Teen THPT Marie Curie với dự án 'đi tìm đà điểu'

Thứ năm, 22/02/2024 10:08 (GMT+7)

Nhóm nghiên cứu khoa học của hai teen lớp 11 Trường THPT Marie Curie đã khảo sát trên 711 học sinh TP.HCM để đưa ra một phát hiện thú vị về hiệu ứng đà điểu.

Teen THPT Marie Curie với dự án 'đi tìm đà điểu'- Ảnh 1.

Nhóm dự án (từ trái qua): Nguyễn Hồ Minh Đức, cô Nguyễn Thị Bối Bối và Huỳnh Cao Sơn - Ảnh: NGUYÊN THẢO

Nhóm nghiên cứu khoa học của hai bạn Nguyễn Hồ Minh Đức và Huỳnh Cao Sơn (lớp 11) với sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Bối Bối (Trường THPT Marie Curie, quận 3) đã khảo sát trên 711 học sinh TP.HCM, và nhận được kết quả là... 465 bạn (65,2%) mắc “hiệu ứng đà điểu”.

Sau khi khảo sát về “đà điểu”, hai bạn Minh Đức và Cao Sơn đã cùng cô Bối Bối đi tìm giải pháp cho hiện tượng tâm lý này.

Đối mặt khó khăn

Bạn Minh Đức chia sẻ, nhóm đã chọn ra 5 bạn học sinh ở trường đang thuộc mức cao của “hiệu ứng đà điểu”. Có bạn thì sợ học Toán, có bạn sợ làm bài nhóm... Điểm chung của các bạn này là né tránh, không tập trung trong những nhiệm vụ học tập.

Bạn A.N (học sinh trường) luôn trốn tránh thuyết trình. Trong giờ học thuyết trình, A.N thường xuyên xin đi vệ sinh, hay tìm cớ để ra khỏi lớp vì sợ bị gọi lên bảng.

Teen THPT Marie Curie với dự án 'đi tìm đà điểu'- Ảnh 2.

Bạn Cao Sơn giải thích về găng tay cảm xúc với nhóm bạn tham gia dự án - Ảnh: NGUYÊN THẢO

Nhóm nghiên cứu đã cho A.N thử giải pháp đầu tiên, gọi là “phơi nhiễm”. Đây là từ các bạn dùng để diễn tả việc đối mặt với khó khăn, thử thách.

Thay vì để A.N tiếp tục trốn tránh, các bạn đã nói chuyện riêng với giáo viên bộ môn để A.N có cơ hội lên thuyết trình và được nhìn tài liệu để bạn đỡ hồi hộp.

Bạn Cao Sơn thì gặp khó khăn trong việc thuyết phục bạn mình tham gia dự án. A.N vốn sợ thuyết trình, khi gặp dự án này lại càng muốn thu mình.

Sơn đã tìm mọi cách động viên A.N, kể những gương từ người không biết nói chuyện trở thành diễn thuyết gia nổi tiếng... mới nhận được cái gật đầu của A.N.

Găng tay cảm xúc cho teen 'sợ học'

Song song với “phơi nhiễm”, các bạn đã thuyết phục bốn bạn cùng lớp học giỏi tham gia giúp đỡ bạn bị “hiệu ứng đà điểu”.

Bốn bạn này bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích bạn của mình, đồng thời lắng nghe và giúp bạn tháo gỡ khó khăn. Chiếc găng tay cảm xúc được các bạn sử dụng để giúp bạn mình nhận diện nỗi sợ và tìm giải pháp.

Theo đó, găng tay phải để A.N ghi những điều khiến mình thấy khó khăn, sợ hãi đối với việc học. Găng tay trái là những giải pháp của cô giáo và bốn bạn hỗ trợ để giúp A.N tháo gỡ khó khăn.

Bạn sẽ giữ găng tay này hoặc đeo vào để có thêm động lực, dũng cảm mỗi khi muốn né tránh.

Teen THPT Marie Curie với dự án 'đi tìm đà điểu'- Ảnh 4.

Ảnh: NGUYÊN THẢO

Teen THPT Marie Curie với dự án 'đi tìm đà điểu'- Ảnh 5.

Găng tay trên ghi giải pháp, găng tay dưới ghi nguyên nhân nỗi sợ- Ảnh: NGUYÊN THẢO

Sau một tháng tham gia dự án, A.N đã không còn sợ thuyết trình trước lớp, bạn còn... xung phong trả lời câu hỏi của thầy cô. A.N đã giảm hẳn “hiệu ứng đà điểu” nhờ sự phối hợp của hai giải pháp này.

Dự án đã đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Thành phố năm học 2023 - 2024.

Hiệu ứng đà điểu là gì?

Hiệu ứng đà điểu ban đầu được dùng trong ngành kinh tế, chỉ những nhà đầu tư phớt lờ những rủi ro, giống như chú đà điểu vùi đầu trong cát khi gặp nguy hiểm.

Hiện nay, cụm từ này được dùng phổ biến trong nhiều lĩnh vực để chỉ người trốn tránh những khó khăn.

Biểu hiện phổ biến của “hiệu ứng đà điểu” trong học tập là chúng mình trốn tránh, sợ hãi các tiết học không thích, thoái thác nhiệm vụ khi tham gia hoạt động nhóm, lựa chọn vị trí khuất trong lớp để né tránh giáo viên.

Teen THPT Marie Curie với dự án 'đi tìm đà điểu'- Ảnh 6.

Ảnh: NGUYÊN THẢO

Bạn có đang gặp hiệu ứng đà điểu?

Bạn tự cho điểm từ 1 đến 5 theo mức độ: Hiếm khi → Thỉnh thoảng → Thường xuyên → Khá thường xuyên → Luôn luôn xuất hiện. Sau đó bạn cộng điểm các câu lại, chia cho 10 để ra điểm trung bình nhé!

1. Luôn xuất hiện suy nghĩ tiêu cực về những thử thách, khó khăn phía trước.

2. Luôn cảm thấy năng lực của bản thân hạn hẹp, không thể vượt qua mọi khó khăn.

3. Tự ti, mặc cảm về năng lực học tập của bản thân.

4. Lo lắng khi được phân công nhiệm vụ học tập.

5. Xấu hổ khi không hoàn thành nhiệm vụ (hoặc trả lời sai câu hỏi của giáo viên).

6. Im lặng, từ chối giao tiếp với bạn bè trong hoạt động nhóm.

7. Rụt rè, nhút nhát trước đáp án của bản thân.

8. Né tránh, từ chối các nhiệm vụ học tập được phân công.

9. Không chủ động phát biểu ý kiến xây dựng bài học trên lớp.

10. Không quan tâm, phớt lờ các nhiệm vụ học tập.

Kết quả:

• 2.61 - 5.0: Bạn CÓ biểu hiện của “hiệu ứng đà điểu”. Càng gần với số điểm 5.0, bạn ở mức độ cao của hiệu ứng này.

• 1.0 - 2.6: Bạn KHÔNG CÓ biểu hiện của “hiệu ứng đà điểu” hoặc biểu hiện rất ít.

*Thông tin tham khảo từ nhóm nghiên cứu.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: