Sử dụng điện thoại hợp lý: 'giải pháp' của teen

Thứ ba, 24/09/2024 13:44 (GMT+7)

Không ít teen chọn cách tự giới hạn thời gian sử dụng điện thoại để cập nhật thông tin, học tập và giải trí.

Sử dụng điện thoại hợp lý: 'giải pháp' của teen- Ảnh 1.

Một số teen chủ động tự giới hạn thời gian sử dụng điện thoại của bản thân - Ảnh minh họa: MAI TRÚC

Không chỉ ở trường mà việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều sau giờ học cũng có thể ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động khác của teen. Và có không ít bạn đã chủ động thay đổi.

Để không phân tâm vì... tiếng chuông điện thoại

Bạn Quách Thiện Nhân (học sinh lớp 10A1, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) cho biết, trường bạn cho phép học sinh mang theo điện thoại đến lớp, có thể sử dụng trước giờ học, trong giờ ra chơi hoặc những tiết học giáo viên cho phép để hỗ trợ làm bài tập, tra cứu thông tin.

Tuy nhiên, bạn khẳng định: "Mình không sử dụng điện thoại quá nhiều trong ngày vì sẽ bị phụ thuộc vào nó. Mình cũng thường nói không với điện thoại khi cần tập trung học bài: để sang một bên và tắt hết thông báo, thậm chí tắt nguồn".

Bạn Trần Nguyễn Kỳ Duyên (lớp 10A9, Trường THPT Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) nhận thấy bản thân hay bị xao nhãng bởi những thông báo trên các trang mạng xã hội.

Nên từ ý định tìm tài liệu học tập ban đầu, bạn dễ "lạc" sang những tin tức "hot" và ứng dụng giải trí, làm giảm hiệu suất học tập.

Để tránh "cám dỗ", Duyên thường bật chế độ tập trung trên điện thoại mỗi khi ngồi vào bàn học. Chế độ này sẽ tạm thời tắt hết mọi thông báo, cũng như vô hiệu hóa các ứng dụng ảnh hưởng đến sự tập trung của cô bạn.

Nhưng theo Duyên, khả năng tự kiểm soát bản thân mới là điều quan trọng. Việc không phụ thuộc vào điện thoại được quyết định chủ yếu bởi tính kỷ luật cá nhân: "Mình tự đặt ra kỷ luật cho bản thân phải tự biết "giờ nào, việc nấy", tránh tuyệt đối vừa học vừa chơi".

Đặt điện thoại xuống và đi ngủ trước 23h

Đó là 'nguyên tắc' bạn Tạ Hà Nguyễn Dương (sinh viên năm nhất Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) tự đặt ra cho bản thân và tuân thủ nghiêm ngặt trong năm học lớp 12.

Dương cũng xóa hết các ứng dụng đọc truyện, chơi game,… yêu thích trên điện thoại di động trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT.

Bù lại, các ứng dụng giải trí hấp dẫn này sẽ trở thành phần thưởng của bạn sau khi hoàn thành kỳ thi quan trọng.

Năm học 2023 - 2024, Dương đạt điểm trung bình cả năm cao nhất toàn khối 12 Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM), giành giải nhì môn ngữ văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố và đạt tổng 55,45 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Đối với bạn Đặng Minh Phúc (lớp 10C02, Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn, TP.HCM), tự quản lý hiệu quả thời gian và giữ được sự tỉnh táo trong việc dùng điện thoại là yếu tố cốt lõi để không ảnh hưởng thành tích.

Phúc cho biết bạn chỉ sử dụng điện thoại 1 - 2 tiếng/ngày vào những lúc rảnh rỗi hoặc khi cần tìm kiếm, tham khảo các dạng bài tập mới lạ. "Mình tự rèn cho bản thân một tinh thần "thép" để nói không với điện thoại những lúc cần thiết", Phúc nói.

Không muốn bỏ lỡ những trải nghiệm đáng nhớ

Bạn Dương Vân Anh (lớp 12A1, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang) cho biết, tuy có thể sử dụng điện thoại di động vào các giờ ra chơi tại trường, nhưng cô bạn vẫn thấy việc tương tác trực tiếp với bạn bè thú vị hơn nhiều.

Vân Anh nói: "Thỉnh thoảng, mình và các bạn cũng bị cuốn hút rồi "dán mắt" vào điện thoại mà không tham gia vào các hoạt động xung quanh. Tuy nhiên, mình hiểu được việc tương tác, trò chuyện trực tiếp với bạn bè sẽ thú vị hơn rất nhiều so với nhắn tin qua điện thoại hoặc lướt mạng xã hội. Mình đã cố gắng khắc phục để tránh bỏ lỡ những trải nghiệm đáng nhớ trong thời cấp ba".

Ngoài ra, theo Vân Anh, việc cân bằng giữa các phương pháp học tập truyền thống bên cạnh công nghệ cũng rất quan trọng. Cô bạn cho rằng sách giáo khoa, vở ghi chép, tài liệu in ấn và các ghi chú tay thường giúp ghi nhớ tốt hơn điện thoại hoặc máy tính bảng.

Tận dụng các tài liệu học tập truyền thống cũng giúp bạn nâng cao khả năng tư duy logic, phát triển kỹ năng tự học và nghiên cứu độc lập thay vì phụ thuộc vào công nghệ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn về con người; dạy học và hoạt động giáo dục; môi trường.

    Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục có 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về môi trường có 4 tiêu chí.

    Xem thêm

    Đáp án: