Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan của cô bạn quê Đồng Nai

Thứ sáu, 07/06/2024 21:54 (GMT+7)

Leo núi là một trong những hoạt động rất đáng để trải nghiệm vào dịp nghỉ hè. Cùng nghe cô bạn quê Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm leo núi Chứa Chan tại quê nhà nhé!

Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan của cô bạn quê Đồng Nai- Ảnh 1.

Ý Trâm lựa chọn leo núi để thỏa mãn đam mê chinh phục - Ảnh: NVCC

Hà Ngọc Ý Trâm đang là sinh viên năm 4 khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM. Chia sẻ với Mực Tím cô bạn cho biết từng leo núi Chứa Chan một lần và núi Bà Đen hai lần. Với Ý Trâm, mỗi chuyến leo núi đều là một trải nghiệm mới mẻ.

Núi Chứa Chan là lựa chọn hợp lý cho người mới bắt đầu

Núi Chứa Chan (hay còn gọi là núi Gia Lào) nằm ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nóc nhà Đồng Nai này có chiều cao khoảng 837m so với mực nước biển. Chứa Chan cũng là ngọn núi cao thứ hai Đông Nam Bộ sau núi Bà Đen - Tây Ninh (986m).

Theo Ý Trâm, núi Chứa Chan đích thị là ngọn núi phù hợp cho người mới bắt đầu tập tành leo núi nhưng phải là “lần đầu có chuẩn bị”.

Lần đầu leo núi, cô bạn cũng lựa chọn ngọn núi này và đồng hành cùng người bạn thân. Trâm cho rằng việc leo núi đòi hỏi sự chuẩn bị thể lực rất kỹ từ trước đó (tập thể dục, vận động bền, tập cardio, hít đất,...)

Để lên tới đỉnh núi, có hai con đường để di chuyển: đường cột điện và đường chùa. Bạn nên tham khảo thông tin hai cung đường để lựa chọn trước khi leo. 

Nếu đi bằng đường cột điện thì Trâm giới thiệu các bạn có thể gửi xe ở nhà chị Yến ngay chân núi. 

Bạn cũng nên mua thêm một cây gậy để chống vì sẽ giúp ích rất nhiều trên đường đi.

Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan của cô bạn quê Đồng Nai- Ảnh 2.

Đoạn đường check-in đẹp trên đường mà Ý Trâm phát hiện ra - Ảnh: NVCC

Những điều cần lưu ý trên đường đi

Với đường cột điện, đoạn đường bắt đầu sẽ hơi dốc. Bạn nên đi chậm để cơ thể làm quen với nhịp vận động. Kinh nghiệm của Trâm là nếu mệt, bạn có thể tìm tảng đá để dựa vào thay vì ngồi sụp xuống. Bởi khi đứng lên đi tiếp có thể khiến bạn mất sức và co rút cơ đột ngột.

Suốt quãng đường leo, dù mệt bạn cũng đừng uống nước vội. Thay vào đó, hãy mang theo trái cây (sắn, chuối, dưa hấu...) để nhâm nhi dọc đường, vừa bù được nước vừa giúp tăng sức bền.

Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan của cô bạn quê Đồng Nai- Ảnh 3.

Lần đầu không chuẩn bị kĩ, cô bạn gặp phải tình huống giày bung cả đế ngay trên cung đường leo - Ảnh: NVCC

Ngoài ra, nếu bạn chỉ định trải nghiệm trong ngày thì nên xuống núi từ sớm. Bởi theo kinh nghiệm của Trâm từ 18h là trời đã rất tối. Lúc này rất khó để nhìn thấy đường đi nếu không trang bị đèn pin. 

Trong chuyến leo núi lần trước, vì bạn đồng hành của Trâm bị đau chân nên cả hai phải di chuyển chậm và xuống núi khá trễ. “Hai đứa mình mở đèn flash điện thoại. Hôm đó là trăng rằm mà tụi mình mở đèn thì chỉ thấy được 1m trước mặt thôi.”

Đối với Trâm, điều quan trọng của những chuyến leo núi là người bạn đồng hành. Khi có đồng đội, cả hai có thể hỗ trợ lẫn nhau. Cô bạn đặc biệt luôn chú ý để làm sao cân đối thể trạng của hai người. 

“Mình rất dễ mong ngóng đỉnh núi mà cố chấp leo nhanh hoặc không lượng được sức, không phân thời gian leo từng chặng cho phù hợp thì rất nguy hiểm. Mình leo được không có nghĩa bạn của mình cũng leo được và ngược lại” - Trâm chia sẻ.

Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan của cô bạn quê Đồng Nai- Ảnh 5.

Sau Chứa Chan, Ý Trâm (bên trái) cùng bạn thân tiếp tục chinh phục đỉnh núi Bà Đen - Ảnh: NVCC

Sau mỗi chuyến leo núi, cô bạn không chỉ học được thêm nhiều kiến thức bảo vệ bản thân, biết cách lượng sức và dùng sức mà còn rèn luyện sự tập trung và khả năng phản xạ nhanh. 

Trâm chia sẻ: “Mình thấy tinh thần thể thao của mình được nâng cao hơn, mình yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu chính bản thân mình hơn. Sau mỗi chặng leo núi, mình thấy mình chủ động hơn, có ý thức hơn trong việc ăn uống khoa học, tập luyện điều độ, biết tìm hiểu và nâng cao kiến thức về sức khỏe.”

Một số kinh nghiệm bỏ túi:

1. Rèn luyện sức khỏe, thể trạng tốt.

2. Lưu số điện thoại cứu hộ và để lại thông tin tại chỗ gửi xe để phòng trường hợp bất trắc.

3. Quan sát và bám theo đường đi được hướng dẫn để tránh lạc đường.

4. Mặc trang phục thoải mái, trang bị mũ, nón để che chắn.

5. Mang theo đồ ăn, nước uống vừa đủ.

6. Mang theo một số loại thuốc cần thiết, bộ dụng cụ sơ cứu.

7. Tùy tình trạng sức khỏe mà cân nhắc leo núi trong ngày hoặc ở lại qua đêm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: