Nữ sinh Trường THPT Thanh Đa mở workshop làm nón len tặng trẻ vùng cao

Thứ bảy, 07/09/2024 06:58 (GMT+7)

Tại quán cà phê, Trương Bảo Linh Đan (lớp 11, Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh) tận tình hướng dẫn từng mũi móc len cho 30 bạn trẻ.

Nữ sinh Trường THPT Thanh Đa mở workshop làm nón len tặng trẻ vùng cao- Ảnh 1.

Linh Đan (trái) trong workshop của mình - Ảnh: YÊN HÀ

Cũng như nữ sinh Trường THPT Thanh Đa, những bạn trẻ tham gia workshop ấp ủ mơ ước có đủ hàng trăm chiếc nón ấm cho những đứa trẻ vùng cao.

Tâm huyết của cô giáo nhỏ

Công việc bắt đầu từ một sáng cuối tuần tháng 8, Đan dậy sớm để làm “cô giáo”. Mẹ phụ Đan chất hàng trăm cuộn len đủ màu lên thùng chở đến không gian buổi workshop Đan móc len do bạn tổ chức ở quận Bình Thạnh.

Khi mọi người ngồi kín quán cà phê, có nhiều bạn gen Z nhưng cũng có những cô chú lớn tuổi. Tất cả chăm chú theo dõi bạn giới thiệu cách cầm mũi len, cách len sợi lẫn những mũi móc đôi, móc đơn.

Đó là những bước căn bản nhất để có thể hoàn thành chiếc mũ đẹp trong hai tiếng. Nó giống như những gì mà Linh Đan đã được học từ bà trong mùa dịch năm 2020.

Giai đoạn ở nhà do giãn cách xã hội, cô bạn và em gái cứ quẩn quanh bên bà và được dạy móc len, vừa giải trí vừa biết thêm bộ môn mới.

Nữ sinh Trường THPT Thanh Đa mở workshop làm nón len tặng trẻ vùng cao- Ảnh 3.

Linh Đan hướng dẫn móc len cho những người tham gia workshop ở quận Bình Thạnh -- Ảnh: YÊN HÀ

Đan kể, móc len vốn không dành cho người vội vàng. Cô bạn đã thất bại hàng chục sản phẩm bởi mũi móc lỗi nhưng không kịp sửa, kéo theo hàng móc len hỏng.

Bạn chia sẻ: “Tuy nhiên, mình càng móc len càng cảm thấy ghiền, cứ xong một chiếc găng tay hoặc mũ đủ màu sắc là vui lắm, bởi nó là công sức của sự tập trung và khéo léo”.

Cứ như thế, khi mùa dịch đi qua, Đan và em gái đã trở thành hai “thợ móc len lành nghề”.

Nữ sinh Trường THPT Thanh Đa yêu thích công việc thiện nguyện

Mẹ Đan vốn thường xuyên đến vùng cao phía Bắc làm thiện nguyện. Có lần, Đan theo mẹ ghé huyện Hoàng Su Phì ở Hà Giang. Nơi có địa hình đồi núi hiểm trở, dốc đứng, những em bé co ro trong căn nhà vách đất, thiếu điện lẫn nước sạch.

Hình ảnh em bé trong tiết trời mùa lạnh, quần áo chẳng đủ giữ ấm đã theo Đan về thành phố. Bạn ngỏ ý đan mũ len tặng cho các em và mẹ nhanh chóng đồng ý.

Nhưng mùa dịch đã đi qua, Đan phải trở lại trường học, thời gian đan len không nhiều. Bạn chỉ có thể dành vài tiếng mỗi tuần phụ bà cùng em gái. Ba bà cháu cần mẫn cả năm nhưng chỉ gửi được 100 mũ len đến các điểm trường.

Một lần, bạn của bà ngoại khoảng chục người ghé chơi nhà, thấy hành động có ý nghĩa nên phụ một tay. Năm đó, Đan gửi được gần 200 mũ, bạn nhận ra càng đông người giúp đỡ, các em vùng cao sẽ có nhiều cơ hội nhận mũ đẹp hơn.

Cô bạn quyết định mở workshop để hướng dẫn cho mọi người tham gia. Cô bạn muốn giới thiệu bộ môn này đến các gen Z không chuyên để các bạn trải nghiệm, và để có thêm mũ tặng các em.

Tháng 3-2024, Đan và em gái gom tiền tiết kiệm từ những giải đấu võ cổ truyền trước đó, cộng thêm quỹ ủng hộ của mẹ làm workshop. Đan phụ trách “giáo án” trong khi em gái hăng hái thiết kế poster để workshop ra đời.

Nữ sinh Trường THPT Thanh Đa mở workshop làm nón len tặng trẻ vùng cao- Ảnh 4.

Workshop thu hút những bạn trẻ chưa từng móc len - Ảnh: YÊN HÀ

Ngoài sức tưởng tượng của Đan, buổi đầu đã có hơn 40 người góp mặt dù workshop không được chạy quảng cáo. Người tham gia được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật đan len, sau đó sản phẩm sẽ được gửi đến các em bé ở vùng cao trong đợt mùa đông lạnh.

Đan kể, buổi đầu tiên cô bạn đã run đến mức nói vấp vài chỗ, bởi bên dưới có nhiều người lớn hơn mình. Cứ chốc chốc, các chị lại gọi “Đan ơi” để sửa giúp mũi đan hoặc cứu nguy cho những chiếc nón đan bị nhỏ hơn size thông thường, màu sắc bị rối.

Tính đến nay, cô bạn đã tổ chức được 5 buổi, trong đó có nhiều kỷ niệm vui buồn. Bạn chia sẻ: “Nhớ nhất là các cô lớn tuổi nhưng đầy nhiệt huyết, các cô quyết tâm “không để chiếc mũ nào xấu”, cứ làm xấu là tháo ra làm lại, cần mẫn gần hết workshop mới xong và luôn là người ngồi lại cuối cùng.

Mình cũng rất ấn tượng với các bạn gen Z bỏ đi chơi cuối tuần để cặm cụi học kỹ thuật len cơ bản với mong muốn góp gì đó cho những em bé vùng cao”.

Tuy vậy, có những chiếc mũ lỗi nhẹ, ba bà cháu phải mang về nhà sửa cả tiếng để vừa kích cỡ các em. Trong quá trình đó, mọi người luôn cố gắng giữ lại phom dáng ban đầu để người móc cảm nhận sản phẩm mình có ý nghĩa.

Trong workshop cuối tháng 8, Đan cùng em gái ngồi đếm thành quả gần 216 mũ, đủ màu sắc, kiểu dáng, lòng rộn ràng nghĩ đến ánh mắt háo hức của các em nhỏ khi đón nhận.

“Có một hạnh phúc là mang đến hạnh phúc cho người khác”, Đan nói.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: