Đừng để kỳ nghỉ hè biến thành mùa nghiện điện thoại di động

Thứ sáu, 14/06/2024 11:00 (GMT+7)

'Tại sao mẹ la con?', trong tiếng khóc nức nở, M (12 tuổi, TP.HCM) gào thét. Mẹ quát lên: 'Đi ra khỏi nhà. Con không xứng đáng ở trong nhà này'. Căng nha!

Đừng để kỳ nghỉ hè biến thành mùa nghiện điện thoại di động- Ảnh 1.

Mở mắt ra là cầm remote - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Mở mắt đã cầm remote

Nghỉ hè, M tranh thủ ngủ thả ga. Khi nào mẹ gọi bạn mới lọ mọ dậy. Hôm nào mẹ bảo phơi đồ, quét dọn nhà cửa, M giả bộ ì ra ngủ nướng tiếp để trốn việc. Bực, mẹ quát, M cãi lại: “Tại sao cứ bắt con làm”.

Chưa kể, mở mắt M đã kiếm remote bật tivi. Bạn nằm dài trên ghế xem từ phim này đến phim khác. Ai chạm vào remote bạn la chí chóe đòi lại.

Hôm đó, ba đi làm về thấy M cứ xem tivi hoài. Ba cáu không cho M xem nữa. Không ngờ M làm ầm lên. Bạn hét to đến hàng xóm còn nghe thấy. Mọi người tưởng rằng trong nhà đang gặp chuyện gì nghiêm trọng chứ.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, khi mẹ đuổi M ra khỏi nhà, bạn hét lại: “Cái nhà này cũng là của con. Tại sao mẹ lại đuổi con?”. Không chịu nổi sự bướng bỉnh và hỗn láo của M, mẹ đánh phạt M.

Đi vệ sinh cũng mang theo điện thoại

Nếu M ghiền tivi thì G (11 tuổi, TP.HCM) lại u mê điện thoại. Bình thường đi học, G chỉ chơi vào buổi tối. Còn giờ nghỉ hè, G chơi mọi lúc mọi nơi. Khi đang “vào trận”, bạn nhịn ăn uống lẫn đi vệ sinh. Thậm chí đi vệ sinh qua quít để tiếp tục “đấu”. G cũng không dám tắm vì sợ mất thời gian.

Đừng để kỳ nghỉ hè biến thành mùa nghiện điện thoại di động- Ảnh 4.

Đi vệ sinh cũng cầm điện thoại - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Vừa rồi, cậu của G mua tặng bạn laptop để G có thêm dụng cụ học tập. Nào ngờ, G cày game từ điện thoại sang laptop. Cậu lắc đầu: “Thôi, thôi, cất luôn laptop là vừa”.

Lúc nào smartphone cũng trong tình trạng pin yếu

Tương tự như trường hợp của G, từ hồi hè, không ít bạn trở nên u mê điện thoại.

Đừng để kỳ nghỉ hè biến thành mùa nghiện điện thoại di động- Ảnh 5.

Nghe mẹ gọi làm việc nhà thì lăn ra ngủ tiếp - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Do ba mẹ đi làm cả ngày, anh em H (13 tuổi, TP.HCM) phải ở nhà một mình. Để tiện liên lạc, ba mẹ tạm thời đưa H giữ một cái điện thoại. Lúc nào ba mẹ kiểm tra, điện thoại của H cũng trong tình trạng pin yếu. Mới sạc pin được khoảng 50%, bạn lại rút ra dùng tiếp. Không ít lần, điện thoại của H bị sập nguồn.

Đến giờ ăn mẹ gọi, H cứ bấm bấm: “Con chưa hết trận mẹ ơi!”.

Thậm chí có lúc mẹ đang làm việc, bạn chạy vào phòng ôm bụng để lại điện thoại nhờ mẹ canh thời gian trong game giúp. Mẹ lắc đầu: “Con u mê game quá rồi, phải cấm thôi!”.

Bị cấm chơi là kiếm chuyện

Không chỉ trường hợp M mà cả G, H khi ba mẹ hạn chế, thậm chí cấm không dùng điện thoại, các bạn bắt đầu khó chịu.

Trước đây mỗi ngày, mẹ cho G dùng điện thoại 2 giờ. Tuy nhiên, bạn chơi liên tục không biết thời gian. Sau nhiều lần nhắc nhở mà G không thay đổi, mẹ tịch thu luôn điện thoại. Lúc này G bắt đầu cáu gắt. Mẹ kêu làm việc nhà, G đáp: “Con mệt” rồi nằm dài ra. Bạn còn chọc cho em khóc ầm lên… Mẹ G lắc đầu than thở mùa hè mới bắt đầu mà đã thấy nhức đầu.

Trường hợp của H cũng tương tự như vậy. Ba mẹ dặn làm việc nhà cứ lo bấm bấm. Đến lúc mẹ về mới phát hiện đống quần áo trong máy giặt để từ sáng đến chiều, bạn cũng chưa phơi. Mẹ phạt bằng cách hạn chế dùng điện thoại, cắt giảm tiền tiêu vặt thì H nhăn nhó: “Tại sao lại đối xử với con như vậy”.

Bạn ơi, chuyện nào cũng có nguyên nhân nè! Là thành viên trong gia đình, bạn nên có trách nhiệm phụ việc nhà.

Với lại nếu xem tivi, chơi game mà mang đến nhiều bất ổn cho bạn và gia đình thì bạn cần xem lại. Việc gì cũng nên có chừng mực vẫn tốt hơn. Thay vì xem tivi, chơi game, bạn hãy khám phá nhiều thứ khác như nấu ăn, đọc sách, đi trại hè… Chứ chơi nhiều quá, ba mẹ cấm, tịch thu điện thoại, laptop, bạn sẽ mất vui nha!

Bạn có là “nô lệ” của smartphone? Đâu là dấu hiệu nhận biết? Muốn thoát ra, bạn nên làm gì? Mời bạn mở sang trang Công dân số U15 để được chuyên gia tư vấn nhé!]

Ba mẹ nên bình tĩnh xử lý tình huống

Theo các chuyên gia tâm lý và xã hội học, làm cha mẹ là hành trình để ba mẹ hoàn thiện bản thân.

Ở lứa tuổi dậy thì, con cái thường nổi loạn. Đây là biến chuyển tâm lý bình thường. Tuy nhiên, nếu ba mẹ không khéo léo xử lý, mọi việc có thể đi xa theo chiều hướng tiêu cực. Thậm chí việc này dẫn đến mất kết nối trong gia đình.

Một trong những điều ba mẹ cần làm khi cả nhà xảy ra mâu thuẫn là bình tĩnh xử lý tình huống. Đồng thời, ba mẹ cần lắng nghe con để tìm ra cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh ngoài quyền, trẻ em cũng cần phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Đừng nên đổ lỗi cho ba mẹ

Theo bạn P (12 tuổi, TP.HCM) cho biết một trong những lý do các bạn nghiện lướt mạng, chơi game là do ba mẹ thường xuyên đi làm, chưa dành nhiều thời gian chơi cùng các bạn. Trong năm học, các bạn đi học cả ngày. Còn nghỉ hè, các bạn ở nhà từ sáng đến tối nên chán lắm!

Trong khi đó, T (13 tuổi, TP.HCM) cho rằng thay vì đổ lỗi cho ba mẹ, các bạn nên yêu thương và chia sẻ với ba mẹ nhiều hơn. Bởi trong khi các bạn được nghỉ ngơi, thư giãn, ba mẹ vẫn vất vả đi làm kiếm tiền trang trải cho cả nhà.

Nghiện điện thoại mang lại ích lợi gì không? Thay vào đó, các bạn nên làm ba mẹ an tâm bằng cách hạn chế thời gian dùng tivi, điện thoại và phụ việc nhà với ba mẹ.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: