Teen Đồng Tháp gây ấn tượng với sáng kiến giải quyết đồ ăn thừa ở căn tin

Thứ ba, 22/10/2024 13:06 (GMT+7)

Nhóm bạn lớp 12A1 Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp) chiến thắng cuộc thi Sáng kiến xây dựng xã hội bền vững với ý tưởng siêu hay xuất phát ngay từ thực tế.

Teen Đồng Tháp gây ấn tượng với sáng kiến giải quyết đồ ăn thừa ở căn tin- Ảnh 1.

Các thành viên nhóm: Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Hoàng Khương, Nguyễn Quế Phương, Nguyễn Ngọc Minh Anh - Ảnh: NVCC

Sáng kiến giải quyết thức ăn thừa ở căn tin trường tại Đồng Tháp

Vừa qua, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức cuộc thi Sáng kiến xây dựng xã hội bền vững (SSC - Sustainable Society Challenge) lần thứ II năm 2024 với chủ đề "Vì một Cộng đồng xanh và bền vững". Giải nhất thuộc về nhóm học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp).

Nhóm bao gồm các thành viên: Nguyễn Ngọc Minh Anh, Nguyễn Quế Phương, Nguyễn Ngọc Hoàng Khương, Nguyễn Đăng Khoa cùng giáo viên cố vấn Nguyễn Xuân Mỹ. 

Đội thi của các bạn có tên gọi Adventure of Planet Keeper Kids (Cuộc phiêu lưu của những đứa trẻ bảo vệ hành tinh). Tên gọi được phát triển từ 4 chữ cái đầu tiên trong tên của các thành viên, cũng liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường.

Theo đó, dự án mà các bạn mang đến cuộc thi là mô hình sản xuất phân bón hữu cơ bằng cách dùng chế phẩm sinh học acid humic để phân giải thức ăn thừa. 

Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng cho dự án, nhóm cho biết các bạn mong muốn bắt đầu giải quyết các vấn đề xảy ra xung quanh, gần nhất chính là trường học.

Teen Đồng Tháp gây ấn tượng với sáng kiến giải quyết đồ ăn thừa ở căn tin- Ảnh 2.

Phân bón hữu cơ từ thức ăn thừa - Ảnh: NVCC

Lúc đó, bạn Đăng Khoa nhận thấy trường có vườn rau hữu cơ xanh tốt và là nơi thực hành môn công nghệ của học sinh trường nên thích hợp để thành đối tượng nghiên cứu. 

Các bạn bắt đầu thử nghiệm ủ phân bón bằng cỏ, rơm rạ, cành lá khô trong trường với các chế phẩm sinh học khác nhưng chưa thành công và cũng không mới mẻ nên thất bại khá nhiều lần.

Sau đó, các bạn quan sát được mỗi tháng, lượng thức ăn thừa tại căn tin rất nhiều. Kết hợp với việc nhóm tìm hiểu được chất acid humic có thể phân giải được mọi loại thức ăn thừa nên chọn ý tưởng này.

Teen Đồng Tháp gây ấn tượng với sáng kiến giải quyết đồ ăn thừa ở căn tin- Ảnh 3.

Quá trình các bạn thử nghiệm phân bón trên 4 chậu cậy cùng 1 giống cây, cùng kích thước; 2 chậu tưới nước phân bón hữu cơ (phân bón hữu cơ từ thức ăn thừa có dạng đặc và sệt, cần pha loãng với nước để tưới cho cây), còn 2 chậu không tưới nước - Ảnh: NVCC

"Theo tụi mình thì tận dụng thức ăn thừa đúng cách cũng chính là sử dụng tốt các nguồn tài nguyên. Việc sản xuất phân bón hữu cơ sẽ giảm lượng phân hóa học. Từ đó giúp giảm ô nhiễm môi trường", Minh Anh (đội trưởng) chia sẻ.

Điểm mới mà dự án mang lại chính là việc tận dụng nguồn thức ăn thừa của căn tin trường học. Mô hình này cũng có thể ứng dụng vào việc dạy học môn công nghệ tại trường cũng như phổ biến đến các trường khác sở hữu vườn rau hữu cơ.

Ngoài ra, do thức ăn thừa được ủ kín khí để làm phân hữu cơ nên nhóm cần giải quyết vấn đề mùi hôi của quá trình này. Các bạn đã thiết kế và chế tạo mô hình mô phỏng thùng chuyên dụng làm phân hữu cơ. Cùng với đó là việc dùng thêm các loại men vi sinh để giảm mùi.

Bước ra khỏi vùng an toàn

Đây là lần đầu tin mà 4 thành viên tham dự một cuộc thi có quy mô lớn. Minh Anh cho biết quá trình tham gia cuộc thi tuy có nhiều vất vả nhưng cả nhóm đều thấy rất vui và có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.

Ngày diễn ra chung kết, nhóm và giáo viên hướng dẫn còn phải thức tới 5h sáng để sửa số liệu cho bài thuyết trình. Hay những lúc bất đồng quan điểm, cùng nhau đi ăn khuya, thiết kế mô hình,... đều là những kỷ niệm đẹp.

Teen Đồng Tháp gây ấn tượng với sáng kiến giải quyết đồ ăn thừa ở căn tin- Ảnh 5.

Nhóm đến thăm và xin thử nghiệm phân bón trên vườn cây của ông Nguyễn Văn Gọn (ông nội của bạn Đăng Khoa) - Ảnh: NVCC

Trong quá trình tham gia cuộc thi, các bạn cũng nhiều lần di chuyển từ Đồng Tháp đến TP.HCM để thi sơ khảo, thi chung kết, tham gia tập huấn.  Qua đó mà các bạn có thêm nhiều kiến thức về cách xác định đối tượng khách hàng, tính toán chi phí, cách thức truyền thông để quảng bá cho dự án.

Bên cạnh đó, kỹ năng thuyết trình của các thành viên cũng thăng hạng đáng kể khi có thể trình bày và phản biện trước hội đồng ban giám khảo là các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ,...

"Tụi mình phân chia các đầu việc theo điểm mạnh của từng người. Khi đi thi thì nhóm động viên nhau bình tĩnh, giữ tâm lý ổn định, vui vẻ không đặt nặng thành tích. Tụi mình đã thấy được nhiều dự án hay của các nhóm khác và kết bạn với các bạn ấy nữa", Minh Anh chia sẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: