lỗi với họ.

Thái độ thẳng thắn và chân thành của bạn sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc và xua tan đi hiểu lầm. Người nói xấu bạn cũng sẽ thấy rằng cách tốt nhất để giải quyết khúc mắc là nói chuyện trực tiếp với nhau chứ không nên xì xào sau lưng.

4. Không trả đũa hoặc nói xấu lại người nói xấu mình

Trả đũa người nói xấu bạn có thể nhất thời khiến bạn cảm thấy hả hê, bõ tức, nhưng sẽ làm đổ vỡ mối quan hệ của cả hai. Tranh cãi, mắng chửi, “bóc phốt” hay nổi giận với người đã cư xử không tốt với bạn chỉ khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí đi mà thôi. Hơn nữa, nếu bạn nói xấu lại người đã nói xấu bạn thì bạn cũng có khác gì họ đâu, đúng không nào?

Ngược lại, nếu bạn tha thứ cho họ và đối xử tử tế với họ thì bạn không chỉ trút bỏ được cảm xúc tiêu cực đang đè nặng lên tâm trí mà còn chứng tỏ cho mọi người thấy bạn là người độ lượng, bao dung và lương thiện. Người đã nói xấu bạn cũng cảm thấy xấu hổ, áy náy vì việc làm của họ.

5. Lên tiếng để tự bảo vệ bản thân

Trong đa số trường hợp, im lặng là cách ứng xử khôn ngoan, vừa giúp bạn tránh được xung đột, vừa khiến cho kẻ nói xấu bạn không có cơ hội thêu dệt thêm điều gì nữa.

Nhưng đôi khi sự im lặng của bạn lại khiến không ít người nghĩ rằng những gì người khác đang nói về bạn là đúng nên bạn mới không dám phản bác lại.

Bởi vậy, khi có người cố tình bịa đặt, lan truyền những điều không đúngvề bạn thì hơn ai hết, bạn nên là người đưa ra những bằng chứng để “minh oan” cho mình, giúp mọi người thấy rõ được rằng những lời bịa đặt về bạn là hoàn toàn vô căn cứ.

Ví dụ: Bạn đi cùng anh trai vào khách sạn để thăm một người họ hàng ở xa tới chơi nhưng có người chụp lén từ đằng sau và đăng lên Facebook, nói rằng bạn cùng bạn trai qua đêm ở khách sạn. Khi đó, bạn cần nói rõ cho mọi người biết rằng người đi cùng là anh trai bạn và mục đích các bạn vào khách sạn là để thăm họ hàng.

Bạn cũng có thể nhờ sự trợ giúp của những người mà bạn tin tưởng như: bạn bè, ba mẹ, thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý, luật sư... hoặc báo cơ quan chức năng (Công an, Tổng đài 111...) để được hỗ trợ khi cần thiết nhé!

6. Luôn suy nghĩ tích cực

Phải làm gì khi bị chính bạn thân của mình nói xấu? - Ảnh 4.

Đừng khóc, hãy bình tĩnh tìm cách giải quyết! - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Khi bị nói xấu, có khá nhiều bạn cảm thấy mất niềm tin vào mọi người, hoài nghi bản thân, thậm chí có những hành động làm tổn thương chính mình.

Thực ra, ai đó nói xấu sau lưng bạn tức là họ đang quan tâm tới bạn. Đôi khi, họ đưa chuyện như thế bạn lại được nhiều người chú ý hơn. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện sự sự tin và khéo léo trong cách ứng xử, qua đó mọi người không chỉ hiểu rõ về bạn mà còn thấy được bản lĩnh và sự tử tế của bạn nữa.

“Cây ngay không sợ chết đứng” - chỉ cần bạn tin tưởng vào bản thân, luôn nghĩ tới những điều tích cực thì không lời nói xấu nào có thể bôi nhọ được bạn. Người đàng hoàng và tử tế sẽ không nói xấu sau lưng người khác. Người nói xấu sau lưng bạn mãi mãi sẽ ở phía sau bạn mà thôi!

Nói xấu người khác có vi phạm pháp luật không?

Nói xấu người khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà người có hành vi nói xấu người khác có thể bị xử phạt như sau:

* Người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

* Người nào lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ- CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

* Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm (Tội làm nhục người khác, Điều 155 Bộ luật hình sự).

* Người nào bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm (Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự).

Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: