Phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc, góp phần làm nên thắng lợi 30-4

Thứ ba, 22/04/2025 14:04 (GMT+7)

Nhờ trận đánh cầu Rạch Chiếc, lực lượng xe tăng của Quân đoàn 2 phía ta thuận lợi vượt cầu, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30-4.

Phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc - Ảnh 1.

Các bạn học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu (Quận 8) mang sách Lịch sử đến xin chữ ký bác Nguyễn Đức Thọ - Ảnh: DUY LÊ

Là người nhận nhiệm vụ bắn phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc, bác Nguyễn Đức Thọ (thành viên Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận 8) vẫn nhớ rõ những ngày cuối tháng 4 -1975 hào hùng.

Năm 1972, bác Thọ mới 17 tuổi nhưng đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Ban đầu, bác được huấn luyện đặc công ở Hải Phòng.

Đến năm 1974, bác được bổ sung vào Z23, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động, Bộ Tham mưu miền B2. Nhiệm vụ chính của Z23 là tấn công Bộ Tư lệnh Hải quân địch tại số 1 Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận 1).

Trưa 25-4-1975, cấp trên thay đổi phương án, Z23 được chỉ đạo phối hợp đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ phía Đông của thành phố

Đúng 3h 15 phút sáng ngày 27-4, bác Thọ nhận nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh địch. Phát súng đó cũng là hiệu lệnh mở màn cho trận đánh cầu Rạch Chiếc, trận đánh sớm nhất và gần Sài Gòn nhất lúc ấy.

Bác Thọ chia sẻ: “Mục tiêu của ta là đánh chiếm và bảo vệ cầu, mở đường đại quân tiến vào. Nếu để địch phá cầu sẽ gây cản trở, các phương tiện kỹ thuật như xe tăng của ta sẽ khó vào được”.

Phát B40 mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc - Ảnh 2.

Bác Nguyễn Đức Thọ trong buổi giao lưu với học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu (Quận 8)- Ảnh: DUY LÊ

Thời điểm đó, hệ thống chỉ huy của địch vẫn còn đầy đủ nên chúng chống trả rất ác liệt. Phía ta chỉ có một đơn vị đặc công nên gặp nhiều khó khăn. Địch huy động nhiều trực thăng, pháo binh, tàu chiến bắn dồn dập khiến 52 chiến sĩ của ta hy sinh.

Riêng bác Thọ khi đang ẩn mình trong bụi dừa nước, địch bắn pháo luồng xuống sông khiến bác bị hất văng lên cao vài mét.

“Dù không bị thương nặng, nhưng do sức ép nặng từ pháo, da tôi bị căng nứt, phù nề và rất nóng, hai chân tê cứng. Phải nửa tháng sau mới dần hồi phục, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu”, bác kể.

Tuy địch chống trả quyết liệt nhưng đến ngày 29-4, nhận được lệnh, bác Thọ và đồng đội tiếp tục phản công để giành lại cầu. 

Nhờ đó, 7h sáng ngày 30-4, lực lượng xe tăng của Quân đoàn 2 phía ta thuận lợi vượt cầu, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bác Thọ nhớ lại, khi đại quân tiến vào Sài Gòn, không khí phấn khởi, người dân tràn xuống đường chào mừng.

Những ngày tiếp theo, họ còn mang cả nồi, bếp ra nấu ăn cho bộ đội. Khi cần mượn đồ hoặc xe để di chuyển, chỉ cần nói quân giải phóng, người dân sẵn sàng hỗ trợ.

“Sau ngày 30-4, tôi và đơn vị nhận nhiệm vụ trở về bảo vệ Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, kêu gọi công nhân tiếp tục làm việc, đảm bảo nguồn điện cho thành phố. Những hình ảnh, ký ức ấy mãi không phai trong tâm trí tôi”, bác Thọ xúc động kể lại.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: