Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - Kỳ 3: Làm chủ hay lạm dụng trí tuệ nhân tạo?

Chủ nhật, 04/05/2025 19:42 (GMT+7)

AI đã mang đến nhiều cơ hội, lợi ích. Tuy nhiên, việc sử dụng AI một cách lệ thuộc, sử dụng để đối phó với thầy cô, với các kỳ thi… sẽ khiến teen lười tư duy và sáng tạo.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 3 Làm chủ hay lạm dụng trí tuệ nhân tạo? - Ảnh 1.

Bạn Mai Phương - Ảnh: NVCC

Ranh giới giữa lợi ích và… rắc rối

Là chủ nhiệm của câu lạc bộ LHP Science Club, chuyên nghiên cứu khoa học nên bạn Đặng Trường Phát (lớp 11CT1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5) cũng hào hứng tìm hiểu và sử dụng AI: “Gần đây, mình quen dùng ChatGPT thay cho Google. ChatGPT có thể gợi ý, hướng dẫn, trao đổi thêm cách học như một người bạn”.

Phát thường yêu cầu ChatGPT đưa ra ý tưởng để giải quyết bài tập. Dần dần cậu bạn phát hiện khi bản thân gặp bất kỳ vấn đề gì, điều đầu tiên nghĩ đến là nhờ ChatGPT giải quyết. “Trước đây não mình khá nhạy bén nghĩ ra nhiều ý tưởng, bây giờ khi mình thử ngồi xuống tự tìm ý tưởng mới và không nhờ AI, mọi thứ khó hơn trước”, Phát chia sẻ.

Phát cho biết AI giúp tìm thông tin nhanh, cô đọng, nhưng đôi khi chưa chính xác, nếu không cẩn thận kiểm tra lại.

Cuối năm 2024, bạn Đ.H (Tiền Giang) rơi vào thời gian cao điểm ôn tập, phấn đấu thi học sinh giỏi: “Mình gần như dành hết thời gian tập trung cho các môn tự nhiên, nhất là môn Lý. Vì không đủ thời gian cân đối thời khóa biểu, mình sử dụng AI giúp hỗ trợ giải quyết bài tập những môn xã hội. Mình nghĩ nhờ AI giải quyết bài tập cũng không rắc rối gì, vì khi nghe thầy cô dạy trên lớp mình đều hiểu bài.

Nhưng kết quả không như mình nghĩ, do ỷ lại vào AI đã khiến điểm số mình bị chênh lệch, nhiều kiến thức sâu mình không nắm rõ. Thậm chí giáo viên còn nhận xét mình đang học không đều các môn”.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và phân tích tiến độ học tập, rút ngắn thời gian hoàn thành các tín chỉ, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh, giúp lực lượng chức năng truy vết người qua dữ liệu camera an ninh… nhiều bạn teen gen Z, gen Alpha đang không ngừng học hỏi, sáng tạo để không bị “lỗi nhịp” trong kỷ nguyên số.

Bạn Mai Phương (sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, việc sử dụng AI để tra cứu thông tin là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Dù vậy, bạn cũng nhiều lần gặp những tình huống oái oăm do quá tin tưởng vào công cụ này.

Có lần, Phương cần tìm hiểu về một bài toán mới được thầy cô dạy. Phần mềm AI đã cung cấp thông tin rất nhanh, nhưng sau khi áp dụng theo công thức mà AI đưa ra, bạn phát hiện thông tin đó chỉ đúng với một trường hợp đặc biệt, không phải trường hợp của mình. Kết quả là Phương phải tốn thời gian chỉnh sửa và làm lại từ đầu.

Một lần khác, Phương và nhóm bạn sử dụng phần mềm AI để tìm kiếm ý tưởng cho bài thuyết trình. Các bạn đã chủ quan, không tìm hiểu kỹ hơn trong sách mà trực tiếp đem gợi ý của AI vào bài thuyết trình. Khi trình bày trước lớp, cả nhóm bị giáo viên phát hiện và phê bình. Thậm chí, có một vài luận điểm còn dựa trên những nghiên cứu không chính thống, thiếu cơ sở khoa học.

Bạn Phạm Phương (sinh viên năm nhất Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) thường sử dụng chatbot AI trong suốt buổi học. Việc này giúp bạn thấy yên tâm hơn, nhất là những lúc bị giáo viên hỏi bài bất chợt. Ứng dụng cũng giúp bạn giải bài tập một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian so với việc tự tìm hiểu và giải quyết.

Tuy nhiên, lần nọ Phương đã sao chép nguyên bản câu trả lời của AI vào bài kiểm tra. Hậu quả là bạn bị giáo viên phát hiện làm bài sai, ngôn từ cứng nhắc. Bài kiểm tra đã nhận về số điểm rất thấp. Phương nhận ra AI không thể cung cấp chính xác toàn bộ thông tin.

Không chỉ dùng AI hỗ trợ học tập, Nhã Như (sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế TP.HCM) thường tìm đến chatbot AI để lắng nghe lời khuyên, tâm sự khi gặp rắc rối trong cuộc sống. Ban đầu, những cuộc trò chuyện với chatbot giúp Như xoa dịu căng thẳng, phá bỏ cảm giác cô đơn trong những lúc khó khăn nhưng về lâu dài, sự phụ thuộc này lại khiến cô bạn cảm thấy không cần thiết tìm kiếm những mối liên hệ bên ngoài.

Cảm giác này càng rõ rệt khi Như nhận thấy mình dần trở nên khép kín, ít chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh. Ý thức được điều đó nên Như phải đặt ra mục tiêu trò chuyện với bạn bè nhiều hơn để có thể “cai nghiện” chatbot.

Làm chủ AI cùng giáo viên

Theo thầy Phạm Điền Khoa (giáo viên môn vật lý, Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5), việc ứng dụng AI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cải tiến, thay đổi phương pháp giáo dục của thầy cô cả nước. Vì vậy, Trường THPT Trần Khai Nguyên đã áp dụng AI giảng dạy trong hai năm trở lại đây.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 3 Làm chủ hay lạm dụng trí tuệ nhân tạo? - Ảnh 2.

Thầy Phạm Điền Khoa luôn tìm phương pháp giảng dạy mới cho học sinh - Ảnh: DUY LÊ

“Đối với các lớp tôi giảng dạy, các bạn học sinh đều có tài khoản để học các nội dung online, sử dụng thành thạo Padlet, Google Form, Azota trong tiết học. Sử dụng ChatGPT để tìm hiểu về ngành nghề cũng như nhiều tài liệu liên quan”, thầy Khoa chia sẻ.

Bạn Đức Cường (lớp 12, Trường THPT Trần Khai Nguyên) cho biết, việc học của bạn trở nên sinh động hơn khi thầy cô hướng dẫn nhiều cách để “làm chủ” AI như học sinh sẽ sử dụng K12Online để học tập trực tuyến, tìm hiểu trước nội dung lý thuyết trước khi lên lớp. Khi gặp thầy cô, học sinh sẽ trao đổi lại những vấn đề thắc mắc cùng giáo viên.

Học sinh được hướng dẫn sử dụng app Phyphox thực hiện thí nghiệm vật lý tại nhà, lấy những số liệu cần đo như thời gian, tần số, cường độ âm, gia tốc... để phục vụ cho tiết học mà không cần dùng đến các thiết bị chuyên dụng ở phòng thí nghiệm.

Thầy Khoa cho biết thêm: “Học sinh cũng được giáo viên hướng dẫn sử dụng ChatGPT trong giới hạn cho phép để tìm hiểu về các chuyên đề lý thuyết. Điều này giúp học sinh được mở rộng không gian học và thoải mái hơn trong việc tiếp cận thực tế”.

Ngoài giờ học chính, Đức Cường còn được trường cho tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ liên quan đến AI như ngoại khóa Vật lý thiên văn.

Quan sát Mặt Trăng, sao Mộc bằng kính thiên văn, xác định vị trí các chòm sao thông qua ứng dụng Solar System Scope hoặc StarTracker Lite. Câu lạc bộ Toán học tổ chức tập huấn cho học sinh sử dụng công nghệ thực tế ảo để học hình học không gian...

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 3 Làm chủ hay lạm dụng trí tuệ nhân tạo? - Ảnh 3.

Teen THPT Trần Khai Nguyên cùng tìm hiểu app Phyphox phục vụ cho học tập - Ảnh: ĐIỀN KHOA

Tuy nhiên, thầy Khoa cũng cảnh báo rằng AI sẽ mang đến tâm thế ỷ lại, lười tìm hiểu thông tin, ngán tư duy khi gặp vấn đề. Để khắc phục điều này, thầy thường định hướng nhiệm vụ học tập cụ thể cho học sinh thông qua cách thức kiểm tra mới lạ, tránh đi vào lối mòn để học sinh phải thực sự tìm hiểu vấn đề từ bản chất chứ không dừng ở việc tái hiện lại kiến thức tìm được.

“Ví dụ, bản thân tôi khi kiểm tra hay vấn đáp học sinh đều cho các em những câu hỏi đồng nghĩa nhưng khác số liệu với những nội dung mình cung cấp. Để xem học sinh có hiểu sâu vấn đề hay chỉ là tái hiện một cách máy móc”, thầy Khoa chia sẻ.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 3 Làm chủ hay lạm dụng trí tuệ nhân tạo? - Ảnh 4.

Teen sử dụng công nghệ thực tế ảo để học hình học không gian - Ảnh: ĐIỀN KHOA

Mời bạn tiếp tục đón đọc kỳ 4: Tự tin bước vào kỷ nguyên số với chia sẻ kinh nghiệm từ các giáo sư, các sinh viên đang nghiên cứu, học tập, ứng dụng chuyên sâu về AI.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: