Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo

Thứ sáu, 07/03/2025 13:48 (GMT+7)

Giấy vụn bỏ đi qua đôi tay khéo léo của thầy Ngô Minh Khôi (giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Tô Hiệu, Hà Nội) biến thành những đồ dùng dạy học ấn tượng.

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 1.

Thầy Khôi tạo khung mô hình đầu động vật bằng bìa cứng - Ảnh: NVCC

Những mô hình giảng dạy sáng tạo từ giấy vụn

Thầy Ngô Minh Khôi (giáo viên mỹ thuật của Trường tiểu học Tô Hiệu, Hà Nội) nổi tiếng mạng xã hội với những bức tranh sống động vẽ trên sỏi, chai thủy tinh cũ. 

Gần đây, thầy thử sức với lĩnh vực mới: biến giấy vụn thành đồ dùng giảng dạy, từ đó khơi dậy tình yêu nghệ thuật và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 2.
Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 3.

Thầy giáo mỹ thuật của Trường tiểu học Tô Hiệu nổi tiếng nhờ các tác phẩm vẽ kỳ công trên sỏi, chai thủy tinh cũ - Ảnh: NVCC

Một ngày, khi nhìn thấy giấy vụn vứt đầy trong thùng rác lớp học, thầy băn khoăn: "Làm thế nào để tái chế số giấy này mà vẫn có thể truyền tải thông điệp tiết kiệm giấy trắng cho học trò, hạn chế rác thải?".

Sau nhiều ngày suy nghĩ, thầy nảy ra ý tưởng tận dụng giấy vụn để tạo thành mô hình học tập trong các tiết dạy mỹ thuật của mình.

Ban đầu, thầy Khôi gặp không ít khó khăn trong việc xử lý giấy vụn để tạo hình sản phẩm. Theo thầy, thử thách lớn nhất là việc tạo khối nổi cho các mô hình.

Phải thử nghiệm qua 3 tác phẩm đầu tiên, thầy mới tìm ra cách để giấy bám chắc vào khung và đưa giấy vụn vào bên trong các khối. Đặc biệt, công đoạn bồi giấy cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần thực hiện cẩn thận để bề mặt sản phẩm được đẹp và mịn màng.

Những tiết học tái chế được học trò mong chờ

Lần đầu mang đồ dùng giảng dạy làm từ giấy tái chế đến lớp, học sinh của thầy cực kỳ hào hứng.

Những con vật không còn là những hình ảnh tĩnh trên trang sách mà trở nên sống động ngay trước mắt học sinh. Chúng trở thành đối tượng trực quan để các em nhìn, sờ và cảm nhận.

"Tiết học giống như một cuộc khám phá, các em tò mò xem từng chi tiết, từ đôi mắt đến lớp vảy của chú tắc kè, hay bộ lông của con nai,... Điều đó khiến tôi có thêm động lực tiếp tục sáng tạo", thầy hồi tưởng.

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 5.
Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 6.

Các mô hình tắc kè hoa, đầu hươu,... khiến học sinh tò mò, thích thú - Ảnh: NVCC

Trong số những tác phẩm đã thực hiện, chú tắc kè hoa là sản phẩm thầy Khôi tự hào nhất. Bởi đây vừa là tác phẩm tái chế đầu tiên của thầy, vừa là sản phẩm được thầy tạo ra cùng học sinh.

Thầy khôi kể, các em không chỉ giúp thầy thu thập giấy vụn mà còn cùng tham gia bồi giấy, tạo hình. Khi sản phẩm hoàn thành, cả thầy và trò đều vui.

Thầy vui vẻ kể: "Trước đây, các em hay vứt bỏ giấy vụn, nhưng từ khi có những bài học tái chế, nhiều em đã giữ lại giấy cũ, bìa cứng để tái sử dụng trong tiết của tôi".

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 7.

Thầy hướng dẫn các bạn nhỏ cắt bìa cứng, làm mô hình trong tiết mỹ thuật - Ảnh: NVCC

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 8.

Mô hình cá, rùa, thỏ,... đang trong quá trình bồi giấy do học sinh thực hiện - Ảnh: NVCC

Theo thầy, tái chế có thể trở thành một phương pháp giáo dục bền vững trong trường học, giúp học sinh rèn luyện tư duy sáng tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm với môi trường. Yếu tố quan trọng nhất để lan tỏa tinh thần này chính là sự hướng dẫn, đồng hành của thầy cô giáo.

"Tôi luôn ấp ủ ý tưởng tổ chức các workshop tái chế trong trường và cả ngoài cộng đồng để giáo viên, học sinh cùng sáng tạo, lan tỏa những điều tích cực mà tái chế mang lại", thầy chia sẻ về dự định sắp tới.

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 9.
Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 10.

Một số thành phẩm làm từ bìa carton dễ thương của thầy và trò - Ảnh: NVCC

Cách làm đầu chú hươu từ giấy vụn

Thầy Khôi đã tận dụng bìa carton cũ và giấy vụn để tạo nên sản phẩm đầu chú hươu với các bước như sau:

Thầy giáo Hà Nội tái chế giấy vụn thành đồ dùng dạy học độc đáo- Ảnh 11.

Các bước thực hiện trước khi hoàn thành chiếc đầu hươu nhìn y như thật - Ảnh: NVCC

Bước 1: Vẽ phác thảo hình đầu chú hươu lên bìa carton.

Bước 2: Dùng bìa carton tạo các khối nổi cho mắt, đầu và sừng rồi nhồi giấy vụn vào bên trong để tạo độ chắc chắn.

Bước 3: Ngâm giấy vụn với keo sữa, sau đó bồi lên khuôn đầu hươu. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, bởi sau mỗi lần bồi lại phải đợi giấy khô hoàn toàn trước khi tiếp tục.

Bước 4: Tô màu lên sản phẩm để tạo hiệu ứng sống động, chân thực.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: