Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán

Thứ sáu, 28/06/2024 08:00 (GMT+7)

Các 'phù thủy' gấp giấy origami có thể biến những miếng giấy thành mô hình khủng long, rô bốt… siêu hoành tráng.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

Origami: Gấp giấy cũng khó như… giải toán

Origami là loại hình nghệ thuật gấp giấy xuất xứ từ Nhật Bản. Từ những miếng giấy phẳng hai chiều, người chơi có thể biến chúng thành mô hình 3D sống động. Nghe có vẻ khó tin, nhưng nhiều bạn cho biết gấp giấy cũng khó như... giải toán.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 2.

Mẫu gấp nhân vật anime và sơđồ nếp gấp do Đại Quang thực hiện - Ảnh: NVCC

Bạn Trịnh Phạm Đại Quang (lớp 12A1, Trường THPT Nhơn Trạch, Đồng Nai) có 2 năm kinh nghiệm theo bộ môn origami. Quang cho biết, khi gấp những mẫu có sẵn, người chơi sẽ thực hiện theo bảng hướng dẫn, gọi là sơ đồ nếp gấp.

Việc “giải” sơ đồ nếp gấp cũng khó như giải toán hình học. Bởi vì mỗi sơ đồ thường có ký hiệu hai nếp chính. Đường màu đỏ là nếp gấp lồi và đường màu xanh là nếp gấp lõm. Người chơi buộc phải tự chia tỉ lệ trên giấy cho thật chính xác.

Không những vậy, một số sơ đồ chỉ có duy nhất đường gấp màu đen, buộc người thực hiện phải phán đoán xem đâu là đường gấp lồi, đâu là đường gấp lõm. Chỉ cần sai một chi tiết cũng có thể phải làm lại từ đầu. Vì vậy, tư duy hình học là rất cần thiết đối với “người chơi hệ giấy”.

Đại Quang thường gấp các nhân vật anime bằng giấy in. Bạn lựa chọn loại giấy này để tiết kiệm hơn, tuy vậy, kích cỡ của giấy in dày gây khó khăn cho bạn. Thông thường mỗi mẫu bạn gấp trong 2-3 tiếng. Mẫu lâu nhất bạn từng gấp là 10 tiếng.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 4.

Mẫu rô bốt bằng giấyAnh Vũ gấp trongt hời gian 13 tiếng - Ảnh: NVCC

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 5.

Mẫu khủng long do Trọng Tín thực hiện - Ảnh: NVCC

Bạn Đinh Hoàng Anh Vũ (lớp 10C7, Trường THPT Phạm Ngũ Lão, Hải Phòng) học origami từ năm 6 tuổi. Bạn cho biết, bộ môn này đòi hỏi ở người chơi đôi tay khéo léo lẫn trí tưởng tượng không giới hạn. Vũ thích “biến” những mẫu giấy thành rô bốt.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 6.

Bạn Anh Vũ.- Ảnh: NVCC

Thỏa sức sáng tạo với giấy

Đối với những bạn đã thành thạo, thay vì gấp theo mẫu có sẵn, các bạn tự sáng tạo ra mẫu origami của riêng mình. Như bạn Trần Trọng Tín (19 tuổi, Ninh Thuận) có 7 năm theo đuổi origami. Đến năm 2022, Tín bắt đầu tự thiết kế mẫu origami cho mình.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 7.

Ảnh: NVCC

Tác phẩm tâm huyết nhất của Tín có tên King Ghidorah, được làm bằng giấy phủ bạc với hình tượng rồng phương Tây. Một năm là tổng thời gian bạn nghiên cứu, thử nghiệm để cho ra đời phiên bản hoàn thiện.

Ban đầu, Tín gặp khó khăn trong cách dựng cấu trúc, phân bổ tỉ lệ sao cho hiệu quả. Trong nửa năm đầu, Tín đã nhiều lần thử nghiệm để hoàn thiện cấu trúc chính.

Sau đó, trong lần gấp thứ hai bạn gặp khó khăn về việc tạo hình mẫu vì độ dày của giấy lớn khiến thao tác trở nên khó khăn. Lần gấp cuối cùng đã cho ra phiên bản tiết chế ở các chi tiết nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp. Đến hiện tại, Tín đã sở hữu trên 300 mẫu gấp, trong đó 15 mẫu bạn tự thiết kế.

Thầy giáo có… 19 năm kinh nghiệm gấp giấy

Thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú) bắt đầu gia nhập bộ môn origami từ năm 2005. Đến năm 2006, thầy làm chủ nhiệm đầu tiên của CLB Origami miền Nam.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 8.

Thầy Trung Hiếu và mẫu xương khủng long bằng giấy - Ảnh: NVCC

Thầy kể, ban đầu mục đích gấp giấy là sự tò mò về những mẫu vật khủng long rất đẹp của một tác giả nước ngoài đã thôi thúc thầy. Sau này, khi bắt đầu nghiêm túc với việc gấp giấy, thầy Hiếu thấy bản thân nhận được rất nhiều thứ. Đó là rèn luyện suy nghĩ trước khi gấp, cần sử dụng kiến thức toán hình học để tìm những đường chính, cơ bản trước khi đi vào chi tiết. Bên cạnh đó là sự tập trung vào các nếp giấy, sự sáng tạo về tạo dáng, lựa chọn giấy và màu sắc cho phù hợp với mẫu.

Thầy Hiếu gợi ý tiến trình cho “tân thủ”

* Nên học các nếp gấp cơ bản: nếp lồi, nếp lõm, nhấn... để có thể đọc được hướng dẫn gấp những mẫu có độ khó cao hơn.

* Khi các bạn gấp được mẫu là lúc bạn chọn màu, chọn giấy và chỉn chu mẫu của mình sao cho hài hòa, không có nhiều nếp gấp thừa lộ ra.

Thú chơi origami: Khi gấp giấy cũng khó như… giải toán- Ảnh 9.

Một chú bọ ngựa giấy - Ảnh: NVCC

* Tiếp đến, các bạn có thể chinh phục các mẫu không có hướng dẫn gấp mà chỉ có sơ đồ đường gấp, ở mức độ này, khả năng tư duy của các bạn về hình học, về chi tiết mẫu vật sẽ tốt hơn.

* Cuối cùng, các bạn có thể tự tạo ra mẫu của chính mình mà không theo hướng dẫn của một tác giả nào cả. Đó chính là nét riêng đặc sắc của các bạn. Hiện nay loại giấy cơ bản nhất có thể giúp các bạn chinh phục mẫu gấp origami là giấy nhăn (crumple). Đối với những mẫu đơn giản, nhỏ, giấy kami (hình vuông 15cm) là lựa chọn tốt.

Loại giấy này được bán ở các siêu thị đồng giá Nhật Bản. Nếu các bạn muốn mẫu của mình đẹp hơn có thể thử sức với các loại giấy khác như giấy dó Việt Nam, giấy dướng, giấy papyrus, giấy washi... Các loại giấy này đắt tiền hơn nhưng chất lượng tạo mẫu tốt hơn.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: